TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề phục vụ khách du lịch và du lịch làng nghề
(Ngày đăng: 29/10/2012   Lượt xem: 1447)

(Langnghevietnam.vn) -Ban biên tập Làng nghề Việt Nam xin được đăng nguyên văn bài tham luận “Giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề phục vụ khách du lịch và du lịch làng nghề” của ThS. Bùi Văn Vượng - Giám đốc Trung tâm Tạo mẫu HTLN Việt Nam.


Làng nghề gắn với du lịch (ảnh minh họa)

Tạo mẫu sản phẩm đặc trưng văn hóa và đa dạng loại hình của làng nghề gắn với nhu cầu của du khách - một giải pháp hiệu quả để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề ở Việt Nam

Kính thưa Quý vị và các bạn!

Thay mặt Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam, trực thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tôi xin gửi tới quý vị và các bạn lời chào trân trọng! chúc Hội thảo khoa học của chúng ta thành công tốt đẹp!

Tôi xin đề cập mấy vấn đề quan trọng sau đây:

- Một là, làng nghề gắn với du lịch và loại hình du lịch làng nghề

- Hai là, sản phẩm của làng nghề và tâm lý mua sắm, thưởng ngoạn của du khách

- Ba là, lựa chọn loại hình sản phẩm để thiết kế mẫu sát đúng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của du khách, quảng bá sản phẩm đó.

1. Làng nghề gắn với du lịch và loại hình du lịch làng nghề

Làng nghề (kể cả phố nghề) là làng cổ truyền làm nghề thủ công truyền thống. Các làng nghề sản xuất sản phẩm đặc trưng theo công nghệ truyền thống, không phải chỉ sản xuất vật phẩm hàng hóa đơn thuần như trong các công xưởng, nhà máy công nghiệp hiện đại. Làng nghề là cả một môi trường văn hóa sống động và truyền thống lịch sử lâu đời, ở đó cấc thế hệ nghệ nhân, thợ chuyên vốn có bàn tay khéo léo, con mắt chuẩn xác, nối đời làm ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, chứa đựng hàm lượng văn hóa và giá trị kinh tế cao. Không ít làng nghề và sản phẩm ấy trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Sản phẩm có giá trị rất cao đã trở thành báu vật quốc gia, tài sản văn hóa của dân tộc. Nghệ nhân và sản phẩm danh giá ấy đã làm cho làng nghề trở nên nổi tiếng, cũng là nơi xuất xứ địa lý hàng hóa có uy tín và được coi như một thương hiệu lớn, đáng tin cậy.

Môi trường văn hóa làng nghề chính là cả một quần thể danh thắng làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, đền miếu… với phong tục tập quán, lễ hội, ca múa dân gian, nếp sống thuần phong mỹ tục, văn hóa vật chất và văn hóa tâm linh. Ở đó, các hộ nghề, tộc nghề, thợ giỏi nối đời làm nghề thủ công truyền thống bằng công nghệ cổ truyền đã tạo ra những sản phẩm đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật và mỹ thuật, đem lại niềm tự hào chính đáng cho địa phương và cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm kiếm.

Sản phẩm làng nghề với công nghệ truyền thống ấy đã biểu lộ rõ nhất bản sắc văn hóa và trình độ văn minh trong tiến trình lịch sử suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Trên quê hương chúng tôi, từ lâu đã nổi danh:

Đất trăm nghề của trăm vùng,

Khách phương xa đến lạ lùng tìm xem.

Tay người như có phép tiên,

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.

(Nguyễn Đình Thi - Bài ca Hắc Hải)

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng,

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông.

Áo em thêu chỉ biếc hồng,

Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm vui.

(Tố Hữu - Việt Bắc)

Khách phương xa - khách du lịch (hay du khách) thường tìm đến làng nghề, tận mắt thấy sản phẩm thủ công vừa được làm ra, quan sát quá trình tạo tấc vật phẩm của người thợ làng nghề, được trực tiếp tham gia sinh hoạt văn hóa, thưởng thức đặc sản và làm thử một vài sản phẩm theo ý mình, chọn mua một vài món quà lưu niệm cho mình và cho người thân, những sản phẩm độc đáo chỉ có riêng ở đó. Với du khách, chuyến đi ấy sẽ thành kỷ niệm khó quên trong đời họ.

Du khách đi theo tua thì trông cậy ở người hướng dẫn viên du lịch, còn tự đi thì họ tự mở lối theo bản đồ du lịch và biển hiệu chỉ đường tới các hộ nghề tại làng nghề đã làm du lịch có thâm niên, còn với các làng nghề chưa làm du lịch, khách phương xa dường như lạc giữa trận đồ muôn ngõ ngách trong làng, không biết mua đồ, xem chế tác ở đâu.

Vì thế, làng nghề nên làm du lịch và biết làm du lịch một cách có tổ chức và chuyên nghiệp để tận dụng lợi thế xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của mình.

Các đơn vị du lịch lữ hành mở tua, tuyến, điểm du lịch làng nghề chính là đã biết khai thác một loại hình du lịch hấp dẫn, có chiều sâu văn hóa và có khả năng đem lại lợi ích kinh tế khá cao.

Có thể nói, trong các loại hình du lịch (công vụ, tìm về cội nguồn, sinh thái, mạo hiểm, dưỡng sinh, làng nghề…) thì du lịch làng nghề luôn hấp dẫn và cung cấp kiến thức sâu sắc bậc nhất cho du khách. Hướng dẫn viên du lịch làng nghề hiện còn hiểu biết rất hạn chế, cần được bổ túc thêm kiến thức về lĩnh vực rộng lớn này.

2. Sản phẩm của làng nghề và tâm lý mua sắm, thưởng ngoạn của du khách

Số lượng làng nghề truyền thống trên cả nước quả thật rất lớn, tới trên 3.000 làng nghề và phố nghề. Nhưng số lượng làng nghề làm du lịch và biết cách làm du lịch có bài bản như làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gồm Bát Tràng, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng chạm khắc đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn, hay phố cổ Hội An, làng gốm Lái Thiêu, Bình Dương, v.v… thì chắc hẳn là chưa nhiều.

Sản phẩm làng nghề khá phong phú. Nhưng sản phẩm phục vụ khách du lịch làng nghề thì hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Dường như ở nhiều làng nghề nếu bắt tay vào làm du lịch thì thật sự đang trong tình trạng khủng hoảng thừa hàng hóa và khủng hoảng thiếu sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Khách du lịch làng nghề nhìn chung có hai loại chủ yếu, đó là khách du lịch văn hóa và khách du lịch công vụ. Khách thuộc nhóm thứ nhất, cả trong nước và quốc tế đều có tâm lý chung là thưởng ngoạn, học hỏi, mua sắm đồ thủ công lưu niệm và gia dụng. Thuộc nhóm thứ hai, khách công vụ có mục đích tìm kiếm nguồn hàng và ký kết hợp đồng, họ tương tự như các thương gia tới làng nghề vậy, họ không có tâm lý mua sắm đồ dùng và quà lưu niệm, mà chỉ tập trung vào xem xét năng lực sản xuất loại sản phẩm cụ thể tại làng nghề.

Làng nghề du lịch là nơi phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng ngoạn của khách du lịch, cần hướng tới việc làm nhiều loại sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm đậm nét văn hóa thật sự riêng biệt của làng nghề và ngành hàng cụ thể. Ở đó có thể cũng tạo tác sản phẩm độc bản, bán giá cao như một thứ của độc. Nhưng ưu tiên vẫn là làm đồ tinh xảo, đặc trưng, thông dụng và số lượng lớn để khách mua về quê làm quà, hay bày chơi trong bộ sưu tập của họ.

3. Tạo mẫu sản phẩm của làng nghề phục vụ nhu cầu du khách

a) Loại hình sản phẩm

Đặc điểm tâm lý chung của khách du lịch, dù họ nhiều tiền hay ít thì tất cả đều là người có nhu cầu tiêu tiền. Họ mua sắm do có nhu cầu thực và nhiều khi còn do cả tâm lý đám đông (người ta mua, mình cũng mua).

Nhưng du khách luôn luôn là người tiêu dùng thông minh. Họ biết phân biệt giá trị sản phẩm để lựa chọn, đặc biệt hấp dẫn trước các sản phẩm quý lạ, đậm nét hình ảnh tiêu biểu vùng, miền, làng nghề và nghệ nhân điển hình. Họ cảm nhận ở vật phẩm có nét gì đó như chung đúc hồn cốt văn hóa của địa phương và dân tộc, lại gần gũi với tập quán tiêu dùng và thẩm mỹ của chính mình.

Làng nghề gắn với du lịch cần làm ra những sản phẩm gì? là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng nếu như tất cả chúng ta, nhất là người làm hàng truyền thống ở các làng nghề, người làm nghề du lịch chuyên sâu cùng nghiên cứu, hợp sức giải quyết thì vấn đề này sẽ được giải đáp, và Hội thảo của chúng ta sẽ rất có ý nghĩa.

Chúng tôi chỉ xin nêu ra một hướng giải quyết, đó là tập trung ưu tiên phát triển đa dạng loại hình sản phẩm đặc trưng của làng nghề ở từng địa phương. Trong đó, sản xuất, chế tác các đồ lưu niệm, quà tặng phục vụ nhu cầu của du khách. Sử dụng nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có và đảm bảo thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Có thể dùng một loại nguyên liệu làm vật phẩm, cũng có thể kết hợp hai hay nhiều loại nguyên liệu, chất liệu ghép thành một sản phẩm tùy theo, nhằm tạo hiệu ứng thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế - văn hóa cao hơn cho các sản phẩm ấy.

b) Thiết kế tạo mẫu sản phẩm

Tạo mẫu (Design) là sáng tạo mới về mẫu mã, kiều dáng, màu sắc, họa tiết trang trí trên sản phẩm. Ý tưởng sáng tạo là không có giới hạn, không có ý tưởng tuyệt đối hoàn hảo và không có ý tưởng nào là điên rồ. Nhà tạo mẫu (Designer) phải có cảm hứng sáng tạo, sáng tác để cho ra đời các sản phẩm mới. Không có sáng tạo thì không có sự phát triển. Nhu cầu tiêu dùng luôn luôn thay đổi, buộc chúng ta phải sáng tạo không ngừng.

Theo tôi, mẫu bao gồm mẫu sản phẩm (vật phẩm) và mẫu bao bì chứa sản phẩm, bao gói sản phẩm ấy; gồm cả mẫu công cụ, dụng cụ tháo lắp sản phẩm và bộ phận gá lắp để tăng tính năng sử dụng cho sản phẩm. Do đó chúng ta khuyến khích các kỹ sư, chuyên gia công nghiệp góp sức thiết kế các công cụ, máy móc theo yêu cầu sản xuất, chế tác sản phẩm mới của các làng nghề.

Sản phẩm làng nghề phục vụ nhu cầu khách du lịch cần phát triển là các loại sản phẩm cổ truyền và các loại sản phẩm cải tiến và sáng tạo mới. Tùy ngành nghề và ngành hàng, tùy chất liệu mà lựa chọn loại sản phẩm cần phải đầu tư sản xuất, tổ chức quảng bá, tiêu thụ của mỗi làng nghề du lịch cụ thể, do chính người thợ và doanh nghiệp ở đó tự lựa chọn.

Các sản phẩm cần tạo ra phải đa dạng nhằm tạo thuận lợi cho sự lựa chọn của du khách tới làng nghề. Các sản phẩm được du khách ưa thích và mua nhiều là những sản phẩm thủ công kết tinh đậm nét bản sắc văn hóa. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn bình thường để mua sản phẩm có mẫu mã mới, đẹp, mà họ thấy ưng ý.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu và thiết kế sản phẩm du lịch nói riêng, sản phẩm hàng hóa của làng nghề nói chung để phục vụ khách quốc tế, ta cần hiểu rõ thẩm mỹ tiêu dùng của du khách từng nước cụ thể. Chẳng hạn, người Nhật ưa dùng hàng thủ công mỹ nghệ lưu niệm cỡ nhỏ, mẫu tinh tế. Người Châu Âu thường thích đồ cỡ lớn, kiểu dáng thanh thoát và sắc nét.

Khi thiết kế hàng du lịch, chúng ta nên quan tâm tạo ra các sản phẩm theo bộ, từ cái to đến cái nhỏ nhất (có thể xếp úp sát lòng sản phẩm, tiết kiệm thể thích đóng gói, vận chuyển); khai thác yếu tố đối lập (to bé, đặc rỗng, sáng tối…) nhằm tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ khác lạ.

Yêu cầu tạo mẫu hàng thủ công phục vụ du lịch là rất lớn. Tại các điểm du lịch nổi tiếng, tại các làng nghề gắn vơi du lịch hiện đang thiếu trầm trọng về quà tặng, đồ lưu niệm đặc thù, chất lượng cao. Tình trạng nhập ngoại đồ lưu niệm nước ngoài, chất lượng thấp, tràn lan khắp nơi. Trong khi đó, làng nghề và nghệ nhân của ta hoặc chưa chú tâm, hoặc còn hạn chế về kiến thức thị trường, khá nhiều sản phẩm làm ra còn quá lặp mẫu, sao chép, sáo mòn, hoặc chưa biểu lộ dấu ấn riêng từng nghệ nhân, hoặc mẫu mới tuy đẹp nhưng kết cấu kỹ thuật lại quá yếu ớt. Tình trạng vi phạm bản quyền còn quá phổ biến đang làm nản lòng các nhà tạo mẫu. Chúng ta cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém như vậy.

Du lịch là ngành công nghiệp không khói. Du lịch làng nghề là loại hình du lịch hấp dẫn và có nhiều lợi ích cho ngành du lịch, cho du khách và cho các làng nghề, nghệ nhân, người thợ và nhà doanh nghiêp ở địa phương.

Xét về lợi ích kinh tế, các làng nghề và ngành du lịch đều được thụ hưởng kết quả từ hoạt động tiêu thụ sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp và nghệ nhân làng nghề cần phải chủ động làm du lịch, tạo ra sản phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các du khách do các đơn vị trong ngành du lịch đem lại. Các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm chỉ dẫn cho làng nghề về nhu cầu thực tế của du khách. Ngành du lịch không được coi làng nghề là chùm khế ngọt để trèo hái.

Có thể nói gọn lại, làng nghề và ngành du lịch cộng sự chặt chẽ, cùng phát triển, vì lợi ích quốc gia và dân tộc, trong đó có lợi ích lớn cho cư dân làng nghề và cho người làm nghề du lịch. Doanh nghiệp làng nghề và doanh nghiệp du lịch cùng gắng sức học hỏi nghề nghiệp của nhau, hợp lực sáng tạo và tổ chức tiêu thụ sản phẩm du lịch làng nghề, góp phần đưa nông thôn nước ta tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, trở nên giàu mạnh chính là mục tiêu chủ yếu của du lịch làng nghề, của tạo mẫu sản phẩm phục vụ khách du lịch của chúng tôi và chúng ta.

Một số việc cấp bách cần giải quyết, cụ thể như sau:

- Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ việc đào tạo đôi ngũ các nhà tạo mẫu tại các làng nghề, trong đó có các làng nghề gắn với du lịch, giúp đỡ họ mua sắm phương tiện kỹ thuật làm nghề.

- Quy hoạch làng nghề du lịch gắn với xây dựng thương hiệu tập thể và hệ thống sơ đồ, biển chỉ dẫn du lịch trong từng làng nghề đó.

- Xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, nhất là mẫu mới tại làng nghề, trong đó có nơi thảo luận ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và xúc tiến thương mại. Đồng thời, có chỗ trình diễn sản xuất, chế tác sản phẩm của nghệ nhân làng nghề và là nơi du khách được trực tiếp được tạo sản phẩm.

- Khuyến khích các hộ nghề, doanh nghiệp xây dựng nơi ở ăn nghỉ, có inh hoạt văn hóa dân gian phục vụ khách du lịch tại làng nghề.

- Sản phẩm thủ công phục vụ du lịch bắt buộc phải có bao bì đẹp, chất lượng cao, kèm theo bản thuyết minh xuất xứ hàng hóa, tác giả, được in ấn song ngũ Anh - Việt, có chỉ dẫn bảo quản, tháo lắp nếu là các sản phẩm nhiều chi tiết cồng kềnh.

- Khách du lịch được cung cấp sơ đồ chỉ dẫn làng nghề và Cataloge sản phẩm du lịch cần thiết. Chỉ dẫn về làng nghề ấy gắn liền với tuyến, tua và điểm du lịch trong vùng văn hóa, nghề thuộc địa phương, hay toàn quốc.

- Tổ chức tuyến, tua du lịch cần thật khoa học, hướng dẫn viên du lịch phải có trình độ sâu rộng về làng nghề.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị và các bạn!

Thạc sĩ: Bùi Văn Vượng

Chuyên gia Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Tạo mẫu HTLN Việt Nam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.843
Tổng truy cập: