TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làng nghề đá ngày ấy, bây giờ...
(Ngày đăng: 14/11/2018   Lượt xem: 532)


 

Ở Đà Nẵng, làng nghề đá Non Nước nổi tiếng một thời nay đang được quy hoạch trong một khu riêng biệt nhằm tránh gây ô nhiễm trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, làng đá này rất cần có sự định hướng và đầu tư thêm để sớm phục hồi thời huy hoàng như xưa, đồng thời để vẫn là một trong những điểm tham quan đặc biệt thu hút du khách ở thành phố du lịch này.

Nghệ nhân đang chế tác các tác phẩm tượng La Mã tại làng nghề đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Anh Nguyễn Lợi là một nghệ nhân trẻ tuổi của làng đá Non Nước, một làng nghề đã có lịch sử hơn 300 năm. Gọi là trẻ nhưng anh Lợi cũng đã ở tuổi bốn mươi, và mặt khác tính về tuổi nghề thì anh cũng thuộc vào hàng có “thâm niên”. Anh kể anh đã theo cha học nghề điêu khắc đá từ lúc mới mười lăm tuổi, cái tuổi vẫn còn ham học chữ và ham chơi hơn là kiếm một việc gì đó mưu sinh. Trước đó, cha anh cũng được nối nghiệp từ ông nội của anh từ lúc còn rất trẻ.

Anh Lợi kể, làm nghề này rất công phu cho dù là công đoạn cắt đá, vẽ trên phôi đá, khắc đá, hay làm bóng tượng đá. Một công đoạn bị sai lệch sẽ phải loại bỏ hoàn toàn, làm lại tác phẩm mới. Cơ sở của anh làm đủ loại sản phẩm, từ những linh vật nhỏ làm quà lưu niệm đến những bức tượng người cao có khi hai thước trở lên. Không nói ngoa, tôi đến chơi ở cơ sở của anh lúc anh đang chuẩn bị giao hàng cho các cửa hàng đặt mua sáu bức tượng mô phỏng các bức tranh tượng người thời La Mã, mỗi tượng cao đến bốn thước. Anh Lợi cho biết mỗi một bức tượng này phải mất khoảng một tháng rưỡi để hoàn thành, giá của nó khoảng 80 triệu đồng. Với những tượng loại nhỏ hơn thì mất khoảng một tuần để làm xong.

Cơ sở của anh Nguyễn Lợi là một trong gần 500 cơ sở đang hoạt động tại làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, hay gọi tắt là làng đá Non Nước, với hơn 4.500 lao động. Làng nghề được quy hoạch trong khuôn viên 50 héc ta, cách khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng hơn ba cây số. Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Từ những đồ dùng thông dụng, thô sơ của cuộc sống đời thường như cái chày, cái cối..., đến những tượng Phật của phương Đông hay tượng người La Mã bên tận trời Âu.

Tuy nhiên, anh Lợi kể, đây chỉ là “ngôi nhà mới” của anh và các nghệ nhân của làng nghề trong ba năm trở lại đây. Trước năm 2015, làng nghề nằm ngay trong khu vực núi Ngũ Hành Sơn (hay còn gọi là núi Non Nước), các cơ sở nằm rải rác dưới năm chân núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn để dễ dàng cho việc khai thác đá và điêu khắc.

Sở dĩ làng nghề phải chuyển đến chỗ mới vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, đến tham quan Ngũ Hành Sơn ngày một đông. Từ đó, ngày càng có nhiều phàn nàn về tiếng ồn và bụi đá bay lên từ chân núi. Thứ hai, kể từ ngày đầu tiên lập làng vào thế kỷ 18, làng đá Non Nước không ngừng tăng về số lượng, từ 200 hộ sản xuất vào năm 2004 lên đến 500 hộ vào năm 2015. Lý do cuối cùng là chính quyền muốn bảo tồn khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn, không để người dân khai thác đá Non Nước nữa. Vì vậy, hiện nay đa số sản phẩm ra đời tại làng nghề đá Non Nước được làm từ đá ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Bình Định đưa về, với số lượng lên đến gần 30.000 tấn mỗi năm.

Làng nghề đã được dời đi. Khu vực xung quanh các chân núi, đặc biệt là các ngọn núi mà du khách hay ghé thăm, các cơ sở chế tác đá ngày xưa nay đã được thay thế bằng hàng trăm cửa hàng bán đồ lưu niệm và các sản phẩm điêu khắc đá được sản xuất từ làng nghề với đủ loại kích cỡ. Trong một ngày cuối tuần, tôi bắt gặp rất đông du khách đến tham quan Ngũ Hành Sơn. Họ mê mẩn những tác phẩm điêu khắc đá được bán tại đây. Nhiều người trong số họ muốn tìm hiểu, tham quan làng nghề trước khi mua những sản phẩm tinh xảo này. Nhưng khi nghe phải lội bộ hơn ba cây số thì họ lại chùn chân.

Quay lại “ngôi nhà mới” của làng nghề đá Non Nước, cho đến nay hầu như đã tập trung được hầu hết những người làm nghề điêu khắc đá. Du khách hay khách hàng đến tham quan hoặc tìm hiểu sản phẩm cũng dễ dàng đến các cơ sở điêu khắc thay vì mất thời gian tìm kiếm như trước đây khi các cơ sở còn nằm rải rác tại các chân núi. Có điều, sau khi bỏ công sức, bỏ thời gian để tìm đến đây, nhiều người lại không khỏi thất vọng vì vấn đề ô nhiễm. Các con đường nhỏ trong làng nghề đầy đất, đá và bụi. Các ống cống “trắng xóa” vì bụi đá. Những tảng đá lớn chuẩn bị để điêu khắc nằm rải rác khắp nơi. Các cơ sở sản xuất che chắn không kín.

Nhiều du khách và cả một số nghệ nhân làng nghề nhận xét, giá mà cơ quan chức năng cùng với những cơ sở điêu khắc đồng lòng để “chỉnh trang làng nghề” thì hay biết mấy! Họ nói, để gây ấn tượng với khách tham quan, làng nghề nên xây dựng cổng chào bề thế để đón khách ngay từ đầu làng. Bước vào bên trong làng, đâu đâu cũng được nhìn thấy các cơ sở điêu khắc ngăn nắp, gọn ghẽ, có che chắn đủ tốt để bụi đá không bay đầy đường. Nên bố trí những cơ sở chuyên làm mẫu để cho khách du lịch ghé thăm...

Anh Nguyễn Lợi cho biết anh và các bạn nghề rất muốn làm những điều này để nhiều khách biết đến làng nghề hơn nhưng sợ tốn chi phí và cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như mạnh thường quân. “Các sản phẩm đá Non Nước không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà những người ở Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... đều thích và nhập hàng của chúng tôi thường xuyên”, anh Lợi chia sẻ.

Khi bàn đến vấn đề trên, ông Huỳnh Cự, Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết đang thực hiện giai đoạn hai của dự án quy hoạch làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khi đó, sẽ có quy hoạch một khu thương mại dịch vụ có diện tích 3.000 mét vuông làm nơi trưng bày các sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ cũng như làm điểm đến tham quan, mua sắm cho khách du lịch.

Theo như lời ông Cự thì các nghệ nhân và khách du lịch sẽ phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới có thể thực hiện hóa ước muốn của mình: tham quan tìm hiểu làng nghề đá Non Nước và mua sản phẩm ngay tại chỗ. Từ đó, làng nghề đá Non Nước mới có thể phục hồi sự huy hoàng một thời và sự phát triển mới trong tương lai. 

                                                                  Theo: thesaigontimes.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.469.053
Tổng truy cập: