TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(23)- Tạo “hồn” cho thổ cẩm người Mông
(Ngày đăng: 22/12/2019   Lượt xem: 240)
Để làm nên một bộ trang phục thổ cẩm đẹp, mang đặc trưng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, người phụ nữ Mông ở Hà Giang đã phải thực hiện nhiều công đoạn thủ công khác nhau, trong đó, có công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong lên vải lanh. Việc làm đó cho thấy sự tỉ mỉ, kỳ công nhưng cũng rất nghệ thuật của người Mông. Trải qua bao biến thiên của tạo hóa, người Mông hiện vẫn gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống riêng có, mang đậm bản sắc của dân tộc Mông nơi địa đầu Tổ quốc.

k1p8_23a
Chị Sùng Thị Sa tỉ mỉ vẽ sáp ong lên vải lanh. Ảnh: Thanh Thuận

Từ quốc lộ 4C, chúng tôi dừng chân tại “cổng trời” Quản Bạ, tìm đường vào xã Lùng Tám theo lời hẹn với chị Vàng Thị Mai, Chủ tịch Hợp tác xã lanh Lùng Tám. Xã Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá tai mèo dựng đứng. Trên con đường liên bản, du khách tấp nập tìm về Lùng Tám. Đến Hợp tác xã lanh Lùng Tám, chúng tôi có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Mông cần cù, chịu khó thực hiện các công đoạn để làm ra được bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo chị Vàng Thị Mai, không biết nghề dệt lanh bắt nguồn từ đâu, thời điểm nào, chỉ biết rằng, nghề đã có từ ngàn đời nay. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Người bản này truyền nghề cho người bản bên. Người Mông thường truyền nhau câu hát: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”. Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề lanh Lùng Tám đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Đức, Pháp... Nhờ đó, đời sống của bà con Lùng Tám ngày một khởi sắc. 

Dừng chân trước một khung vải lanh trắng căng trên tấm ván, tôi lạ lẫm khi thấy chị Sùng Thị Sa đang chăm chú, tỉ mỉ cầm chiếc bút nhỏ, tô vẽ lên mặt vải, thỉnh thoảng, chị lại chấm đầu bút vào chiếc bát đựng sáp ong bên cạnh. Hỏi ra mới biết, chị đang thực hiện thao tác vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong. Chị Sa ngừng tay cho biết, để làm được một chiếc váy, người phụ nữ Mông phải mất rất nhiều công đoạn, vẽ sáp ong được thực hiện sau các công đoạn làm lanh, dệt vải. Đây cũng là công đoạn làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Mông. Tất cả các công đoạn đều được người phụ nữ Mông làm thủ công. Trước tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm, ngâm với tro bếp trắng (có được do đun từ củi nghiến), sau đó mới đem dệt thành vải. Từ tấm vải lanh thô phải giặt, phơi cẩn thận, sau đó mang đi là cho mặt vải bóng mịn.

Khi công đoạn chuẩn bị vải đã hoàn thành, người phụ nữ Mông sẽ chuẩn bị sáp ong để vẽ. Sáp ong có hai phần: Màu vàng (lớp sáp non) và màu đen (lớp sáp già). Người ta nấu mỗi loại ra một chiếc nồi khác nhau, đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Khi cần sáp để vẽ, lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp nấu cho đến khi sáp tan chảy ra thành chất lỏng sền sệt. Chảo sáp ong bao giờ cũng phải để nóng ở trên bếp lửa. Nếu chảo không nóng, sáp sẽ bị khô và không dính vào vải.

Công đoạn vẽ sáp ong lên vải lanh đòi hỏi người phụ nữ Mông phải thật cẩn thận, tỉ mẩn, chau chuốt. Người vẽ phải dùng một chiếc bút được thiết kế đặc biệt gồm một thanh tre nhỏ, dài, ngòi bút là một lá đồng bé hình tam giác được nẹp vào thanh tre, chấm bút vào bát sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, vẽ trên vải theo ý tưởng của mình dựa trên những mẫu hoa văn sẵn có như: Hoa văn hình học, hình núi, hình răng cưa, chấm tròn kích thước to nhỏ khác nhau hay những đường gạch dài và ngắn song song; hoa văn hình dích dắc, hình ô trám, hình xoắn ốc... Người vẽ phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều cho đến hết rồi mới chấm bút vào chảo sáp tiếp tục vẽ cho đến khi hoàn thành. Những người nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm sẽ tạo ra những mẫu hoa văn đạt đến độ chuẩn chỉ, đều nét, không bị lem. 

Sau khi đã tạo hoa văn bằng sáp ong xong và để khô, người phụ nữ Mông sẽ bỏ mảnh vải vào nồi nước sôi, đảo đều tay để lớp sáp ong bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng vài lần. Lúc đó, trên nền vải màu chàm nổi bật hàng hoa văn sáp ong màu trắng bạc thì mới đạt để đem đi may váy. Để tạo ra hoa văn có màu chàm đậm nhạt, họ lại vẽ sáp lên vải màu chàm đã nhuộm rồi tiếp tục nhuộm để ra phần không dính sáp ong sẽ là màu chàm đậm. Cứ thế tùy theo nhu cầu, những người phụ nữ Mông sẽ thực hiện công việc này nhiều lần để tạo nên hoa văn đường nét khác nhau trên vải.

8ubn_23b
Tấm vải lanh được vẽ sáp ong với các họa tiết đẹp mắt. Ảnh: Thanh Thuận

Có thể nói, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh là công đoạn khó nhất trong quy trình để làm thành một chiếc váy thổ cẩm, riêng công đoạn vẽ hoa văn người thợ phải làm cả tuần, cả tháng, thậm chí có khi vài tháng mới xong được chỗ vải để may hoàn chỉnh cái váy. Điều đó tạo nên sự khác biệt, riêng có với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Với những kỹ thuật trong cách vẽ sáp ong, thêu hoa văn, người Mông ở xã Lùng Tám đã cho thấy sự tài hoa, óc thẩm mỹ, tính sáng tạo từ những đôi bàn tay lao động cần mẫn của những phụ nữ người Mông. Đó cũng chính là nét làm nên thương hiệu dệt thổ cẩm Lùng Tám để những sản phẩm có cơ hội được “xuất ngoại”, góp phần nâng cao đời sống từ chính nghề truyền thống của đồng bào trên dải đất biên cương Tổ quốc này.
                                                                     Theo: bienphong.com.vn
Xem thêm:
>> (23)Thôn Tha – giữ gìn những nét đặc sắc của văn hóa và biến di sản thành tài sản, phục vụ khách du lịch đến với Hà Giang

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.472.940
Tổng truy cập: