TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Chương trình gốm sứ Bình Dương
(Ngày đăng: 09/06/2011   Lượt xem: 1212)

Trong khuôn khổ chương trình hôm nay, tôi xin trình bày một số ý kiến về "Làng nghề và vấn đề phát huy các giá trị đặc sắc của gốm sứ truyền thống".

I. Tìm hiểu những giá trị đặc sắc của gốm sứ truyền thống

Trong các ngành nghề truyền thống của nước ta, gốm sứ đã nổi lên như một ngành có giá trị tuyệt mỹ, được vun đắp bằng bàn tay, trí tuệ của các thế hệ nghệ nhân. Gốm sứ xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng một vạn năm trước đây (1), từ thời Tiền sử, qua Thời kỳ đồ đồng, Thời đại đồ sắt, đến Thời Lý - Trần, Thời Lê, Thời Nguyễn cho đến ngày nay, đã có những tiến bộ nổi bật về kỹ thuật và thẩm mỹ. Gốm sứ đã từ những vật liệu xây dựng, công cụ lao động, dụng cụ để chứa đựng, đun nấu, ăn uống tiến đến những sản phẩm trang trí, những tác phẩm có giá trị mỹ thuật ngày càng cao.

 Thời Lý - Trần (thế kỷ X - XV) là giai đoạn thăng hoa nhất của nghệ thuật gốm cổ truyền Việt Nam. Từ những đồ gốm không tráng men thời trước, nay đồ gốm đã phát triển rực rỡ về quy mô sản xuất, đa dạng về chủng loại, hoa văn với sự giao lưu với các nền văn hóa khác nhau, đã tạo nên một thời kỳ cực thịnh của gốm dân tộc rồi tiến lên tuyệt đỉnh với đồ gốm Chu Đậu vào thời Hậu Lê, thời Nhà Mạc sau đó. Nhu cầu xây dựng thành trì, cung điện, chùa chiền, cũng như nhu cầu của giới trưởng giả … đã thúc đẩy nghề gốm phát triển, tạo sự hứng khởi, sáng tạo cho các nghệ nhân gốm trong ý chí phát triển gốm dân tộc đã để lại cho đời sau những kiểu dáng sáng tạo, sắc men và hoa văn độc đáo, phát triển nghề gốm sứ thành một nghệ thuật tạo hình riêng biệt, phong phú. Thời kỳ này có ba loại men gốm nổi tiếng là: gốm men ngọc, gốm hoa nâu, men ngà và gốm hoa lam; trong đó gốm men ngọc là một loại rất có giá trị, được so sánh với gốm Long Tuyền nổi tiếng thời Tống của Trung Quốc. Về tạo dáng, những họa tiết được lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa, lá, chim, thú, người, với cách miêu tả giản dị, mộc mạc, thanh nhã rất gần gũi với con người, là dấu ấn mỹ thuật, đậm đà bản sắc Đại Việt. Về kỹ thuật, lò nung cho gốm thời Lý - Trần đã có một bước tiến lớn như việc sử dụng các lò cóc, lò nằm, có khi cả lò rồng để nâng nhiệt độ nung cho sản phẩm. Thời kỳ này đã hình thành hai dòng gốm rõ rệt: gốm trang trí kiến trúc và gốm gia dụng; gốm trang trí kiến trúc thường là đất nung để mộc hoặc phủ một lớp men có gía trị độc đáo, có nhiều hoa văn, dáng hình khác nhau, như đầu phượng, đầu rồng; gốm gia dụng gồm đủ các loại: bát, đĩa, âu, chén, chum vại, vò, v.v…Ngay từ thời đó, đã có nhiều nước đến trao đổi hàng hóa, mua đồ gốm sứ; vào năm 1149, Triều Lý cho lập cảng Vân Đồn, thuyền buồm ngoại quốc đến càng tấp nập. Gốm sứ Bát Tràng cũng đã có mặt trong Bảo tàng Louvre (Pháp) và một số nước khác. Một mẫu gốm đánh dấu những ngày đầu thương mại đồ gốm Việt Nam là lọ gốm ở Viện bảo tàng Topkapu Sarayi, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với lớp tráng xanh trời và trắng, có khắc đề “Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (năm thứ 8 Thái Hòa, 1450, làm ở huyện Nam Sách, do nghệ nhân Bùi Thị Hý cẩn bút). Lọ này là điểm chuẩn để xác định thời gian trong quá trình phát triển của những mẫu gốm khác dựa vào cách trình bày và kỹ thuật để xét đoán là trước hay sau lọ gốm năm 1450 này. Gốm sứ Việt Nam cũng được phát hiện tại Nhật Bản với tập hợp gần đây là 467 chiếc, di tích phát hiện được ở 101 nơi, đã có thể xác nhận được niên đại là của thế kỷ XIV – XVIII và là thành phần quan trọng trong trà đạo của người Nhật xưa…

 Nhìn lại quá khứ, chính những kỹ năng để biến các loại nguyên liệu (đá, đồng, sắt, xương, gỗ...) thành công cụ sản xuất , hàng tiêu dùng, vật liệu cho xây dựng... đã tạo ra sự phát triển của nhân loại. Điều đó giải thích vì sao toàn bộ các thời kỳ lịch sử của nhân loại đã được đặt tên theo các nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất công cụ, hàng thủ công, ví dụ như những thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt... Kho tàng về nghề thủ công đó đã lưu truyền cho đến ngày nay, càng sử dụng, kho tàng đó càng lớn thêm. Ở Châu Âu, người ta gọi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là gốm sứ là trí nhớ hoặc là ký ức của tương lai; có nghĩa là sản phẩm thủ công mỹ nghệ phản ánh xã hội đương thời và lưu lại cho đời sau. Vì vậy sản phẩm gốm sứ đã, đang và sẽ hấp thụ hơi thở và nói tiếng nói của cuộc sống theo dòng lịch sử.

 Đến nay, nhiều trung tâm gốm sứ đã hình thành trong cả nước, mỗi nơi có những mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình, từ gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Hương Canh, đến Bàu Trúc, Bình Dương, Vĩnh Long v.v…Mặc dù sản phẩm gốm sứ được cải tiến, đổi mới, nhưng người sử dụng vẫn nhận ra bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà không chỉ ở bề mặt sản phẩm mà cả tâm hồn, ý tưởng, triết lý, tình cảm mà người nghệ nhân gửi gắm bên trong. Chúng ta đặc biệt hoan nghênh và biểu dương những sáng tạo mới rất đáng quý của các nghệ nhân, thợ giỏi đã phát triển gốm sứ thành một loại hình nghệ thuật độc đáo thể hiện trong rất nhiều công trình mỹ thuật, như câu đối, tranh dân gian, v.v…. Bản Chiếu Dời đô của Lý Thái Tổ đã được thể hiện rất thành công trên chất liệu gốm sứ. Cuộc Triển lãm khá độc đáo về Thơ trên gốm sứ Bát Tràng (tổ chức vào tháng 2-2010 tại Văn Miếu Quốc tử giám, Hà Nội) đã trình bày 15 tác phẩm thơ tiêu biểu của 10 thế kỷ qua, được khắc trên 15 chiếc bình gốm sứ kích cỡ lớn. Bộ sưu tập bình sứ độc bản của Công ty Minh Long 1 với chủ nhân Lý Ngọc Minh (được giới thiệu trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần) đã cho thấy những tìm tói, ý tưởng sáng tạo rất đáng quý . Chắc chắn rằng còn rất nhiều sáng tạo trên cơ sở gốm sứ của nhiều nghệ nhân, nhiều làng nghề mà chúng tôi không có điều kiện kể hết ra ở đây.

 Cuộc khảo sát của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tiến hành vào những tháng đầu năm 2010 tại các địa phương có nghề gốm sứ trong cả nước đã cho thấy: (i) Mặc dù có những bước thăng trầm, nghề gốm sứ đã và đang phát triển mạnh mẽ, sản phẩm gốm sứ mỗi nơi đều mang bản sắc riêng, phong cách riêng, công nghệ riêng và với ý thức xây dựng và phát triển nghề gốm sứ truyền thống trên nền của một vùng văn hóa nhất định, mang tính địa phương tạo nên một thế giới văn hóa đa sắc màu; (ii) Nghề làm gốm và sản phẩm gốm sứ Việt Nam không chỉ là một di sản vô giá của dân tộc ta, mà còn đóng góp cho nhân loại, thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới (như ở Nhật Bản, Hà Lan … ), gốm sứ đã trở thành một mặt hàng có giá trị trong xuất khẩu của đất nước, được khách hàng nhiều nước quý chuộng (2).

II. Bảo tồn và phát triển làng nghề gốm sứ

a) Tình hình và yêu cầu mới.

 Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước: thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gốm sứ Việt Nam đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Gốm sứ Việt Nam có truyền thống lâu đời; có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao và tâm huyết với nghề; có nguồn nguyên liệu phù hợp; có thị trường trong nước và ngoài nước đang mở rộng; đặc biệt là tại một số địa phương đã hình thành các làng nghề gốm sứ có quyết tâm cao trong việc bảo tồn và phát huy nghề gốm sứ, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống, góp phần làm cho kho tàng gốm sứ Việt Nam ngày càng phong phú. Đó là cơ sở để củng cố niềm tin của chúng ta vào sự phát triển mạnh mẽ, rực rỡ của gốm sứ Việt Nam trong những năm tới.

 Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, gốm sứ nước ta đang gặp những khó khăn, hạn chế. Đó là quy mô nhỏ lẻ, phân tán; mẫu mã chậm được cải tiến; công nghệ chậm đổi mới; mặt bằng sản xuất còn chật hẹp; ô nhiễm môi trường đang rất nặng nề, v.v… Do nguồn vốn eo hẹp, trình độ quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh có hạn, nhiều khó khăn chậm được giải quyết; ở một số địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo đối với sự phát triển của gốm sứ cũng chưa đúng tầm. Đáng quan tâm nhất hiện nay là sức cạnh tranh của sản phẩm gốm sứ đang còn quá yếu, kể cả mẫu mã, giá cả, thương hiệu, đến sản xuất, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường. Những yếu kém này càng nổi bật khi cuộc hội nhập kinh tế ngày càng sâu, gốm sứ chịu sự cạnh tranh không kém gay gắt từ một số nước xung quanh ta. Chúng ta chưa hình thành được sự liên kết giữa các khâu, từ thiết kế mẫu mã đến sản xuất, tiêu thụ, để từ đó nâng cao giá trị gia tăng ở mỗi khâu, đem lại giá trị gia tăng cao hơn nữa cho mỗi sản phẩm .

 Trước yêu cầu của thời kỳ mới, để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã đề những giải pháp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu. Sự phát triển phải dựa trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại.

 Song song với phát triển làng nghề, chăm lo, nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện để giúp làng nghề vận hành thông suốt trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, một nội dung hết sức quan trọng và có tính chiến lược là làm thế nào để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gốm sứ Việt. Việc phát triển làng nghề gốm không chỉ có ý nghĩa như là giải pháp để giải quyết các vấn đề kinh tế, việc làm, an sinh xã hội mà sâu xa là bảo tồn văn hóa dân tộc, có tính lâu dài, tính nhân văn cao và góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững.

 Trong chuổi giá trị của gốm sứ thì khâu nguyên liệu, chế tác và nung gốm tạo ra bản sắc của gốm. Đất làm gốm của mỗi vùng, miền đều khác nhau nên tạo ra màu sắc, cách xữ lý nguyên liệu khác nhau và chế tác theo bì quyết riêng, không nơi nào giống nơi nào, tạo ra sự khác biệt giữa các dòng gốm, phong cách gốm. Do đó, trong quy hoạch, vùng có chất đất tạo ra bản sắc riêng cho gốm cần phải được bảo vệ. Không phải là tất cả, nhưng hầu hết các làng nghề gốm đều sản xuất các sản phẩm thủ công theo phương pháp truyền thống khác nhau. Nghệ nhân truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, nghệ nhân truyền cho cộng đồng. Việc truyền nghề không chỉ là truyền các kỹ năng, bí quyết sản xuất truyền thống độc đáo mà còn truyền “lửa”, truyền những cảm xúc, ý tưởng, truyền thuyết, lịch sử, thiên nhiên, quan điểm thẩm mỹ, về đạo lý làm người, về nhân sinh quan, vũ trụ quan…của người dân địa phương. Do đó, chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc chăm lo cho nghệ nhân, công tác bảo tồn nghề và truyền nghề.

 Theo chúng tôi, nâng cao nhân thức đầy đủ về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của nghề gốm sứ là yêu cầu cấp bách; cần có cơ chế, các biện pháp cần thiết đảm bảo sự tôn trọng đối với nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề gốm sứ nói riêng của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia về tầm quan trọng của nghề thủ công truyền thống, để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; và tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ. Toàn xã hội, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự, v.v… hãy chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa to lớn của gốm sứ.

Công việc chúng ta cần phải làm là nhận diện và xác định rõ các nghề gốm truyền thống trong di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên toàn quốc và mỗi địa phương cần được bảo vệ. Nhà nước cần có chính sách phát huy vai trò của nghề gốm thủ công truyền thống trong xã hội và lồng ghép việc bảo vệ loại hình di sản này vào các chương trình, quy hoạch; chỉ định cơ quan đủ năng lực bảo vệ nghề gốm thủ công truyền thống hiện có trên lãnh thổ. Những cơ quan này cần tăng cường nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật cũng như phương pháp luận về nghiên cứu nhằm bảo vệ có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể này, đặc biệt là làng gốm địa phương đang có nguy cơ bị mai một, nghề làm gốm có thể bị thất truyền. Các cấp chính quyền cần thông qua các biện pháp phù hợp về pháp lý, kỹ thuật, hành chính và tài chính để thành lập hoặc củng cố các cơ quan đào tạo về quản lý di sản văn hóa phi vật thể. Công tác truyền dạy di sản này cần thông qua các diễn đàn và không gian dành cho việc trình diễn hay thể hiện chúng; bảo đảm sự tiếp cận với di sản văn hóa phi vật thể trên cơ sở tôn trọng các tập tục, quản lý việc tiếp cận với các phương diện cụ thể của loại hình di sản này. Những tổ chức, đoàn thể xã hội ở trung ương hoặc địa phương có thế mạnh về gốm sứ và thuận lợi trong giao lưu quốc tế có thể thành lập các cơ quan lưu trữ tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể (như bào tàng, nhà trưng bày, trung tâm nghiên cứu…) và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận chúng, bảo đảm sự công nhận, tôn trọng và đề cao nghề gốm thủ công truyền thống trong xã hội, đặc biệt thông qua các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và thông tin hướng đến quảng đại công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Các tổ chức này cũng cần xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể cho cộng đồng và các nhóm người có liên quan; tăng cường các hoạt động xây dựng năng lực nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và các biện pháp truyền thụ kiến thức không chính thức làm cho công chúng biết về những nguy cơ đe dọa loại hình di sản này; thúc đẩy giáo dục việc bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể này (3).

b) Tổ chức lại sản xuât làng nghề gốm sứ

Trên phạm vi toàn nền kinh tế, nước ta đang thực hiện cuộc tái cấu trúc nền kinh tế theo yêu cầu nâng cao không ngừng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng bộ phận (ở các cấp độ khác nhau: ngành, vùng, thành phần kinh tế, các loại doanh nghiệp) và của chung cả nền kinh tế, làm cho nền kinh tế nước ta vận hành, phát triển với một sự khác biệt mới về lượng và chất ở một trình độ cao hơn, hoàn thiện hơn so với hiện tại, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Với các làng nghề gốm sứ, nhiệm vụ cấp bách nhất chính là tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong mỗi cơ sở sản xuất gốm sứ, trong mỗi làng nghề, cũng tức là thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm gốm sứ.  

-  Đối với cơ sở sản xuất, hiện nay , trong các làng nghề gốm sứ, đang có nhiều loại hình, phổ biến nhất là hộ gia đình, tiếp đến là tổ sản xuất, hợp tác xã, các loại công ty và doanh nghiệp tư nhân, gọi chung là cơ sở sản xuất. Nội dung cuộc tổ chức lại cơ sở sản xuất là rà soát lại các mặt hàng, xác định mặt hàng có sức cạnh tranh cao, có lợi thế so sánh trước sức ép của gốm sứ nước ngoài trên thị trường, trên cơ sở đó, tập trung sức cải tiến mặt hàng mà thị trường đang có yêu cầu, nhất là cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, mỗi cơ sở sản xuất cũng cần xem xét lại tổ chức sản xuất, kinh doanh của cơ sở mình, sắp xếp lại các bộ phận, các công đoạn sản xuất, sao cho hợp lý, hiệu quả. Cần tăng cường các quan hệ liên kết, liên doanh (giữa các cơ sở sản xuất, giữa sản xuất với tiêu thụ …) về tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm sức mạnh của mỗi cơ sở - đây cũng là một khâu đang rất yếu của các cơ sở gốm sứ nước ta..

 Xin nhấn mạnh khâu cải tiến mẫu mã, khắc phục tình trạng mẫu mã đơn điệu, chậm đổi mới của nhiều làng nghề gốm sứ hiện nay, mà đây chính là một khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất. Ngoài những sản phẩm làm theo yêu cầu của khách hàng, cần sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới, bởi vì khác với những sản phẩm tiêu dùng khác, gốm sứ mỹ nghệ rất kén khách hàng; do đó, công tác quảng bá, giới thiệu mặt hàng có ý nghĩa rất quan trọng. Có những làng nghề khôi phục những mẫu mã truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, song rất cần sự giới thiệu, quảng bá, làm cho khách hàng cảm thụ hết nét tinh túy, đặc sắc của những hoa văn, họa tiết cũng như công nghệ sản xuất của mỗi sản phẩm. Có những nghệ nhận có những sản phẩm mới, tính sáng tạo rõ nét, có khi là "độc bản", cần được giới thiệu tỷ mỷ với khách hàng để họ cảm nhận sâu sắc ý nghĩa, giá trị của sản phẩm, v.v…

Trong mỗi cơ sở sản xuất, cần đặc biệt coi trọng các giải pháp để bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực, kể cả các nghệ nhân, thợ giỏi và những chủ cơ sở sản xuất, giám đốc doanh nghiệp. Nghệ nhân là vốn quý nhất của mỗi làng nghề gốm sứ, là "báu vật nhân văn sống" mà UNESCO đã công nhận; không thể nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của mặt hàng gốm sứ mà không chú trọng phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ nghệ nhân. Phải vừa phát huy, trợ giúp cho nghệ nhân sáng tạo mẫu mã mới, vừa tạo điều kiện cho họ truyền nghề cho lớp trẻ, đồng thời quan tâm hơn nữa đến đời sống của họ.

Khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường xanh, sạch cho mỗi cơ sở sản xuất gốm sứ là một nhiệm vụ cấp bách, vì sức khỏe của lao động làng nghề và vì sự phát triển bền vững của làng nghề. Cần thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, theo đó là: tạo ra các sản phẩm hoặc phụ phẩm không gây hại tới môi trường; có tính hợp lý về mặt sinh thái: giảm thiểu mức phát thải; cách sử dụng công nghệ ít tạo ra chất thải hơn các thiết bị truyền thống. Cấp bách nhất là sớm khắc phục ô nhiễm nhiệt phát sinh từ quá trình sấy, nung sản phẩm, chuyển dần lò nung bằng than sang các dạng năng lượng khác, như dầu hoặc khí gas. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, khác phục ô nhiễm là trách nhiệm trước hết của mỗi cơ sở sản xuất gốm sứ, song rất cần sự trợ giúp của cơ quan nhà nước đối với những giải pháp cần chi phí lớn ngoài khả năng của cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng quản lý môi trường cũng cần tập trung vào việc trợ giúp các cơ sở thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường là chủ yếu.

- Thực hiện sự kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đây là một khâu đang có nhiều yếu kém: cơ sở sản xuất gốm sứ nước ta thường chỉ quan tâm làm hàng, còn hàng hóa đó bán ở thị trường nào, giá cả ra sao, nhiều khi họ không nắm được; do đó có nhiều thiệt thòi, vừa không nắm được thị hiếu của khách hàng để có căn cứ đổi mới mẫu mã, vừa không nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, thiệt thòi về thu nhập.

Trước hết, cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gốm sứ, kể cả thương hiệu địa phương (như gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Bình Dương) và thương hiệu của sản phẩm của từng doanh nghiệp (như gốm sứ Minh Long) tiến đến Thương hiệu quốc gia. Đương nhiên, việc xây dựng thương hiệu là cần thiết, nhưng cần rất vững chắc, mà điều quan trọng là duy trì thương hiệu, trước hết là làm ra những sản phẩm đúng với những tiêu chí đã công bố.

Đối với thị trường trong nước, cần mở rộng sự kết nối giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối (các đầu mối tiêu thụ, các đại lý, cửa hàng chuyên doanh, các chợ, các siêu thị … ), bằng nhiều biện pháp, như: đưa hàng về các vùng nông thôn bằng các hình thức phiên chợ; tổ chức các đại lý bán hàng ở các vùng, khắc phục tình trạng bán những sản phẩm gốm sứ kém phẩm chất, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở sản xuất. Trong mỗi làng nghề, có thể tổ chức một số doanh nghiệp có kinh nghiệm, có quan hệ rộng rãi với thị trường, có uy tín làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm; những doanh nghiệp này cũng là nơi cung cấp các tín hiệu thị trường với các sản phầm của làng; họ cũng có thể ứng vốn trước cho các cơ sở có nhu cầu trong làng. Cần mở rộng kết nối giữa các nhà sản xuất với các siêu thị, đưa hàng gốm sứ vào siêu thị, với những quy chế hợp tác chặt chẽ, bình đẳng, có lợi cho cả hai bên.

Đối với thị trường nước ngoài, có thể tổ chức những đoàn tham quan, dự hội chợ … do doanh nghiệp sản xuất gốm sứ (hoặc hội gốm sứ) tổ chức, để nắm được yêu cầu của thị trường nước ngoài, kể cả mẫu mã, giá cả, đồng thời tìm đại lý, tổ chức đầu mối tiếp thị và bán sản phẩm tại một số nước có thị trường lớn (về hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và gốm sứ nói riêng). Đồng thời, đề nghị cơ quan xúc tiến thương mại nhà nước quan tâm vấn đề xúc tiến thương mại gốm sứ trong các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung của Nhà nước.

c) Về việc xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam

Tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, mỹ thuật của gốm sứ Việt Nam đã trở thành cấp bách trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay. Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh ý tưởng của tỉnh Bình Dương về việc xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam đã đề ra trong dịp  này.

Trong thực tế, từ nhiều năm nay, cũng đã hình thành một số bảo tàng gốm sứ quy mô nhỏ của một số nhà sưu tầm có tâm huyết. Tại Bát Tràng, đã có Khu trưng bày cổ vật mang tên Vạn Vân của Ông Trần Ngọc Lâm gồm hai phần: một phần trưng bày khoảng 400 cổ vật có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, một phần khoảng trên 300 sản phẩm tiêu biểu của gốm Bát Tràng hiện nay, kèm theo một lò nung gốm cổ, bàn dập hoa văn nổi, thể hiện mức độ tinh xảo của gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ. Tại Huế, trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, có bộ sưu tập 3.700 món đồ gốm sứ; có trên 700 hiện vật gốm men ngọc Lý - Trần, Mạc, Lê - Trịnh. Tại Huế, cũng có Khu trưng bày của Cụ Hồ Tấn Phan với hàng nghìn hiện vật tiêu biểu của Sa Huỳnh, Champa, Chu Đậu (riêng hiện vật gốm tiền Sa Huỳnh có niên đại từ 3.000 đến 5.000 năm). Lại có "Biệt thự gốm" trên đồi Thiên An (Huế), chủ nhân là họa sĩ Huy Đức, đã đưa gốm vào trình diễn trong kiến trúc, trang trí nội thất, có phù điêu gốm trang trí, mặt nạ gốm, tranh gốm sứ, đèn gốm, v.v...phần lớn được làm bằng bàn tay nghệ nhân gốm làng Phước Tích (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Nhiều cuộc triển lãm về gốm sứ cũng đã được tổ chức, như Triển lãm gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Quy Nhơn (tháng 4-2010) giới thiệu trên 200 hiện vật qua các thời kỳ. 

Theo chúng tôi, Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam khi được xây dựng cần thỏa mãn những chức năng, nhiệm vụ sau đây.

- Bảo tàng gốm sứ Việt Nam cần đươc tổ chức và hoạt động theo khuynh hướng hiện đại của bảo tàng thế giới: có tương tác chặt chẽ với cuộc sống đương đại; liên hệ chặt chẽ với tâm tư, tình cảm của con người, với xã hội. Tháng 5 năm nay, nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng (18-5), Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (International Council for Museums - ICOM) đã đề xuất chủ đề "Bảo tàng vì sự hài hòa xã hội" - được hiểu là sự thống nhất nhưng có đặc thù; có những cơ sở chung nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Các bảo tàng thực hiện mục tiêu "hài hòa xã hội" thông qua bảo tồn, lưu giữ và trưng bày những di sản vật thể và phi vật thể theo cách khuyến khích đối thoại văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa các cộng đồng, hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa các vùng, miền. Đây là một ý tưởng hay mà chúng ta cần suy nghĩ, vận dụng.

- Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam là nơi sưu tầm, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của các dòng gốm sứ của các địa phương trong cả nước, qua các thời đại; song quan trọng nhất là giới thiệu được những nét độc đáo của từng dòng gốm sứ, của từng vùng miền, thể hiện rõ tinh hoa văn hóa Việt Nam thể hiện trong gốm sứ; đặc biệt là những sáng tạo nổi bật của các thế hệ nghệ nhân gốm sứ trong cả nước. Như vậy , việc trưng bày phải luôn luôn đổi mới, cập nhật, sống động; ở đó, những hiện vật gốm sứ không phải là những hiện vật "vô hồn" mà là những hiện vật "biết nói" rất gần gũi với cuộc sống và con người hôm nay. Khách tham quan có thể hình dung được cụ thể các bước phát triển của gốm sư không chỉ như một ngành thủ công mà mỗi sản phẩm đã như một tác phẩm nghệ thuật có hàm lượng mỹ thuật cao; công nghệ gốm sứ đã thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể (như UNESCO đã xác nhận)

- Hoạt động của Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam cần được kết nối với di sản bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng được thể hiện bằng các hoạt động văn hóa, qua sự giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân với Bảo tàng. Bảo tàng cần cập nhật; bổ sung hiện vật; tổ chức các cuộc trình diễn, hội thảo chuyến đề, các cuộc du khảo gốm sứ, tổ chức lễ hội, v.v...

- Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ các sản phẩm gốm sứ tiêu biểu, mà còn là địa chỉ tin cậy của nhà nghiên cứu, nơi thực tập, học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên, là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các lớp nghệ nhân, làng nghề gốm sứ của cả nước. 

- Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam, với tầm cỡ quốc gia, còn có quan hệ mật thiết với các bảo tàng địa phương, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tư nhân và những nhà sưu tầm cá nhân, trong nhiều hoạt động về sưu tầm, trưng bày, nghiên cứu, tôn tạo di sản,... thành một mạng bảo tàng gốm sứ trong cả nước. Đồng thời, bảo tàng Gốm sứ Việt Nám cần có quan hệ với các bảo tàng quốc gia của những nước có gốm sứ, thực hiện trao đối hiện vật trưng bày giữa các bảo tàng, làm phong phú thêm Bảo tàng và góp phần mở rộng tầm nhìn cho khách tham quan, các nhà nghiên cứu.

Trên đây, chúng tôi mới phác qua một số ý tưởng về Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam,  hy vọng rằng vấn đề này sẽ được nghiên cứu một cách sâu sắc hơn, để có phương án xây dựng nghiêm túc, đúng tầm, khả thi. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ tham gia hết sức mình vào công việc rất có ý nghĩa này. Có thể nói Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam là một công trình có ý nghĩa to lớn về văn hóa, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc về một di sản văn hóa truyền thống độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, thể hiện sự tri ân của lớp con cháu đối với những người đi trước đồng thời thể hiện ý chí của nhân dân ta trong việc việc tiếp nối và phát huy truyền thống.

d) Sự trợ giúp của cơ quan nhà nước và hoạt động của các hội, hiệp hội.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gốm sứ Việt Nam là một trách nhiệm của thể hệ chúng ta đối với cha, ông cũng như đối với các thế hệ kế tiếp, không chỉ bảo tồn mà còn phải phát huy ngày càng rạng rỡ truyền thống đó, xứng tầm với vị trí của văn hóa gốm sứ Việt Nam trong nước và trên thế giới. Đương nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề gốm sứ. Song, việc tăng cường sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước và phát huy tác dụng của các hội, hiệp hội liên quan đến gốm sứ có ý nghĩa và tác dụng hết sức quan trọng.

- Vói các cơ quan nhà nước, đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ mặt hàng gốm sứ, là giải quyết các vấn đề cụ thể như: quy hoạch, mặt bằng cho sản xuất; là hình thành các cụm sản xuất làng nghề vừa góp phần làm đẹp bộ mặt nông thôn, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường; là xử lý thỏa đáng các nhu cầu về vốn liếng, về xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước, v.v... Mong rằng Tỉnh Bình Dương vốn là tỉnh dẫn đầu trong hoạt động quản lý nhà nước phục vụ có hiệu quả các doanh nghiệp trong tỉnh, sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính, trước mắt là cải cách thủ tục hành chính, hình thành một chính quyền "thân thiện" hơn nữa với doanh nghiệp, với cơ sở gốm sứ. Trước mặt, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các công việc liên quan để việc xây dựng Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam sớm được thực hiện trên đất Bình Dương

- Các hội, hiệp hội là những hình thức tổ chức của xã hội dân sự, có chức năng (i) Là tổ chức tự nguyện của các cơ sở sản xuất, cùng nhau đoàn kết, hợp tác trong cung cấp thông tin, tư vấn, dịch vụ cho cơ sở về đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý; xúc tiến thương mại, thực hiện các hoạt động liên kết, liên doanh, nâng cao sức cạnh tranh; (ii) Là tổ chức xã hội hỗ trợ Nhà nước trong các dịch vụ công mà cơ quan nhà nước không đảm nhiệm được hết và có thực hiện thì cũng kém hiệu quả, đồng thời là cầu nối giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề với cơ quan nhà nước trong việc góp ý kiến hoàn thiện thể chế quản lý liên quan đến gốm sứ và làng nghề gốm sứ;  và (iii) Là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm sứ.

- Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đặc biệt hoan nghênh và chúc mừng Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương đã được thành lập; coi đây là điểm tựa cho ngành sản xuất truyền thống này của tỉnh ta được phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Chúng tôi sẽ quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội trong các hoạt động trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy máy móc, thiết bị hiện đại; hy vọng rằng sự hợp tác, liên kết giữa các cơ sở gốm sứ trong tỉnh sẽ gớp phần tích cực nâng cao trình độ công nghệ, ta.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.471.307
Tổng truy cập: