TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(29-33)-Xây dựng thành phố sáng tạo mang bản sắc Hà Nội
(Ngày đăng: 30/11/2021   Lượt xem: 391)

Các đại biểu tham quan mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ truyền thống trong Tuần lễ Thiết kế Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019. Nhưng từ đó đến nay, việc xây dựng thành phố sáng tạo chưa có nhiều chuyển biến. Vấn đề làm thế nào để thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo, nhất là làm thế nào để tận dụng được nguồn lực văn hóa của thành phố thúc đẩy sáng tạo trong thiết kế mang bản sắc Hà Nội đang được đặt ra, cần có lời giải đáp.

Thành phố Hà Nội có nguồn lực to lớn để xây dựng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mang bản sắc Hà Nội. Trước hết đó là “kho” tài nguyên khổng lồ các giá trị văn hóa truyền thống. Kho tài nguyên này gồm nhiều “nhánh” khác nhau. Trong số 350 làng nghề của Hà Nội, có hàng trăm làng nghề mà thiết kế sáng tạo từ hàng trăm năm qua đã là thế mạnh, như làng gốm Bát Tràng, các làng nghề mây, tre, đan, các làng nghề điêu khắc cổ truyền… Hà Nội có hệ thống di tích phong phú. Trong đó, chỉ riêng di tích Hoàng thành Thăng Long đã là nơi dung chứa nhiều giá trị thiết kế, từ thiết kế kiến trúc, cho đến thiết kế nội thất, ngoại thất… Hệ thống hoa văn trang trí tại di tích này hoàn toàn có thể được đúc rút, tái tạo trong những thiết kế hiện đại. Hà Nội cũng là một trong hai địa phương tập trung đội ngũ các nhà thiết kế lớn nhất cả nước, từ thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật, cho đến các lĩnh vực thiết kế sáng tạo khác. Đây là cơ sở để Hà Nội chuyển hướng phát triển sang các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Tháng 10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu. Ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị ghi danh, Hà Nội đã cam kết với UNESCO về xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng thành phố sáng tạo. Tại Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” (trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổ chức), PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, nhận định: Các chính sách của thành phố Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được các trụ cột tài nguyên văn hóa như: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa... Các tổ chức công-tư, các đơn vị nghiên cứu đã bước đầu tạo động lực để Hà Nội chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế, góp phần tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa. Đối với các không gian sáng tạo, thành phố đã có một số hoạt động khuyến khích, nhất là cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo mới tổ chức, góp phần đưa ra nhiều ý tưởng, gợi ý về xây dựng không gian sáng tạo. 

Tuy nhiên, nhìn chung, những chuyển biến trong xây dựng thành phố sáng tạo, nhất là ở lĩnh vực mà Hà Nội đăng ký xây dựng là thiết kế sáng tạo vẫn còn hết sức chậm chạp. Kho tài nguyên văn hóa của Hà Nội về cơ bản vẫn “ngủ sâu”. Giải quyết vấn đề này không phải chuyện ngày một, ngày hai mà cần có lộ trình. Song, thành phố cần khẩn trương hơn trong thực hiện các cam kết. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, cho rằng, Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư. Về mặt cơ chế, Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công-tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng cần có quy hoạch minh bạch, chi tiết các loại hình văn hóa muốn phát triển, định hướng tương lai cho các loại hình đó để nhà đầu tư nắm được thông tin, quyết định cho việc đầu tư. Ông Lê Quốc Vinh gợi ý, thành phố cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ, bởi đối tượng này thường thiếu vốn, văn bằng cũng như các nguồn lực khác, sau đó tiến tới hình thành không gian sáng tạo đúng nghĩa, đúng tầm cỡ. Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề hợp tác công-tư. Trong đó, về lâu dài, Nhà nước đóng vai trò tạo cơ chế và quản lý, các hoạt động dựa vào cộng đồng, dựa vào tư nhân để phát triển.

Để xây dựng thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa mang bản sắc Hà Nội, PGS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là lĩnh vực thành phố vốn có nhiều thế mạnh. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty Sáng tạo Văn hóa Nguyễn Huyền Châu và cộng sự đã tổng hợp và phát triển bộ họa tiết ứng dụng từ hình hoa sen trên gạch, ngói di tích Hoàng thành Thăng Long. Các nhà thiết kế đã nghiên cứu sự phát triển, biến đổi họa tiết hoa sen trên gạch, ngói phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại, từ đó, rút ra những nét đặc sắc nhất và tái tạo thành bộ họa tiết có thể ứng dụng trên nhiều sản phẩm thiết kế khác nhau. Bộ sản phẩm “độc bản” này cho phép nhận diện thương hiệu Hà Nội, thương hiệu Việt Nam so với thiết kế của các quốc gia khác. Đây là một trong những gợi ý hay để tạo sự kết nối truyền thống-hiện đại, để khẳng định bản sắc văn hóa Hà Nội, bản sắc Việt Nam trong thiết kế.

                                             Theo: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.458.658
Tổng truy cập: