TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Đôi điều về nghề, làng nghề và du lịch trong kỷ nguyên đang thay đổi
(Ngày đăng: 31/10/2012   Lượt xem: 1101)

(Langnghevietnam.vn) -Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Đôi điều về nghề, làng nghề và du lịch trong kỷ nguyên đang thay đổi” của ông Nguyễn Lực - Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

IMG_0022.JPG

Ông Nguyễn Lực - Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

1- Sự thay đổi trong tiêu dùng

Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp bán lẽ tại Mỹ không hoàn toàn hiểu như thế nào về tính nghiêm trọng của suy thoái đã ảnh hưởng đến hàng triệu người bị mất việc làm, bị giảm lương hoặc đang sống trong nỗi lo sợ mất việc làm. Trong kỷ nguyên ngân quỹ eo hẹp, người tiêu dùng đang tìm kiếm giá trị tốt hơn về các mặt hàng họ muốn và cần. Nhiều nhà phân tích nói rằng các nhà bán lẻ dường như đang tiến hành một cách tiếp cận khác: giảm giá cực thấp các mặt hàng mà họ muốn giải phóng khỏi kho chứa. Nhưng người tiêu dùng ngày nay lại suy nghĩ cẩn thận về việc liệu họ cần những sản phẩm nào ngay cả khi giá cả có vẻ quá tốt. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng muốn nhiều hơn chứ không chỉ là một giá bán rất thấp hoặc khuyến mãi hấp dẫn. Suy thoái kinh tế đã làm cho tâm trí người mua sắm nặng nề. Từ hậu quả của một cuộc suy thoái, người Mỹ đang tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít hơn, và suy nghĩ nhiều về những nguyên tắc, phong cách đã chi phối cuộc sống của tầng lớp trung lưu trong 40 năm qua. Suy thoái cũng đã làm cho doanh nghiệp tìm cách duy trì sự ổn định với các sản phẩm hiện tại thay vì chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển các mặt hàng mới. Chất lượng các sản phẩm đại hạ giá đã tốt hơn, do đó, có thể có ít lý do để trả nhiều hơn cho thương hiệu hàng hóa với chất lượng cơ bản giống nhau. Với xu hướng “Khẩu phần nhỏ hơn, nhà nhỏ hơn, xe nhỏ hơn, và cộng đồng địa phương”, người tiêu dùng không trả tiền nhiều hơn cho một sản phẩm có cùng chất lượng nhưng đắt tiền hơn chỉ vì thương hiệu nổi tiếng và họ gia tăng việc mua sản phẩm sản xuất tại chỗ để hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Một thay đổi nữa là “thuê thay vì mua” những sản phẩm đắt tiền để có thể có nhiều tiện nghi sinh hoạt trong gia đình hơn. Ít đi thăm các cửa hàng, siêu thị, hạn chế lái xe đi chơi để tiết kiệm xăng, sử dụng lại quần áo bỏ quên trong tủ áo từ các cuộc mua sắm tiêu khiển, thực đơn thanh đạm, tự trồng rau sạch, cắt giảm chi tiêu thuốc men không phải để chữa bệnh, ít xấu hổ khi yêu cầu giảm giá, người dân tháo vát hơn và có thể tự làm những vật dụng trong nhà, ít trung thành với các nhãn hiệu nổi tiếng … là những trạng thái mới của người tiêu dùng Mỹ (1).

Suy thoái kinh tế đã làm thay đổi đáng kể thói quen nghiện mua sắm của nhiều người Mỹ, ít nhất là tạm thời nhưng có thể là mãi mãi. Các khoản chi tiêu dành cho du lịch sang trọng ít hơn, nhưng doanh số bán hàng ba lô, đồ cắm trại tăng lên càng cho thấy người tiêu dùng đã cân nhắc việc chi tiêu như thế nào.

Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm này chưa phải là tất cả các thay đổi trong kỷ nguyên này. Những thay đổi mang tính toàn cầu đang tác động đến cả hai cuộc sống con người và hành tinh của chúng ta. Xanh (môi trường), Bền vững, Thương mại công bằng, Sản xuất tại địa phương, Trách nhiệm xã hội là những từ và cụm từ trong “ý thức của người tiêu dùng”. Nếu phải chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng tương đương thì sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy các lợi ích sức khỏe và an toàn, hỗ trợ lao động và các hoạt động thương mại công bằng, cam kết thực hành thân thiện với môi trường, hòa bình, tình yêu sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Xã hội tiêu dùng gắn với quá trình toàn cầu hóa đã đề cao yếu tố tiêu dùng, các hoạt động tiêu thụ, mua sắm, vui chơi, giải trí; là một xã hội và kinh tế dựa trên cơ sở phát triển nhu cầu mua bán hàng hoá, dịch vụ với số lượng lớn để thỏa mãn ngày càng nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ, thụ hưởng ngày càng cao của người dân ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, mặt trái của xã hội tiêu dùng là tạo ra tâm lý hưởng thụ, hưởng lạc, chạy theo lợi ích vật chất, đồng tiền, tạo ra cảm giác thịnh vượng ảo cho một nền kinh tế mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng; tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhóm trong xã hội, nó còn dẫn đến tình trạng hoen gỉ tâm hồn. Liên Hợp quốc xếp “chủ nghĩa tiêu thụ” cùng với hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên là hai hiểm họa lớn nhất đe dọa cuộc sống con người (wikipedia). Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Từ những năm cuối của thập niên trước, xu hướng đạo đức và môi trường trong tiêu dùng bùng phát mạnh mẽ.

Hiểm họa môi trường và chủ nghĩa tiêu thụ liên quan nhân quả với nhau. Để chống lại, đạo đức tiêu dùng ngày càng được đề cao. Một ví dụ, trong khi tại các nước đang phát triển, những người mới giàu lên đua nhau săn lùng hàng hiệu thời trang sang trọng, những căn hộ cao cấp, những chiếc xe hơi hào nhoáng. Họ phô trương cuộc sống xa hoa “quí tộc” trong khi họ không cảm thấy xấu hỗ khi chung quanh mình còn biết bao người nghèo khổ. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tâm lý tiêu dùng và lối sống tại những nước này vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi. Ngược lại, ở phương Tây, từ những năm cuối của thập niên trước đến nay, tâm trạng xấu hổ của những người giàu có đối với việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ đã làm cho các thương hiệu cao cấp đối mặt với sự sụt giảm doanh thu. Trạng thái đó gọi là “Sự xấu hổ xa xỉ” (luxury shame), cũng chính là sự nhạy cảm về đạo đức khi người tiêu dùng giàu có cảm thấy cần thiết phải che giấu người khác về việc mua hàng với giá cao quá đáng của mình trong lúc nền kinh tế suy yếu. Cũng có trường hợp “Sự xấu hổ xa xỉ” xuất hiện khi một người giàu có cảm thấy dường như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng đến họ, họ vẫn mua bất cứ thứ gì mà họ muốn trong khi phần lớn thế giới đang đứng trên bờ vực của sự nghèo đói hoàn toàn (2). Trước suy thoái kinh tế, sự xa xỉ là rất lớn, táo bạo, tỏa sáng lấp lánh. Bây giờ, khu vực này đang thu hẹp không phải vì người tiêu dùng không có khả năng có một cuộc sống hạng sang nhưng vì thái độ hướng đến tiêu dùng hoang phí với mục đích phô trương đã thay đổi đột ngột, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Âu (3).

Sự xấu hổ xa xỉ” đã khiến một số người tiêu dùng phương Tây tìm kiếm cách thức mới để biểu hiện sự sành điệu bằng cách tiêu dùng có ý nghĩa hơn với sự đóng góp nhiều hơn cho công đồng, văn hóa, môi trường, từ thiện, dân tộc…Ý thức tiêu dùng hướng đến văn hóa, đạo đức, môi trường. Tuy nhiên, xu hướng này tạo ra các cơ hội mới cho các doanh nghiệp thủ công. Mua một món hàng thủ công cũng có nghĩa đóng góp cho văn hóa, duy trì cuộc sống cho người thợ thủ công. Một cuộc khảo sát của Hội đồng nghề thủ công Vương quốc Anh cho thấy có 68% những người đang mua hàng thủ công nói rằng họ ít có khả năng để mua các thương hiệu cao cấp hiện nay, cao hơn so với năm năm trước đây, trong khi chỉ 43% nói rằng họ “ít có khả năng mua hàng thủ công” (4).

Làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch … cũng chịu sự tác động của xu hướng này. Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ có những phẩm chất có thể đáp ứng ý thức và đạo đức tiêu dùng trong kỹ nguyên đang thay đổi.

2- Du lịch và nghề thủ công đang thay đổi

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, trong tài liệu Du lịch hướng đến 2030/ Tổng quan toàn cầu (Tourism Towards 2030 / Global Overview), với tốc độ tăng trưởng dự kiến​​, ngành du lịch sẽ vượt qua mục tiêu 1 tỷ lượt khách vào năm 2012, tăng từ 940 triệu so với năm 2010. Đến năm 2030, con số được dự đoán sẽ đạt 1,8 tỷ, nghĩa là trong thời gian hai thập kỷ tới, mỗi ngày sẽ có 5 triệu người vượt biên giới quốc tế để tiêu khiển, kinh doanh hoặc các mục đích khác như đến thăm bạn bè và gia đình, chưa kể số du khách đi du lịch trong nước gấp bốn lần số đó. Theo đó, ta có thể thấy suy thoái kinh tế toàn cầu đã phủ bóng tối lên mọi số phận, nhưng người dân các nước vẫn có xu hướng tìm cách náo đó để đi du lịch như là cách thắp sáng một phần cuộc sống cá nhân.

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu về khách du lịch đến năm 2015 thu hút 7 – 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 35 - 37 triệu lượt khách nội địa, đạt mức tăng trưởng khách quốc tế 7,6%/năm và nội địa 5,7%/năm. Đến năm 2030 thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế và 70-72 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng tương ứng 5,2% và 3,7%/năm. Chiến lược này phản ánh phù hợp với dự báo của thế giới.

Cũng theo Chiến lược này, điều quan trọng là nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch và, phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường... Vì vậy, một trong các định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho giai đoạn tới là tập trung “Phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hoá, lối sống địa phương; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân.”

So với số liệu dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng về “cầu” để tính toán đầu tư phát triển mạnh hơn cho ngành này và chia sẻ thị phần nhiều hơn với các nước khác về “cung” theo xu hướng du lịch đã và đang thay đổi, trong đó có nhu cầu khám phá, trải nghiệm độc đáo, mua sắm sản phẩm địa phương tại điểm đến mà hàng nghề thủ công và ẩm thực địa phương là đại diện và đầy triển vọng.

Trên thực tế du lịch Việt Nam, hầu hết các chương trình du lịch (tour), các doanh nghiệp lữ hành đều thiết kế các điểm tham quan làng nghề. Có điều là chưa có doanh nghiệp nào liên kết các làng nghề và những gì liên quan đến nghề thủ công truyền thống để tạo thành một tour du lịch về nghề thủ công chuyên sâu, hấp dẫn hơn. Người ta chú trọng sáng tạo “con đường gốm sứ” để “nhìn” mà chưa thấy một “con đường gốm sứ” khác tồn tại hàng ngàn năm mà du khách muốn đi xuyên qua để trãi nghiệm, suy ngẫm về một dòng chảy văn hóa liên tục, chứa đựng nhiều thông điệp của hàng bao thế hệ. Các công trình kiến trúc xưa như đền, chùa, nhà cổ...; các hiện vật trưng bày trong bảo tàng… là di sản, chúng được tạo ra bởi bàn tay những thợ thủ công bậc cao, các nghệ nhân xưa. Các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề hiện tại đang thực hành lưu giữ, kế thừa, tái hiện và phát triển các nghề thủ công tinh xảo từ xa xưa đó. Khám phá cả quá khứ và hiện tại về nghề thủ công của một đất nước, mỗi vùng, miền đều trở thành một phần không thể thiếu trong bất kỳ hành trình nào của du khách. Người thợ thủ công (trong “sĩ, nông, công, thương”) xưa và thợ thủ công ngày nay liên tục đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế và văn hóa của đất nước, đặc biệt quan trọng trong bảo tồn truyền thống, văn hóa, sáng tạo mới và phổ biến di sản. Việc phổ biến này có thể thông qua nhiều kênh, nhưng kênh du lịch thời nào cũng có. Sự hồi sinh và phát triển các làng nghề nước ta trong vài chục năm qua không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn đóng góp tích cực cho nhiều mục tiêu phát triển khác. Du lịch và nghề thủ công không tách rời nhau. Du lịch mang lại cơ hội cho nghề thủ công và nghề thủ công đóng góp cho ngành du lịch trong việc thỏa mãn nhu cầu của du khách và tăng doanh thu.

Cũng xin nói thêm, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết quốc gia đang phát triển, sản xuất thủ công mỹ nghệ là một hình thức việc làm chính và là một bộ phận quan trọng của các nền kinh tế xuất khẩu. Nghệ nhân và thợ thủ công là lực lượng lao động nông thôn lớn thứ 2 sau khi nông nghiệp và dự đoán lực lượng này ngày càng tăng lên do tác động của đô thị hóa. Lực lượng này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để tồn tại. Có thể nói sản xuất thủ công vượt qua tất cả các giai đoạn của nền kinh tế toàn cầu từ tiền công nghiệp đến công nghiệp và hậu công nghiệp... Sản xuất của thợ thủ công phát triển dễ dàng hơn vì sản phẩm thủ công cung cấp những lợi thế như: vốn khởi nghiệp tối thiểu, giờ làm việc linh hoạt, có khả năng làm việc ở nhà, và tự do quản lý hoạt động kinh doanh của mình. Là một phương tiện sinh kế, nhưng nghề thủ công mỹ nghệ cung cấp một con đường sáng tạo lý tưởng, tạo ra đội ngũ doanh nhân độc lập. Hơn nữa, nghề thủ công cung cấp cơ hội cho việc làm theo mùa và cho khu vực sản xuất nhỏ, và khu vực thường có mặc định nghề nghiệp cho những người sản xuất bị giới hạn các lựa chọn về việc làm (5). Do sự giới hạn về chuyển đổi nghề, vì vậy thời nào nghề thủ cũng cũng tồn tại, thời nào cũng có một lực lượng kế tục và phát triển di sản. Nhà nước cần có chính sách chăm lo, duy trì sinh kế của họ và xã hội nên ủng hộ họ để tạo điều kiện cho họ duy trì và phát triển nghề.

“Du lịch và thủ công mỹ nghệ có vẻ đi cùng nhau. Du lịch là một chuyến đi, một cuộc hành trình, một cuộc phiêu lưu, nơi mà thường người ta tìm kiếm một chút gì đó bên ngoài kinh nghiệm cuộc sống bình thường của họ, cho dù đó là cái gì được tìm thấy trong lịch sử, trong di sản, trong thư giãn, đi đổi gió, địa lý hoặc các mặt khác của cuộc sống. Trong một chuyến du lịch thường là cơ hội để du khách gặp gỡ, đánh giá và thậm chí mua “alterity”, đó chính là “tính khác biệt” so với nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, hầu hết các du khách hài lòng với một “alterity” được quản lý, tính khác biệt không phải hoàn toàn xa lạ mà có các yếu tố quen thuộc. Có quá nhiều “sự không quen thuộc” thường dẫn đến những kinh nghiệm tiêu cực của cú sốc văn hóa” (6). Trong tiếng Anh, thủ công mỹ nghệ hàm chứa “alterity" được làm bằng tay – tương phản với sản xuất công nghiệp, chuẩn hóa, hoặc làm bằng nguyên liệu nhựa… - họ có thể mang không khí hoài cổ về “Sự tồn tại của một thời quá khứ” khi tất cả mọi thứ đã được làm bằng tay, hoặc được thực hiện bởi những người vẫn còn sống với một lối sống có thể giúp cho du khách thấy được quá khứ, hiểu được rằng nhờ dựa vào nghề thủ công và tài năng, họ đã làm hầu hết những thứ hữu ích cho cuộc sống của họ. Thủ công mỹ nghệ hấp dẫn đối với khách du lịch từ các xã hội hiện đại, nơi hàng thủ công mỹ nghệ gợi nhớ về quá khứ, có thể đó là lối sống của cha mẹ và ông bà họ, hoặc có thể họ chứng tỏ liên quan đến sở thích như làm vườn, gốm sứ, dệt kim, dệt và các hoạt động khác nhẹ nhàng, thư thái như không làm việc theo áp lực sinh kế (7).

Một điếu có thể giải thích vì sao làng nghề, nghề thủ công truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là nguồn tài nguyên cho ngành du lịch. Đó là du khách đến thăm các làng nghề không phải chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả những trãi nghiệm.

Sự đa dạng về kỹ năng nghề thủ công và xu hướng tiêu dùng hiện tại tạo ra sự kết hợp hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở nhiều góc độ văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… xảy ra trên quy mô toàn cầu. Trong vài chục năm qua, xã hội và nền kinh tế thế giới đã có hàng loạt các thay đổi tác động đến tất cả các lĩnh vực này. Riêng về văn hóa, toàn cầu hoá đã tạo ra một sự đa dạng cho các cá nhân nhờ được tiếp xúc với các nền văn hoá và văn minh khác nhau. Toàn cầu hoá giúp con người hiểu hơn về thế giới và những thách thức ở quy mô toàn cầu qua sự bùng nổ các nguồn thông tin, việc phổ thông hoá hoạt động du lịch, việc tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục và văn hoá; một sự đồng nhất đối với các dân tộc qua ảnh hưởng của các dòng chảy thương mại và văn hoá mạnh (wikipedia). Những tác động này buộc các quốc gia phải tìm cách để tạo ra sự khác biệt mà trong đó việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa là sự lựa chọn của hầu hết các quốc gia. Phát triển nghề thủ công là một trong những cách thích nghi, trao đổi văn hóa và cả việc đối phó với các tiêu cực của toàn cầu hóa.

Sự thay đổi này đã thúc đẩy các nhà sản xuất phải thay đổi sản xuất căn cứ theo các tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa, môi trường. Nhà sản xuất chú trọng nhiều hơn đến “vật liệu đạo đức” như các vật liệu tái sinh, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, thay đổi nguyên liệu, thực hiện sản xuất bền vững, thương mại công bằng (fair trade). Các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ các nước cũng đã thay đổi thực hành (quy trình sản xuất, công nghệ) của họ để đáp ứng các vấn đề liên quan đến môi trường, đã cố gắng sử dụng vật liệu bền vững hoặc nhạy cảm với môi trường, và sử dụng các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu địa phương (trong nỗ lực giảm bớt ô nhiểm do giao thông vận tải). Các bằng chứng ngày càng tăng về biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, nhưng giải pháp địa phương là một phần của câu trả lời cho việc tham gia giải quyết vấn đề này.

Trong bốn năm qua, nền kinh tế đã trải qua thời kỳ hỗn loạn nhất sau nhiều thập kỷ. Trong thời gian này, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đã đấu tranh để bảo đảm tiền vay từ các ngân hàng, giữ khách hàng, thị trường. Đến nay, triển vọng về nền kinh tế vẫn chưa có gì khả quan. Các nhà sản xuất sụt giảm về giá trị cung cấp cho các kênh bán hàng. Doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ suy giảm. Tất cả đang nhìn đến tương lai với sự cẩn trọng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều công nhận rằng muốn thích ứng với môi trường kinh tế mới sẽ đòi hỏi họ phải thay đổi. Số đông chọn giải pháp phát triển sản phẩm mới hoặc sản xuất sản phẩm khác hoặc tìm kiếm thị trường mới, và tìm cách sử dụng các vật liệu khác nhau với hy vọng tìm sự ổn định.

Tại Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có làng nghề và những sản phẩm thủ công độc đáo, nổi tiếng. Khách du có thể lựa chọn tùy thích những mặt hàng thủ công cho tiêu dùng, trang trí, làm quà tặng bằng các chất liệu địa phương khác nhau. Vẻ đẹp phản ánh trong hàng thủ công được kết hợp với thiên nhiên, hệ thực vật,  động vật, các truyền thuyết, điển tích… là tuyệt vời. Tuy nhiên, muốn phát triển, sự vận hành của các làng nghề phải cùng nhịp độ với sự vận hành của thời đại, phải thích ứng với các thay đổi.

3- Nghề, hàng thủ công và văn hóa

Nói ngắn gọn, “hàng thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm thường được làm bằng tay, sử dụng nguyên liệu địa phương, đầu tư thấp. Thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ phản ánh văn hóa (bản địa, địa phương, dân tộc) và tay nghề (kỹ năng của nghệ nhân, thợ thủ công)” (8).

Theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, nghề thủ công truyền thống là một trong những loại hình văn hóa phi vật thể (9). Do đó, bản thân những sản phẩm được thực hiện với bàn tay của nghệ nhân với công nghệ, kỹ thuật truyền thống đã ẩn chứa ít nhiều các giá trị văn hóa.

Một điểm nữa, những tranh luận chưa đến hồi kết thúc ở trong nước về việc nên áp dụng khoa học kỹ thuật cải tiến thiết bị, công cụ sản xuất như thế nào để khuyến khích sự sáng tạo hoặc đầu tư đổi mới thiết bị, công cụ. Những người viện lý do bảo vệ bản sắc dân tộc đã chống lại việc sử dụng máy móc để sản xuất, còn những người ủng hộ “cải tiến” thì chưa đưa ra được nên cải tiến như thế nào để cân bằng giữa việc vừa bảo tồn vừa phát triển thích hợp. Trên bình diện quốc tế, việc thiếu sự thống nhất một định nghĩa hàng thủ công mỹ nghệ cũng vì các cuộc tranh luận kéo dài. Những nước có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mô phỏng bằng máy móc hoặc công nghệ mới thường mập mờ giữa “làm bằng tay” và việc sản xuất hàng loạt bằng máy. Cho đến năm 1997, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) và Hội đoàn Công nghệ thông tin (ITC) phối hợp tổ chức “Hội nghị chuyên đề về Thủ công mỹ nghệ và thị trường quốc tế: pháp điển hoá thương mại và hải quan” đã đi đến thỏa hiệp một định nghĩa có thể chấp nhận cho hàng thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh cơ giới hóa và hàng hoá hoá sản xuất thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Định nghĩa này được cho là hữu ích vì có cả bề rộng và chiều sâu của nó trong việc nắm bắt sự đa dạng và phức tạp của lĩnh vực thủ công mỹ nghệ: “Sản phẩm thủ công hoặc thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm được sản xuất bởi các nghệ nhân / thợ thủ công, hoàn toàn bằng tay hoặc với sự trợ giúp của công cụ cầm tay, thậm chí phương tiện cơ khí, miễn là sự đóng góp bằng tay trực tiếp của nghệ nhân vẫn là thành phần quan trọng nhất của sản phẩm đã hoàn thành. Tính chất đặc biệt của nghệ nhân xuất phát từ các đặc trưng để phân biệt của họ, đó có thể là sự tiện dụng, thẩm mỹ, nghệ thuật, sáng tạo, gắn với văn hóa, trang trí, chức năng, truyền thống, tôn giáo, biểu tượng mang tính xã hội và có ý nghĩa. Họ tạo tác sản phẩm từ nguyên liệu sản xuất bền vững và không có hạn chế cụ thể về số lượng sản xuất. Ngay cả khi các nghệ nhân làm số lượng sản phẩm có cùng thiết kế, không bao giờ có hai sản phẩm là giống nhau một cách chính xác” (10). Hiện nay, cả thế giới áp dụng định nghĩa này trong các quyết định xây dựng mô hình phát triển sản phẩm thủ công. Theo định nghĩa này, văn hóa phản ánh (hoặc thể hiện) trên sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm khác.

Nghề thủ công, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có gốc rễ sâu xa trong văn hóa. Sản phẩm làng nghề, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ, hấp dẫn “người chơi” bằng sự nhuần nhuyễn, điêu luyện về nghề nghiệp của nghệ nhân, của người thợ thủ công. Người chơi cảm nhận được sự tinh tế trong từng chi tiết sản phẩm và thích thú vì phát hiện nhiều ý tưởng bất ngờ ẩn chứa trong đó. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết quả của cảm hứng và tư duy sáng tạo của nghệ nhân kết hợp với kỹ năng sử dụng và kiến thức về vật liệu. Do đó, yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ là con người (nghệ nhân, thợ thủ công). Trong sản phẩm của mình, nghệ nhân, người thợ thủ công truyền vào đó một phần giá trị về văn hóa, được thể hiện ở ý tưởng, hình thể sản phẩm, vật liệu sử dụng, phương cách chế tác, kể cả phẩm cách, giá trị cá nhân, hình ảnh của họ, truyền đạt kiến thức về triết học, quan niệm về lối sống... Nghệ nhân là người nắm bí quyết về các vật liệu, về phương pháp, quy trình chế tác, các công đoạn sản xuất, kỹ năng thao tác, cả những điều tinh tế chỉ có thể cảm thụ.

Có lẽ chúng ta không cần phải ngập ngừng khi khẵng rằng hàng thủ công mỹ nghệ là sản phẩm xứng đáng làm đại diện cho văn hóa dân tộc hơn nhiều sản phẩm hàng hóa khác được sản xuất trên lãnh thổ mỗi quốc gia nói chung. Văn hóa các dân tộc, vùng, miền là “nguồn”, là tài nguyên, là chất liệu và sản phẩm thủ công là kết quả cuối cùng trãi qua một quá trình chế tác từ khai thác, sử dụng, phát triển các giá trị từ trong kho báu văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc và từ vật liệu địa phương với tay nghề nghệ nhân.

4- Phát triển sản phẩm làng nghề cho du khách

Nghề thủ công mỹ nghệ cung cấp cơ sở cho phát triển du lịch văn hóa và “du lịch sáng tạo”. “Du lịch sáng tạo” được xem là thế hệ du lịch mới. Thế hệ du lịch đầu tiên là “Du lịch bãi biển” nơi mọi người đến đó để thư giãn và giải trí; thế hệ thứ hai là Du lịch văn hóa, hướng đến các viện bảo tàng và các tour du lịch văn hóa. “Du lịch sáng tạo” liên quan đến sự tương tác nhiều hơn, khách có thể có sự tương tác về giáo dục, tình cảm, xã hội và tham gia với nơi đến, với văn hóa sống và con người ở đó (12). Du khách sáng tạo rất muốn làm quen với một nền văn hóa từ bên trong, gặp người thực và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của họ, học một nghề thủ công hoặc kỹ năng trực tiếp từ những người sản xuất địa phương. Du lịch sáng tạo có thể khuyến khích sự hiểu biết giữa các nền văn hóa và cung cấp cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất - thiết kế và nghệ nhân với lợi ích rộng hơn cho các nhà hàng, khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ địa phương khác. Sự tham gia tích cực vào việc sáng tạo để lại một ấn tượng sâu sắc cho du khách, khuyến khích họ ở lại lâu hơn tại điểm đến và mang đến các cơ hội phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa với cộng đồng địa phương, tăng khả năng họ sẽ trở lại.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng nhiều du khách đang tìm kiếm sự trải nghiệm đích thực và muốn tham gia với các cộng đồng địa phương thay vì là người tiêu dùng trải nghiệm thụ động văn hóa tại các địa đến. Đây chính là một nhóm các dịch vụ từ các làng nghề thủ công, cần phải được thống kê, xem xét chọn lọc để cung cấp cho du khách những dịch vụ tiêu biểu và hấp dẫn.

Du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, du lịch sáng tạo là các khái niệm và nội dung, phương thực tổ chức du lịch khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều bao hàm các yếu tố liên quan đến nghề thủ công trong đó.

Đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cùng với những khuyến cáo của các nhà chuyên môn về kích cở nhỏ hơn nguyên bản, vật liệu nhẹ, đa dạng sản phẩn để phù hợp với việc di chuyển của du khách, các nhà sản xuất cần thay đổi nhiều hơn nữa để phù hợp với những thay đổi liên tục trong tiêu dùng như đã nói trên; cần chú ý đến yếu tố “Làm bằng tay”, phát huy tài nghệ cao của nghệ nhân, bảo đảm có xuất xứ gốc, mộc mạc, dân dã, độc đáo…; chú ý đến động cơ mua hàng của như để làm quà tặng, vì ngưỡng mộ tài năng nghệ nhân, để thỏa mản một nhu cầu về vẻ đẹp thẩm mỹ, để sở hữu một sản phẩm duy nhất, vì nguyên liệu địa phương hoặc vì nó có ý nghĩa…

TP. Hồ Chí Minh, 10/10/2012

Nguyễn Lực

Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.101
Tổng truy cập: