TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(99)-Nhớ một thời... Tết về ở trong tranh
(Ngày đăng: 25/02/2021   Lượt xem: 437)

Nhìn tranh thấy Tết. Ấy là ký ức về dòng tranh Đông Hồ. Dòng tranh từng một thời hiện diện trong đời sống phong tục ngày Tết của dân tộc, hôm nay, dòng tranh ấy ở lại như một phần ký ức đẹp của Tết thời xa ngái.

Tranh Đông Hồ - một dòng tranh ngày Tết_Ảnh: TL

Tết... trong “màu dân tộc”

Từ xưa, người Việt đã coi tục chơi tranh như một trong bốn thú chơi tao nhã: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người chơi tranh lại càng náo nức, khiến những ngày Tết thêm rộn ràng. Mỗi bức tranh được chọn không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà mà còn có ý nghĩa về sự gửi gắm ước mong của gia chủ, thông điệp cho một năm mới bình an, may mắn, phát tài.

Điểm độc đáo của tranh Đông Hồ là được tạo bởi năm màu sắc chính (đen, xanh, vàng, đỏ, trắng), có nhiều nét tương đồng với năm yếu tố ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Bởi vậy, sự hòa hợp của các gam màu trên tranh Tết Đông Hồ là điềm báo cho sự khởi phát thuận lợi của ngũ hành dịp đầu năm, mang đến may mắn và điềm lành cho gia chủ.

Treo tranh Đông Hồ đã thành một nét văn hóa phổ biến của người Việt xưa, bởi vậy cụ Tú thành Nam mới có câu thơ rằng: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/Om sòm trên vách bức tranh gà” (cũng có bản ghi: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột. Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”), có lẽ chỉ nghe qua thôi cũng đủ thấy một phong vị Tết ẩn chứa trong mỗi bức tranh Đông Hồ. Một thế giới của đời thực được đưa vào trong tranh sinh động, chất thực hiện hữu trong từng đường nét mà vẫn toát lên sự tao nhã, đẹp đến nao lòng. Thanh âm cuộc sống cứ lần hồi, tuần hoàn như một thế giới đời thực trong tranh.

Bản khắc gỗ làm tranh Đông Hồ_Ảnh: TL

Một cái Tết cổ truyền đầy đủ của người xưa, không thể nào thiếu vắng tranh Đông Hồ với những nét vẽ giản dị nhưng lại mang những hàm ý sâu xa. Bằng những đường nét tinh tế, giàu tính gợi hình và màu sắc tươi tắn, hài hòa, mỗi bức tranh đều chứa đựng những ẩn ý nhân văn sâu sắc. Bức Tiến Tài - Tiến Lộc dán ở cổng để mời gọi thần tài đến nhà. Tranh “Gà đàn”, “Lợn đàn” lại tượng trưng cho khát vọng sung túc cả năm. Hai bức Vinh hoa – Phú quý vẽ bé trai ôm gà trống và bé gái con vịt với mong muốn năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá, con cái “đủ nếp đủ tẻ”... đều được những nghệ nhân Đông Hồ đưa vào phản ánh sâu sắc và hóm hỉnh trong dòng tranh Tết.

Có lẽ vì vậy mà, xưa tranh Đông Hồ được bán quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết. Người không có điều kiện đi xa, thường tới phố Chân Cầm, Hà Nội, người có thời gian sẽ về tận làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh để mua tranh. Người chơi không tìm kiếm hình minh họa về ngày Tết trong tranh Đông Hồ mà hướng đến những điều bình dị, dân dã trong cuộc sống hàng ngày và ước vọng về một cuộc sống thuận hòa và hạnh phúc.

Ngày nay, tuy thú chơi tranh dân gian ngày Tết có phần mai một nhưng không ít gia đình vẫn phải tìm mua tranh bằng được để trọn vẹn ngày Tết cổ truyền.

Giấy  Dó, là loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó, dùng để in tranh Đông Hồ_Ảnh: TL

Ký ức... một dòng tranh

Tranh Đông Hồ ở vùng Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng trong dòng tranh dân gian Việt Nam. Không chỉ bởi bố cục, đường nét mà mỗi một bức tranh đều mang hàm nghĩa sâu xa...

Nghề làm tranh dân gian tưởng vậy nhưng cũng lắm công phu. Dù xã hội ngày càng hiện đại, công nghiệp phát triển, nhưng quy trình làm tranh hoàn toàn là thủ công và không thay đổi qua thời gian.

Đầu tiên là giấy dó, từ cây dó trên rừng. Nhưng nếu chỉ có giấy dó thì không phải tranh Đông Hồ. Giấy dó chỉ là chất liệu để tạo thành giấy điệp. Giấy điệp ở đây là vỏ con điệp ở ngoài biển, mua về và giã nhỏ, sau đó quện với hồ, dùng chổi thông quét lên giấy dó và đem phơi khô mới ra giấy điệp.

Sau khi xong công đoạn làm giấy “trên rừng dưới biển”, các nghệ nhân sẽ chuyển sang công đoạn in tranh và in màu. Tranh Đông Hồ là tranh in từ bản khắc gỗ cổ, chứ không phải tranh vẽ thông thường. Kỳ công là ở chỗ, một bức tranh phải in nhiều lần, với các màu khác nhau. Ví như bức tranh có 5 màu thì phải 5 lần in, tức 5 lần lật và 7 lần phơi mới thành bức tranh. In một màu xong lại đem phơi, bao giờ khô mới in màu tiếp theo.

Màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ cũng hoàn toàn là màu tự nhiên từ cây cỏ. Trong đó, màu đen được tạo từ than lá tre, màu xanh là từ lá chàm, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của viên sỏi son, và màu trắng là màu của vỏ điệp.

Dùng hoàn toàn là màu thiên nhiên, do vậy tranh Đông Hồ nổi tiếng là có màu sắc “tươi trong”, không lẫn vào đâu được. Mà chính nhà thơ Hoàng Cầm từng như phải lòng cái đẹp của dòng tranh này bằng những câu thơ để đời: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”... Câu thơ đi qua hai thế kỷ, mỗi lần đọc lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc về một dòng tranh, về một thứ sắc màu mang hồn dân tộc. Tác giả đã không chỉ làm nên một làng quê Việt Nam bên kia sông Đuống với nghề truyền thống làm tranh Đông Hồ mà còn gợi nhớ về một phần nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền dân tộc.

Thấy Tranh Đông Hồ là thấy Tết_Ảnh: TL

Cái đẹp của dòng tranh dân gian nổi tiếng như thổi hồn trong từng câu, từng chữ của tứ thơ truyền tới người nghe một cảm giác reo vui, tươi mới, cảm giác như đã Tết hiện hữu về ngay trước mắt. Phải chăng, tự thân tranh Đông Hồ đã mang đến cho người thưởng ngoạn cái đẹp, sự ấm êm, no đủ. Được ngắm nhìn những sắc màu dân tộc, ta có cảm giác gần gũi thân thương. Có lẽ vì vậy mà, dẫu đi qua dâu bể, đi qua bao thăng trầm của cuộc sống, thì những cái đẹp của dòng tranh vẫn bền bỉ tỏa sáng. Nét tươi trong, màu dân tộc chỉ có thể sáng bừng trên giấy điệp ở dòng tranh Đông Hồ truyền thống. Rồi thời cuộc xoay vần, tranh Đông Hồ không còn cái thời cực thịnh, cả 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh.

Tưởng chừng như hôm nay, cái chất màu dân tộc chỉ còn trong ký ức thì một lần nữa được tái hiện. Một phần ký ức dân gian được sống dậy với hình ảnh nghệ nhân mặc áo dài, bên những bức tranh Đông Hồ ở những lễ hội dân gian đã gây ấn tượng với nhiều người dân. Phải chăng đó cũng là cách tự nhất để mỗi người xem gặp gỡ với những màu sắc dân tộc, được truyền thêm cảm hứng trân trọng những giá trị xưa cũ. Người xem như được nhẹ nhàng bước vào thế giới dân gian...

Người làng Đông Hồ, những người tâm huyết với dòng tranh này đã và đang cố gắng vừa giữ lửa cho nghề, vừa đi đến những chuyến xuất ngoại với mong quảng bá, đưa dòng tranh dân gian ra với thế giới. Dẫu hành trình sẽ còn rất gian nan song những người như nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng: Tranh Đông Hồ sẽ phát triển trong một tương lai không xa. Bởi lẽ, khi kinh tế phát triển đến một tầm nào đó, văn hóa chắc chắn sẽ được quan tâm.

Công nghệ 4.0, mọi thứ đều phát triển, khoảng cách được rút ngắn. Nhưng văn hóa dân tộc vẫn phải giữ vì có giá trị to lớn. Tin rằng, một ngày nào đó tranh Đông Hồ sẽ sống lại thực sự, để một phần văn hóa của dân tộc không còn mang tên ký ức./.

                                          Theo: nguoilambao.vn

Xem thêm:
>>Nghệ nhân tranh Đông Hồ - Nguyễn Hữu Quả với: “GÓC NGHỆ THUẬT CHIỀU THỨ TƯ”

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.472.118
Tổng truy cập: