TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Đừng để khách tới "ngắm cảnh" rồi về!
(Ngày đăng: 19/02/2024   Lượt xem: 55)

Có chính sách khuyến khích mỗi khách quốc tế trở thành một "đại sứ" giúp quảng bá du lịch Việt Nam, giữ chân bằng ẩm thực, sản vật địa phương…

Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được ý kiến của doanh nghiệp, bạn đọc gửi góp ý, hiến kế làm sao "Để thu hút khách quốc tế trở lại".

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam (xe buýt 2 tầng):

Mỗi khách quốc tế là một đại sứ du lịch

Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và ở lại lâu hơn, chính sách về quảng bá, xúc tiến là rất quan trọng. Bởi như khách châu Âu, châu Mỹ… thường lên kế hoạch đi du lịch từ rất sớm, có thể từ 6 tháng đến một năm. Nếu không có kế hoạch sớm, bài bản, rất khó để khách tới Việt Nam rồi quyết định ở lại thêm một vài ngày, trong khi nếu quảng bá sớm họ sẽ có thể sắp xếp lịch trình để ở lại 1-2 tuần.

Chính sách visa thông thoáng, cởi mở cũng là một yếu tố quan trọng. Nên có chính sách miễn visa và cho phép khách được ra vào, nhập cảnh nhiều lần. Rất nhiều khách quốc tế tới Việt Nam du lịch rồi đi tiếp sang Campuchia, Thái Lan… sau đó lại quay lại Việt Nam. Chính sách miễn visa, nhập cảnh nhiều lần sẽ giúp họ thoải mái khi tới Việt Nam.
Đừng để khách tới "ngắm cảnh" rồi về!- Ảnh 1.

Khách quốc tế tham quan TP HCM trên xe buýt 2 tầng

Ngành du lịch của chúng ta có lợi thế rất lớn về cảnh đẹp thiên nhiên, những vùng biển tuyệt vời; ẩm thực phong phú; nghệ thuật dân gian đa dạng… nếu khai thác tốt các yếu tố này sẽ giúp đón thêm nhiều khách quốc tế.

Đặc biệt, mỗi khách du lịch, trong đó có khách quốc tế đều là một "đại sứ" giúp quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam. Nếu làm tốt, có sản phẩm dịch vụ du lịch tốt, để lại ấn tượng, chúng ta hoàn toàn có thể khuyến khích, có chính sách quà tặng… để khách đánh giá, bình chọn hoặc check-in ở Việt Nam đăng trên mạng xã hội – một cách quảng bá, truyền thông giúp lan tỏa mạnh mẽ cho ngành du lịch.

Riêng với sản phẩm xe buýt 2 tầng "Hop on - Hop off" của chúng tôi, hiện đã khai thác xuyên đêm 24/24 ở TP HCM. Thay vì vài giờ chờ ra sân bay chưa biết làm gì, du khách quốc tế có thể sử dụng dịch vụ xe buýt 2 tầng để tham quan, khám phá thành phố… 

Chúng tôi đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát triển đa ngôn ngữ để khách tham quan bằng xe buýt 2 tầng có thể được nghe thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc…

Ông Nguyễn Hữu Nhân (bạn đọc ở tỉnh Đồng Tháp):

Thêm sản phẩm dịch vụ để khách có cơ hội chi tiêu nhiều hơn

Quê tôi ở Sa Đéc, Đồng Tháp cũng là điểm đến khá có tiếng về du lịch. Hai địa điểm khách quốc tế thường tới tham quan là Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và Chùa Kiến An Cung, thăm làng hoa Sa Đéc… Có điều, theo tôi được biết ngoại trừ Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có bán vé còn lại các địa điểm khác, du khách không mất tiền khi đến tham quan. Phần lớn du khách đến theo tuyến đường sông Mê công do các công ty lữ hành tổ chức.

Điều đáng nói là gần như du khách không có cơ hội tiêu xài gì khi đến những nơi này; khách cũng ít có cơ hội trải nghiệm ẩm thực hay mua sắm vật dụng lưu niệm khi đến những địa điểm này.
Đừng để khách tới "ngắm cảnh" rồi về!- Ảnh 2.
Nếu muốn thu hút khách trở lại, các điểm đến trong khu vực cần tránh tình trạng chồng chéo, tỉnh nào cũng tát ao bắt cá, bơi xuồng trên sông...

Do đó, cần tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ để du khách có cơ hội tiêu tiền. Chẳng hạn, thay vì chỉ xem ruộng hoa, tham quan làng nghề, các đơn vị có thể tổ chức trải nghiệm cho du khách cùng sống, cùng trồng hoa, chăm sóc, thu hoạch hoa kiểng… Hay không chỉ xem, thưởng thức sản phẩm là các loại bánh dân gian làm từ bột các loại, mà còn tạo cơ hội để khách trực tiếp tham gia vào các công đoạn làm bánh, hủ tiếu, bánh phở… ở làng nghề bột Sa Đéc.

Muốn khách ở lại Sa Đéc một đêm tại hệ thống cơ sở lưu trú, phải nghĩ đến việc họ sẽ đi đâu chơi, thưởng thức ẩm thực, văn hóa nào vào buổi tối? Nếu chỉ là một bữa ăn ngon với các đặc sản địa phương là chưa đủ. Sản phẩm hiện tại chưa đủ thu hút nhiều du khách vì không phải đoàn khách nào cũng hiểu được loại hình đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật địa phương chưa đạt đến mức đặc sắc… nên cần có sự liên kết hỗ trợ từ các địa phương, nhiều ngành khác.

Nếu muốn thu hút khách trở lại, các điểm đến trong khu vực cần tránh tình trạng chồng chéo, tỉnh nào cũng tát ao bắt cá, nghe đờn ca tài từ, bơi xuồng trên sông… Sản phẩm du lịch cần hấp dẫn, độc đáo tạo hứng thú cho khách tìm hiểu ngành nghề, cuộc sống lao động thường nhật của bà con nơi du khách đến...

Ẩm thực cũng là một thách thức để thu hút du khách trở lại. Các tỉnh ĐBSCL có chung đặc điểm sản vật, khí hậu nên rất dễ trùng lắp khi phục vụ du khách. Một điều dễ thấy nhất là du khách đến Sa Đéc chỉ trong vài giờ là xuống tàu hay lên xe về Cần Thơ, Châu Đốc. Đồ lưu niệm cũng chưa đặc sắc, chỉ đơn giản vài tập bưu ảnh hay những món đồ thủ công đơn giản… khó "móc túi" khách du lịch.

Đồng Tháp có thế mạnh về trồng sen và các sản vật từ sen. Do vậy, sẽ hay hơn nếu các loại bánh mứt từ sen được sản xuất, chế biến đạt chuẩn chất lượng bao bì đóng gói hợp quy cách được mang đến giới thiệu với du khách. 

Việc mời khách thưởng trà dùng mứt dân gian đã được thực hiện ở nhà cổ Huỳnh Thủy Lê từ lâu nhưng nếu sản phẩm được quan tâm nhiều hơn nữa, rất có thể trở thành mặt hàng mang lại giá trị đáng kể khi đến đây.
                                       Theo:  nld.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.491.027
Tổng truy cập: