TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Ghi-ta - guitar - guitare: Tây Ban cầm và Việt Nam cầm
(Ngày đăng: 20/06/2020   Lượt xem: 290)

Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển cây đàn ghi-ta trên toàn thế giới.

 
Tây Ban cầm thùng đầy và thùng khuyết.
Tây Ban cầm thùng đầy và thùng khuyết.

Từ khi xuất hiện đến nay, liên tục được cải tiến, cách tân, đàn ghi-ta trải qua quá nhiều biến đổi.

Tính số lượng dây, ghi-ta cổ chỉ 1 sợi, rồi tăng lên 4, 5, 7, 8, 10, 12 sợi, mà phổ dụng khắp hoàn vũ lâu nay là 6 sợi. Dây kim loại thường dùng nhất, còn những cầm thủ chơi ghi-ta cổ điển chuộng dây nhựa / nylon.

Xét cách trình tấu, ghi-ta cũng như nhiều nhạc cụ khác thường dành cho số đông người thuận tay phải, những ai thuận tay trái thì phụ thuộc quá trình tập luyện của từng cầm thủ mà đổi hoặc không đổi dây. Lắm cách chơi đàn ghi-ta: Ngồi hoặc đứng, ôm hay đeo đàn, lại còn đặt đàn nằm ngửa trên mặt đế. Phổ biến nhất thế giới lâu nay là dùng 4 ngón tay này để bấm dây trên cần đàn, tay kia dùng đầu 4 ngón (móng tay tự nhiên hay phần da thịt mềm) hoặc dùng 2 ngón cái và trỏ cầm phím / miếng gảy (thông thường bằng nhựa) tác động vào các dây tương thích. Cũng xét cách trình tấu, còn có trường hợp dùng thanh kim loại chặn dây trên cần đàn, tay kia đeo móng kim loại vào đầu 4 ngón để khẩy, móc, búng, vuốt dây (tương tự cách chơi đàn tranh). Tác động vào dây để âm thanh vang ngân, không chỉ dùng miếng gảy hoặc đầu 4 ngón tay, cầm thủ còn sử dụng vĩ để kéo (tương tự cách chơi violon / violin / vĩ cầm).

Quá trình tiến hóa với sự chuyển ngữ

Đến nay vẫn chưa tìm được bằng chứng rõ ràng, song phần đông giới nghiên cứu nhạc sử phỏng đoán rằng cây đàn ghi-ta đầu tiên xuất hiện hơn 1.000 năm trước Công nguyên ở Ai Cập và Babylon. Tiếng Ả Rập gọi nhạc cụ này là [phiên âm: ghi-tar].

Đến thế kỷ VIII, người Ả Rập đưa ghi-ta vào châu Âu, được người Ý cải tiến đáng kể vào thế kỷ XV: Đàn chỉ 1 cần với các khóa để giữ và tăng giảm độ căng dây, hộp đàn hình số 8 chỉ có duy nhất 1 lỗ thoát âm. Đây là cách gọi nhạc cụ này qua các thứ tiếng nơi "cựu lục địa":

* Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha: Guitarra

* Pháp: Guitare

* Anh, Đan Mạch: Guitar

* Na Uy: Gitar

* Iceland: Gítar

* Xứ Wales: Gitâr

* Hungary: Gitár

* Thụy Điển: Gitarr

* Ba Lan, Croatia, Bosnia, Litva, Slovak: Gitara

* Latvia: ģitāra

* Hà Lan: Gitaar

* Đức: Gitarre

* Ireland: Giotár

* Estonia: Kitarr

* Phần Lan: Kitara

* Séc: Kytara

* Albania: Kitarë

* Rumani: Chitară

* Ý: Chitarra

* Belarus, Ukraina: гітара

* Nga, Serbia, Macedonia: гитара

Theo một số chuyên gia ngôn ngữ học phân tích thì "tar" khởi phát từ tiếng Phạn, mang nghĩa chuỗi trong tiếng Ba Tư (Iran nay), du nhập vào Hy Lạp cổ đại thành κιθάρα / cithara.

 
Việt Nam cầm đặc trưng nhất là phím lõm cần / dọc đàn.

Tây Ban cầm

Tiếng Hoa có mấy cách gọi đàn ghi-ta: Trung Quốc lục địa và Đài Loan phiên âm thành 吉他 (bính âm: jítā; âm Hán-Việt: cát tha), Hồng Kông và Macao phiên âm thành 結他 (bính âm: jiétā; âm Hán-Việt: kết tha), ngoài ra còn gọi西班琴 (bính âm Xī Bān qín ; âm Hán-Việt: Tây Ban cầm) nghĩa là cây đàn Tây Ban Nha.

Ghi-ta phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIV ở Tây Ban Nha, tuy nhiên đến thế kỷ XIX, chính tại đất nước đó, nhạc cụ này được hoàn hảo hóa nhờ sự cải tiến đồng bộ rất khéo léo của nghệ nhân Antonio de Torres Jurado (1817 - 1892): Cây đàn đạt tỉ lệ cân xứng chuẩn mực với độ dài ưu việt là 65cm, thay 4 - 5 thanh gỗ ngang bởi 7 thanh gỗ phân bố hình rẻ quạt bên trong thùng đàn. Nhờ vậy, ghi-ta đã có hình dáng xinh đẹp, đơn giản mà thanh thoát, tiện di chuyển, thu hút ánh nhìn từ đông đảo khán thính giả khi nhạc công biểu diễn; đặc biệt là âm thanh ngân vang dịu êm, mịn mượt, thể hiện biết bao tình ý phong phú, đạt năng lực truyền cảm sâu sắc.

Tây Ban Nha cống hiến cho toàn cầu dòng nhạc flamenco đặc trưng với nét nổi trội là cầm thủ búng ngón tay nhanh, đều, tròn lên dây ghi-ta, kết hợp tiếng vỗ tay cùng tiếng giày gõ nhịp trên sàn gỗ. Tây Ban Nha có các nhà soạn nhạc trứ danh đồng thời là cầm thủ điêu luyện như Ferdinando Carulli (1770 - 1841), Fernando Sor (1778 - 1839), Mauro Giuliani (1781 - 1829), Francisco Tárrega (1852 - 1909) đã góp phần hàn lâm hóa đồng thời phổ biến khắp hoàn vũ tiếng đàn ghi-ta rất Tây Ban Nha.

Việt Nam cầm

Đàn ghi-ta du nhập Việt Nam bởi thực dân Pháp, liền được người Việt tích cực tiếp nhận để trình tấu "nhạc tây". Với "nhạc ta", nhất là dòng đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ, lực lượng nghệ sĩ và nghệ nhân Việt Nam nhiều đời thử nghiệm cải tiến, đã tạo nên nhạc cụ thích ứng: Đàn ghi-ta phím lõm. Tây Ban cầm chuyển hóa thành Việt Nam cầm.

Tây Ban cầm có 6 dây, chúng ta gọi lục huyền cầm. Thì đàn bầu chỉ 1 dây, chúng ta gọi độc huyền cầm. Việt Nam cầm được cách tân đáng kể ở cần / dọc và dây. Cần dài 62cm bằng gỗ cứng, chẳng hạn trắc, các phím đều được khoét lõm xuống chừng 1cm theo hình bán nguyệt, nhờ vậy cầm thủ mới đủ điều kiện tạo bao hiệu ứng âm thanh như nhấn, rung, luyến, láy, vuốt. Dây bằng kim loại, thoạt tiên chỉ 4 dây, rồi tăng lên 5 dây, hiện đã có loại 6 dây. So với dây ghi-ta bình thường, thì ghi-ta phìm lõm có đôi dây số 1 và số 2 nhỏ hơn nhằm tạo âm sắc mềm mại như ý.

Nhạc cụ được thay đổi thiết kế và thi công, tất nhiên nhạc công phải có thủ pháp trình tấu phù hợp. Chơi ghi-ta phím lõm, cùng với kỹ thuật dùng miếng gảy ở tay này thì tay kia đòi hỏi thành thạo ngón láy, ngón luyến, ngón bật, ngón mổ, ngón bịt và đặc biệt là ngón vuốt.

Việt Nam cầm đã hiện đại hóa khi được chế tạo thành ghi-ta điện phím lõm.

                                                    Theo: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.473.532
Tổng truy cập: