TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Người chế xe đạp bằng tre độc đáo ở miền Tây
(Ngày đăng: 19/05/2018   Lượt xem: 236)

                              Anh Cảnh và chiếc xe đạp tre của mình - Ảnh: Nhật Hạ (Thanh Niên)
Với chiếc xe đạp bằng tre độc đáo, anh Trì Cảnh đã đưa làng nghề truyền thống Hàm Giang vươn xa, thổi "hồn quê" lên từng sản phẩm...

Tồn tại hàng trăm năm qua, làng nghề tre Hàm Giang (thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) vẫn được đồng bào dân tộc Khmer tại đây gìn giữ. Họ đã biến những cây tre mộc mạc thành những vật có giá trị như: bàn ghế, giường, tủ, salon tre... thậm chí là cả xe đạp.

Như bao làng nghề khác, làng nghề tre Hàm Giang cũng trải qua nhiều thăng trầm. Thời hoàng kim, sản phẩm nức tiếng vang xa, người người tìm mua. Nhưng đến thời bùng nổ khoa học công nghệ, sản phẩm làng nghề chậm đổi mới, trở nên lạc hậu, mẫu mã không đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao trên thị trường.

Từ trăn trở đó, năm 2001, anh Trì Cảnh (42 tuổi, truyền nhân đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm nghề tre) lấy xe máy một mình lên Tây Ninh học nghề. Chỉ mấy tháng sau, anh trở về mở cơ sở rồi mang những kỹ nghệ áp dụng vào các sản phẩm. Ngày đó, tuy tính thẩm mỹ của sản phẩm đã cao hơn, nhưng lượng tre dư thừa, hao hụt còn lớn, rất uổng phí.

Một lần, anh Cảnh cầm trên tay một đoạn tre để nghiên cứu nhằm tận dụng vào các sản phẩm. Nhìn ống tre thon dài, anh bất ngờ liên tưởng tới khung sườn xe đạp. Từ đó, anh Cảnh bắt đầu lên ý tưởng "biến" cây tre ở phum sóc mình thành những chiếc xe đạp độc đáo để cung cấp cho các cơ sở kinh doanh du lịch.

Anh Cảnh cho biết làm xe đạp phải chọn tre tầm vông vì đường kính cây tre rất đều, tính thẩm mỹ cao và chắc chắn. Để tre không bị mối mọt làm hư hỏng theo thời gian, anh Cảnh đã ngâm tre làm khung sườn trong nước vôi khoảng 15 ngày, nhờ vậy giúp sản phẩm xe đạp tre của anh sử dụng được rất lâu từ 7 - 8 năm.

"Tre tầm vông rất chắc, ông bà tổ tiên mình dùng đánh giặc mấy trăm năm nên độ bền chắc thì miễn bàn", anh Trì Cảnh cười nói.

Theo anh Cảnh, công đoạn khó nhất là chế phần sườn của chiếc xe - Ảnh: Đình Tuyển (Thanh Niên)

Chủ nhân của chiếc xe độc đáo này còn cho biết, công đoạn khó nhất là làm sườn xe. Những thanh tre được nối với nhau bằng những “rắc-co” (mối nối) bằng kim loại, có khóa đinh, sau đó được quấn dây mây vào mối nối tạo cho chiếc sườn xe giống như bằng mây tre thiên nhiên. Để làm hoàn chỉnh một sản phẩm, anh Cảnh và 2 người thợ nữa phải mất đến 10 ngày.

Khi ghé cơ sở Trì Cảnh, thấy xe đạp bằng tre, khách hàng rất thích thú và đặt mua về phục vụ khách du lịch. Có đoàn khách Tây tìm đến tận nhà anh để khám phá cách làm chiếc xe đạp.

"Khách nước ngoài họ rất thích đi xe đạp, nếu là xe đạp bằng tre họ càng thích vì nó mang đến cảm giác thân thiện môi trường, hòa nhập với thiên nhiên. Bây giờ, các khu du lịch sang đặt hàng nhiều lắm. Mấy bữa trước, tôi phải cho nhóm thợ nghỉ ít ngày đi thu gom nguyên liệu vì nguồn tre làm không đủ", anh Cảnh kể.

Hiện nay, sản phẩm của anh Trì Cảnh đã có mặt ở hầu hết các khu du lịch tại TP.HCM, Nha Trang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Mỗi tháng, cơ sở của anh bán ra thị trường theo đơn đặt hàng từ 10 - 15 chiếc xe đạp tre, mỗi chiếc có giá từ 5 - 5,5 triệu đồng.
                                                                                                        Theo: motthegioi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.472.029
Tổng truy cập: