TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(35)- Giá trị kép của sản phẩm quà tặng du lịch
(Ngày đăng: 16/01/2024   Lượt xem: 69)

Phát triển sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, bản sắc là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra với nhiều địa phương, trong đó có Ninh Bình. Đây không chỉ là yếu tố để tăng chi tiêu của khách, nâng tổng doanh thu từ du lịch, mà còn mang lại giá trị kép, vừa bảo tồn, vừa quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương.

Đa dạng nhưng thiếu bản sắc

Ninh Bình được đánh giá có tiềm năng lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch, bởi đa dạng về điều kiện tự nhiên, có bề dày văn hóa, lịch sử và đón lượng du khách lớn (năm 2023 đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch). Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến địa phương hay quốc gia như hiện nay, sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hút khách.
Giới thiệu một số sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm bên lề hội thảo
Giới thiệu một số sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm bên lề Hội thảo "Phát triển các sản phẩm cho thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương miền cố đô" ngày 15.1 Ảnh: BTC

Ninh Bình xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh, gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng các sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng chỉ ra, việc phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm trên địa bàn còn hạn chế, chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, một số sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về văn hóa, con người của vùng đất cố đô. Số lượng đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh quà tặng du lịch, quà lưu niệm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối quà tặng du lịch, quà lưu niệm.

TS. Nguyễn Huy Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận xét, sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm của Ninh Bình chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số mặt hàng được bày bán, giới thiệu trên địa bàn; đặc biệt, ít sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm gắn với biểu trưng văn hóa của tỉnh.

Chính việc thiếu sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm độc đáo mang bản sắc riêng đã làm hạn chế chi tiêu, mua sắm của khách, dẫn đến tình trạng lượng du khách khá cao, nhưng tổng doanh thu từ du lịch của Ninh Bình còn khiêm tốn.

Vì thế, phát triển các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch độc đáo, mang bản sắc địa phương là rất cần thiết. Bởi một sản phẩm du lịch tinh tế không chỉ góp phần tăng doanh thu cho địa phương mà còn có thể truyền cảm hứng cho khách du lịch, lưu lại những trải nghiệm, gợi nhớ điểm đến mà họ đặt chân tới.

Cần xây dựng câu chuyện văn hóa, di sản

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, thị trường sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm tại Ninh Bình hiện nay không thể đại diện cho Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, bởi thiếu ý nghĩa, thông điệp về câu chuyện di sản cũng như chưa thể hiện hết giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.

Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, tận dụng thế mạnh có sẵn cũng như áp dụng các tiêu chí du khách sử dụng khi lựa chọn sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, Quần thể danh thắng Tràng An nên hướng tới sử dụng các nguyên liệu tự nhiên địa phương để tạo ra các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm độc đáo, đậm bản sắc. Hình ảnh cảm quan, địa chất địa mạo đặc sắc của di sản này có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm như tranh, ảnh, đồ gốm sứ... Các sản phẩm truyền thống làng nghề có thể được thiết kế, cách tân phù hợp với nhu cầu khách du lịch hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đề xuất ý tưởng thiết kế "quà lưu niệm di sản" ở Tràng An từ di vật thời tiền sử, như: đồ trang sức bằng vỏ ốc biển; đồ trang sức từ Ốc Tiền; chân dung người tiền sử Tràng An; đồ gốm tiền sử, chùa Nhất Trụ; cột kinh Phật nhà Đinh; đồng tiền nhà Đinh thế kỷ X... “Quà lưu niệm di sản là những chế phẩm do con người tạo ra dựa vào đặc thù riêng có, nổi bật của di sản văn hóa, giúp du khách có thể sở hữu, trải nghiệm hoặc gợi lại một giai đoạn lịch sử của tự nhiên (đối với di sản thiên nhiên) và xã hội (đối với di sản lịch sử - văn hóa - khảo cổ) ở một khu di sản nhất định. Quà lưu niệm di sản có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương”. 

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ kinh nghiệm: xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh của Thủ đô, thành phố đã ban hành nhiều đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nghề và làng nghề. Trong đó, tham mưu phát triển làng nghề và nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí phục vụ du lịch, dần đưa các làng nghề trở thành trung tâm bán hàng lưu niệm thủ công truyền thống đặc trưng hấp dẫn khách du lịch, kết hợp cung ứng trải nghiệm hoạt động sản xuất trực tiếp. Đặc biệt, “cần xây dựng câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch, đưa giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất lên các sản phẩm lưu niệm. Đây chính là yếu tố giúp tăng giá trị, tạo sự khác biệt cho sản phẩm lưu niệm của địa phương”...

Khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, riêng có của cố đô, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn mong muốn các chủ thể, nghệ nhân, người thiết kế nghiên cứu những sản phẩm có tính sáng tạo, hấp dẫn, đậm bản sắc văn hóa, lịch sử. Các doanh nghiệp, địa phương phát huy vai trò kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm để hỗ trợ truyền thông, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tập trung tìm ra giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, hỗ trợ nghệ nhân và phát triển các sản phẩm có thương hiệu. 

                                            Theo;  daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.474.982
Tổng truy cập: