TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(50-59)- Thúc đẩy nghệ thuật, định vị điểm đến
(Ngày đăng: 25/01/2024   Lượt xem: 65)

Gần đây, các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế được nhiều thành phố tổ chức thường kỳ, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, quảng bá giá trị văn hóa, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, đem lại những lợi ích về kinh tế - xã hội.

Điểm nhấn văn hóa, tạo “sức mạnh mềm”

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất - năm 2024 (HIFF 2024), dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 13.4.2024, quy tụ hàng trăm nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, nhà phê bình và người yêu điện ảnh, được kỳ vọng là sự kiện điện ảnh lớn nhất Đông Nam Á trong năm. Đây là hoạt động nằm trong chiến lược phát triển ngành điện ảnh, góp phần quảng bá hình ảnh đến với bạn bè quốc tế, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố điện ảnh (Film city), gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 

Những năm gần đây, nhiều thành phố quan tâm tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế. Hà Nội có Lễ hội Âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Đà Nẵng có Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với những màn trình diễn đặc sắc. Festial Huế nhiều năm nay thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế...
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Dũng Phương

 
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Dũng Phương

Mỗi sự kiện tầm cỡ quốc tế đều là dịp để thể hiện những nét văn hóa đặc sắc về nội dung nghệ thuật của thành phố, quốc gia trước bạn bè thế giới; đồng thời là cơ hội tuyệt vời để thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu cho nhiều ngành nghề khác như du lịch, ẩm thực, phục vụ, khách sạn, tổ chức sự kiện…

Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là hoạt động vừa tạo dấu ấn cho địa phương, nhất là các địa điểm du lịch, vừa trở thành cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, kết nối, giao lưu với đồng nghiệp, khán giả và các bên liên quan. Từ đó thúc đẩy phát triển nghệ thuật nước nhà, định vị tên tuổi của sự kiện nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa, nghệ thuật thế giới.

Ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật nhiều khi còn vượt xa hơn thế khi có thể lan tỏa, tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, tạo ra “sức mạnh mềm” trong quá trình hội nhập quốc tế.

Không phải "một sớm một chiều"

Với bề dày lịch sử lâu đời, nền văn hóa truyền thống đặc sắc cùng với các loại hình nghệ thuật đa dạng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng những chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng các sự kiện như vậy thành công, cần có cơ chế, chính sách để nâng cao nhận thức và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Các địa phương phải chủ động, tích cực hơn trong khâu tổ chức cũng như đón nhận những lợi ích do các sự kiện này mang lại.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội góp ý: “để xây dựng và tổ chức thành công một chương trình nghệ thuật chất lượng cao, quy mô quốc tế, cần huy động và sử dụng nhiều nguồn lực; nguồn lực ấy bao gồm nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, nguồn lực tài chính và nguồn lực tài nguyên, nguồn lực nhân sự và nguồn lực kết cấu hạ tầng. Muốn có được một chương trình biểu diễn nghệ thuật xứng tầm, chúng ta cần có những bước xây dựng, chuẩn bị và phát triển từ cơ bản đến nâng cao, từ cấp cơ sở cần vững mạnh và chuyên nghiệp; đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều”.

Theo NSND Trung Hiếu, cần quan tâm xây dựng, phát triển và kiện toàn các đơn vị nghệ thuật, trong đó có các đơn vị nghệ thuật truyền thống, mang đặc trưng của mỗi địa phương, phát triển vững mạnh và phù hợp với xu hướng của thời đại mới. Những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế cần huy động nguồn nhân - trí - lực dồi dào, từ ý tưởng - địa điểm - công nghệ… đến số lượng nghệ sĩ, cùng các nhân sự có liên quan, cần tính toán và chuẩn bị kỹ càng. Để có nguồn nhân sự đó cần có sự nuôi dưỡng, tập luyện và phát triển từ cơ sở; bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo thêm nhiều cơ hội cho nghệ sĩ trẻ được tiếp xúc và giao lưu với nhiều nghệ sĩ tài năng, nền nghệ thuật của các quốc gia khác.

Tổ chức thành công một sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế đòi hỏi không chỉ những nhân tài về lĩnh vực nghệ thuật, tổ chức biểu diễn, mà còn cần hạ tầng kỹ thuật, địa điểm tổ chức phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là khoản đầu tư ban đầu không nhỏ, cần chuẩn bị và lên kế hoạch lâu dài...

“Với sự đánh giá và nhìn nhận đúng đắn về sức mạnh của văn hóa - nghệ thuật đối với một quốc gia, chúng ta sẽ không chỉ tổ chức thành công được những sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, mà còn có thể sử dụng văn hóa để phát triển kinh tế - phát triển đất nước vững mạnh hơn trong tương lai” - NSND Trung Hiếu tin tưởng.

                                  Theo:  daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.490.730
Tổng truy cập: