TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Minh bạch thị trường mỹ thuật
(Ngày đăng: 11/12/2018   Lượt xem: 323)

Nhằm chấm dứt tình trạng thật giả lẫn lộn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh, mới đây Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) đã tổ chức ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh.

Minh bạch thị trường mỹ thuật

Ông Vi Kiến Thành.

Họa sĩ Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục MTNATL đã có cuộc trao đổi xung quanh việc ra đời Trung tâm được ví như “trọng tài” trong công tác giám định, thẩm định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.

PV: Thưa ông, phải chăng sau hàng loạt vi phạm bản quyền tác động xấu đến thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, chúng ta mới quyết tâm thành lập Trung tâm Giám định các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh?

Ông Vi Kiến Thành: Hiện nay thực trạng tranh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường Mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Do đó, nhu cầu cần có đơn vị làm công tác “trọng tài”, công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trở nên một đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ sẽ đứng ra thực hiện công việc giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Nhưng tại Việt Nam, hiện nay không có đơn vị, cá nhân, tổ chức phi chính phủ nào đứng ra thực hiện công việc này.

Do đó, Cục MTNATL đã đề xuất, đề nghị với lãnh đạo Bộ VHVHTTL bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cho Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trực thuộc Cục MTNATL.

Hội đồng giám định của Trung tâm sẽ có sự tham gia của nhiều tên tuổi uy tín trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Thành Chương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh…

Tác phẩm giám định phải đạt được 100% sự đồng thuận của Hội đồng thì mới được công nhận. Nếu thành viên trong Hội đồng có tác phẩm thì sẽ không được tham gia công tác giám định. Ngoài ra, có những tác phẩm đặc biệt cần phải có hội đồng mở rộng để thẩm định, đánh giá chính xác thì Trung tâm sẽ mời cả thân nhân của tác giả tham gia vào Hội đồng thẩm định.

Bên cạnh đó, nếu tác phẩm giám định có thêm sự thẩm định của công nghệ với sự giúp sức của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), người yêu cầu được thẩm định sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa, bên cạnh mức phí phải trả cho hội đồng nghệ thuật. 

Nhiều quốc gia đã thành lập trung tâm giám định từ lâu. Chúng ta đi sau gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

-Trước đây, Cục MTNATL đã từng vận động nhiều nơi, nhiều tổ chức đứng ra thực hiện công việc giám định nhưng không ai muốn làm vì khó quá. Ngay cả những người trong cuộc, đang phải đối đầu với vấn nạn bị làm giả cũng ngần ngại không muốn vào cuộc mặc dù rất bức xúc.

Vì thế, cực chẳng đã Cục MTNATL đã đứng ra thuyết phục Bộ VHTTDL bổ sung chức năng giám định cho trung tâm. Trong khi xã hội không ai muốn làm, không ai chịu làm thì Nhà nước sẽ đứng ra làm một thời gian để công việc dần đi vào nề nếp, để minh bạch, công khai hóa thị trường mỹ thuật.

Chúng tôi sẽ cho vận hành trung tâm một thời gian để công khai, minh bạch việc thẩm định tranh. Khi tình hình đã tốt, chúng tôi sẽ xin rút ngay. Bộ VHTTDL cũng muốn việc này nên được xã hội hóa nhưng không ai làm cả nên buộc bộ phải ra tay.

Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm Giám định rất khó khăn, nhất là về trang thiết bị kỹ thuật. Khi nhận quyết định thành lập Trung tâm Giám định, Cục MTNATL đã rất lo lắng. Trong đó, lo nhất là kinh phí vì chi phí để mua sắm trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định rất lớn. Cục MTNATL dự định, cuối năm 2019, Trung tâm mới ra chính thức ra mắt và dành toàn bộ thời gian của năm 2018, năm 2019 để lo trang bị phương tiện kỹ thuật và con người sử dụng nó.

May mắn là sau đó, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã đồng ý phối hợp, đáp ứng các yêu cầu về phương tiện, kỹ thuật, người sử dụng phương tiện nên đã gánh được một phần rất nặng cho Cục. Thiếu thốn về trang thiết bị máy móc để thẩm định vốn là nỗi lo lớn của lãnh đạo Cục khi xây dựng đề án về chức năng giám định của Trung tâm.

Sự hỗ trợ này có thể được coi là tăng thêm nhiều phần sức nặng của kết quả giám định. Hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) triển khai thực hiện công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm và giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã được ký kết.

Đến nay, Cục chỉ lo phần hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia vào hội đồng cũng chủ yếu trên tinh thần đóng góp là chính. Lý do là kinh phí hoạt động Trung tâm rất hạn chế, trong khi sức ép thì lớn. Trong quá trình vận động, đã có người từng nhận lời tham gia nhưng đến phút cuối lại từ chối vì ngại áp lực. Sau nhiều nỗ lực, Cục cũng vận động được những người đủ bản lĩnh, khả năng, chấp nhận “đứng mũi chịu sào” để tham gia vào Hội đồng.

Minh bạch thị trường mỹ thuật

Việc giám định các tác phẩm mỹ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Thưa ông, một băn khoăn của giới nghệ sĩ là độ chính xác của việc đưa công nghệ vào giám định các tác phẩm mỹ thuật ?

-Trước khi thành lập Trung tâm, Cục đã đi tham khảo nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Trung tâm Giám định tác phẩm nghệ thuật Hàn Quốc thành lập từ năm 2003, đến nay đã hoạt động được 15 năm, hội đồng thẩm định từng giám định một khối lượng tác phẩm rất lớn và chưa xảy ra trường hợp kiện tụng nào.

Tuy nhiên, với Việt Nam, khi mức độ tin cậy lẫn nhau còn ít, Trung tâm đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng về việc sẽ có những kết quả không được chấp nhận ngay và sẽ cần nhờ đến công tác giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Còn việc sử dụng máy móc để giám định, hiện tại, Viện Khoa học hình sự có rất nhiều lĩnh vực giám định chuyên sâu, có thể tổng hợp nhiều biện pháp, phương pháp giám định để khi tiến hành giám định không làm ảnh hưởng hiện vật.

Ví dụ, về nguyên tắc giám định phải có mẫu so sánh. Với các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng đã qua đời, Hội đồng giám định không thể yêu cầu họa sĩ vẽ bức tranh thứ hai để nghiên cứu nhưng có thể nghiên cứu, khảo sát, so sánh với các bức tranh có chữ ký, dấu hiệu riêng của tác giả. Ngoài ra, Viện còn nhiều biện pháp khác thuộc về nghiệp vụ không được công bố rộng rãi nhưng chắc chắn, hoạt động này sẽ tăng “sức nặng” cho kết quả của Trung tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!
                                                                                           Theo: daidoanket.vn

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.473.481
Tổng truy cập: