TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Về thăm làng đúc đồng Tống Xá
(Ngày đăng: 14/05/2018   Lượt xem: 487)

Làng nghề Tống Xá (xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống. Các nghệ nhân tài hoa làng Tống Xá với khát vọng duy trì nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước và trở thành niềm tự hào của người dân thành Nam.

Thành tựu ngày hôm nay

Thuở mới đầu, làng Tống Xá chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Do trình độ công nghệ còn lạc hậu và thấp kém, nên các công đoạn đều là thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ. Dụng cụ, trang thiết bị và nhà xưởng còn rất thô sơ, đơn giản. Nghề đúc chính của làng Tống Xá trước năm 1945 là đúc gang. Đây là một loại thủ công hết sức vất vả, phải tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khí độc...

Trải qua nhiều năm phát triển, nghề đúc ở Yên Xá đã phát triển vượt bậc, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của một làng quê chiêm trũng nghèo nàn, lạc hậu.Từ chỗ chỉ làm được những sản phẩm thô sơ, đến nay đã sản xuất được hàng loạt sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao, làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đường nét mềm mại, hoa văn phong phú phục vụ các di tích lịch sử văn hóa, các công trình sản xuất công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ khai thác...Không chỉ tiêu thụ trong nước, đồ đồng của làng nghề đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

ve tham lang duc dong tong xa
                                                         Sản phẩm đồng Tống Xá phong phú, đa dạng

Bàn tay và khối óc của các nghệ nhân đang làm cho nghề đúc ở làng Tống Xá ngày càng phát triển, công nghiệp huyện Ý Yên ngày càng mở rộng. “Là người con mảnh đất Tống Xá, tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống đúc đồng. Chứng kiến quá trình từ một khối đất trở thành sản phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh, đam mê với công việc này trong tôi lớn dần.Hơn nữa, đồng là nét đặc trưng của làng mình, mình phải làm cho ngành nghề này phát triển ngày càng mạnh”, nghệ nhân Dương Doãn Hùng chia sẻ.

Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc.Trong đó có cả những công trình lớn tầm cỡ quốc gia như: Tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); tượng đài Bác Hồ tại nhà lưu niệm huyện Định Hóa (Thái Nguyên); kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội với tượng đúc Lý Thái Tổ, cao 10,1m nặng 45 tấn; tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ cao 16,2m nặng 220 tấn; tượng 14 vị vua thời Trần đặt tại quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần (Nam Định); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính nặng 50 tấn (Ninh Bình)...

Yên Xá ngày nay đang thể hiện rõ sức mạnh của làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp, mỗi người dân dù lao động trực tiếp hay gián tiếp thì vẫn luôn phấn đấu nâng cao tay nghề, đưa công nghệ đúc kim loại ngày một hiện đại hơn, từng bước hướng ra bạn bè quốc tế. Hiện nay, làng nghề đúc Tống Xá có khoảng 138 cơ sở đúc, doanh thu hằng năm đều tăng, năm 2017 đạt 1.310 tỷ đồng, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Và nét đẹp văn hóa phi vật thể

Bên cạnh giá trị từ các sản phẩm đồng Tống Xá thì những nét đẹp văn hóa phi vật thể cũng được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là tín ngưỡng thờ tổ nghề.Sau một thời gian ở Tống Xá để truyền nghề, nhà sư Minh Không ra đi vào 12/9 âm lịch, làng Tống Xá thờ ông như một vị tổ nghề, cùng Đức thuỷ tổ Tống Phúc Thành. Như vậy, làng Tống Xá thờ 2 vị thần, một là Tống Phúc Thành với tư cách là một vị thành hoàng của làng với công trạng khai hoang lập làng đầu tiên và một vị tổ nghề đã có công dạy dân nghề thủ công.

ve tham lang duc dong tong xa
Nghệ nhân Dương Doãn Hùng tỉ mỉ với từng sản phẩm của mình

Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá được tổ chức 3 năm/ 1 lần trong 3 ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch nhằm tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn. Qua đó, động viên thế hệ trẻ giữ vững và phát huy truyền thống làng nghề bao đời nay.

Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ mộc dục – tắm rửa cho Đức Thánh; lễ cầu an của các cụ trong làng; lễ tế nam quan; lễ tế nữ quan; lễ rước Đức Thánh từ Đền Thánh Tổ về Đằng Dương và ngược lại; lễ cầu phúc của nhân dân và các dòng họ. Phần hội gồm: Lễ mít tinh kỷ niệm; các chương trình văn nghệ, múa lân, múa rồng, sư tử; các trò chơi dân gian truyền thống của quê hương như tổ tôm, bắt vịt dưới ao, cờ người…

Trải qua nhiều năm phát triển, nghề đúc ở Yên Xá đã phát triển vượt bậc, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của một làng quê chiêm trũng nghèo nàn, lạc hậu.

Từ chỗ chỉ làm được những sản phẩm thô sơ, đến nay đã sản xuất được hàng loạt sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao, làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đường nét mềm mại, hoa văn phong phú phục vụ các di tích lịch sử văn hóa, các công trình sản xuất công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ khai thác...Không chỉ tiêu thụ trong nước, đồ đồng của làng nghề đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bàn tay và khối óc của các nghệ nhân đang làm cho nghề đúc ở làng Tống Xá ngày càng phát triển, công nghiệp huyện Ý Yên ngày càng mở rộng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, các gia đình trong làng sẽ làm khuôn đúc để dâng cúng trước cửa thánh. Các mặt hàng phục vụ lễ nghi tôn giáo như chuông, tượng, đỉnh, cây đèn, các mặt hàng phục vụ nông nghiệp như mỏ neo, chân vịt tàu thuỷ, để vào ngày lễ sẽ mang ra trình thánh trong nghi lễ “Hiến xảo”, xảo ở đây là kỹ xảo nghề nghiệp, thể hiện bàn tay khéo léo và trình độ tay nghề của dân làng làm nghề.

Trong khuôn khổ diễn ra lễ hội còn có cuộc thi thả đèn trời.Để tham gia tổ chức thi thả đèn trời, trước đây mỗi gia đình có ý định thi tài về đèn trời, họ phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm, mỗi gia đình làm vài chục đèntrời để thi với nhau. Hiện nay, thực tế cuộc thi đã có nhiều thay đổi, ban tổ chức lễ hội tự mua đèn trời và thả đèn trong 3 tối, mỗi tối thả 100 đèn trời.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Do đặc thù của nghề cơ khí đúc là phải sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình chế tác, không những tác động trực tiếp tới sức khỏe công nhân mà còn tác động đến môi trường xung quanh như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Nhận thức được điều này, các cơ sở sản xuất đã đề xuất các cấp chính quyền phương án quy hoạch các xưởng sản xuất thành một khu riêng biệt cách xa khu dân cư.

Khó khăn về vốn và việc phát triển thương hiệu làng nghề, cạnh tranh với thị trường hàng hóa nước ngoài cũng là những khó khăn cần được giải quyết. Các cơ sở sản xuất còn gặp nhiều khó khăn về vốn do phải nhập nguyên vật liệu, đầu tư vào máy móc trang thiết bị... Hơn nữa, do sản phẩm đặc thù của ngành cơ khí đúc thường có giá trị cao, nhiều khi hàng đã xuất đi mà khách hàng chậm thanh toán là việc diễn ra thường xuyên nên doanh nghiệp rất khó quay vòng vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về những khó khăn này, ông Dương Doãn Hùng – một nghệ nhân có tiếng tại làng Tống Xá cho biết nhu cầu đồ đồng ngày càng nhiều, ở các nơi khác nhà xưởng cũng mọc lên nhiều không kém, sản xuất tràn lan mà không chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Có những xưởng sử dụng đồng pha hóa chất để tạo độ bóng cho sản phẩm, khiến cho màu đồng không thật, nhanh bay màu.

Với phương pháp này, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn đồ đồng Tống Xá rất nhiều.“Tuy nhiên chúng tôi luôn giữ nguyên tắc đặt chất lượng lên hàng đầu. Quan trọng nhất là không bao giờ ăn gian nói dối hay ăn bớt, bởi đây không chỉ là một loại hàng hóa mà còn là sản phẩm tâm linh. Đúc một bức tượng cũng chính là đang khoác áo lên phật thánh, vì vậy người nghệ nhân cần đặt trọn cái tâm và sự thành kính vào từng nét chạm khắc”.

                                                                                              Theo: laodongthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.469.077
Tổng truy cập: