TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Đời diêm dân - Bài 2: Nhạt lòng cùng muối mặn
(Ngày đăng: 14/08/2014   Lượt xem: 421)
Trong giấc mơ hằng đêm, lão thấy đàn con của lão cùng trai tráng trong làng trở về bên đồng muối ngập nắng. Nhưng chúng về không phải để phụ lão và bà vợ già chở những xe muối lặc lè mà chúng về là để khuyên lão và dân làng bỏ phứt đi cái nghề cực nhọc, khốn khổ này. Lão muốn nói với chúng rằng, hãy quay về, dầu gì đi nữa thì cũng phải giữ lấy nghề tổ truyền - cái nghề đã nuôi sống dân vùng này hàng ngàn đời nhưng sao cổ họng nghẹn thắt. Lão đưa tay níu với nhưng níu làm sao được những cơn gió khô khốc thổi ràn rạt qua những ruộng muối hoang hoải, bỏng rát…



Trên cánh đồng nắng cháy

Muối mặn

Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 290 hecta đất làm muối. Trong đó, huyện Hậu Lộc chiếm khoảng 130 ha, phần còn lại nằm trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Để hỗ trợ diêm dân bám đồng, năm 2010, tỉnh đã có chủ trương đầu tư hơn 30 tỉ đồng vào cải tạo đồng muối. Đồng thời, hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngay trên địa bàn các địa phương làm muối để giải quyết nhu cầu việc làm cho bà con diêm dân. Tuy nhiên như đã nói ở trên, để tìm hướng đi khả dĩ nhất cho các vùng muối tại Thanh Hóa vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Mặc cho lão và vợ năn nỉ đến khản giọng, thằng con út vẫn quyết chí theo đám bạn cùng trang lứa trong làng, vào Nam làm thuê. Chúng bỏ làng, bỏ cái nghề khốn khổ đã gắn bó với chúng từ khi còn trong trứng nước. Cũng không trách bọn trẻ được, đang tuổi ăn, tuổi chơi mà bắt chúng suốt ngày cứ phải cắm mặt vào ruộng muối từ tinh mơ đến lúc gà lên chuồng, công cán thì chẳng bỏ bèn, chân tay đứa nào cũng nứt toác, xám xịt, tóc, da cháy khét màu nắng… Cái nắng bỏng rát, mặn chát của đồng muối đã ám thấu vào da thịt, ám cả vào cuộc đời dân làng này tự kiếp nào, dầu chúng có may mắn thoát khỏi phận diêm dân thì cũng chưa chắc có tắm sạch hết cái màu xin xỉn ấy. Đời lão cam phận đã đành, chúng chịu sao được!

Trong cơn ngái ngủ, tôi theo chân lão bước thấp bước cao ra đồng muối Tam Hòa (thuộc xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) lúc mặt trời còn nhập nhèm chưa tỏ mặt người. Bầu trời trong vắt không gợn mây, báo hiệu một ngày nắng chói chang. Trên con đường dẫn vào đồng là những kho muối lụp xụp, cũ nát, tróc lở, những ụ cát im lìm xếp hàng, thưa thớt vài người đang uể oải xúc những xẻng cát nặng nề rải lên mặt ruộng khiến đồng muối càng trở nên tiêu điều, hoang vắng. "Cách đây chỉ ít năm, vào những ngày nắng đẹp như vầy, đồng muối đông vui, tấp nập lắm! Nếu trước kia làng mười phần làm muối thì nay chỉ còn phân nửa. Làm muối cực, thu nhập thấp nên dân làng đang nhạt dần và bỏ đồng, dầu đó là nghề tổ truyền!”, lão thở dài nói với tôi rồi khom lưng xúc cát rải đều lên phần ruộng của mình.

Nhà lão có cả thảy 7 khẩu, làm hơn 1 sào muối, chia đều làm 7 phần. Khi đứa con cuối cùng cũng dứt áo vào Nam tìm kế sinh nhai thì cũng là lúc nhà chỉ còn lại lão và bà vợ bị tật ở đầu gối do một lần gặp tai nạn. Thấy nhà bên bỏ ruộng, lão tiếc rẻ nhận thêm 5 phần để mong cải thiện thu nhập. "Biết là vất đấy nhưng cậu bảo không làm thì lấy gì để đút vào mồm những ngày mưa thâm, gió bấc không thể ra đồng?! Với lại, nghề muối gắn với chúng tôi từ khi còn chập chững, giờ nhìn ruộng hoang xót lắm, bỏ không đành!”, lão buồn bã đưa bàn tay nứt nẻ, thô ráp quệt những dòng mồ hôi đang chảy dài từ khuôn mặt khắc khổ xuống ngực áo đã bết lại bạc thếch, như phân bua.

Theo cách tính toán của lão, với giá muối năm nay dao động từ 1.800 - 2.000 đồng/1kg, cả ngày hai ông bà làm quần quật từ tinh mơ đến tối mịt thì cũng cho thu nhập từ 150 - 160 nghìn đồng. Nhưng cái khó là nghề muối ở vùng này chỉ kéo dài từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 9 hàng năm, còn lại, diêm dân lại rơi vào khoảng "nông nhàn”. Nếu đem sản lượng cả năm chia thì bình quân, người làm muối chỉ thu nhập được khoảng từ 20 - 25 nghìn đồng cho một ngày công lao động cật lực. Đưa tay nhón một hạt muối bỏ vào miệng nhấm, lão bảo: "Cậu tính, trong tay không tấc đất nông nghiệp, không nghề phụ, mà thời buổi này bước chân ra đường là phải tiền. Gạo, mớ rau, con cá, mọi nhu yếu phẩm, đám xá đều phải tiền thế thì diêm dân như chúng tôi sống cách nào!? khó lắm! Nhiều khi cũng mong con cái làm ăn khấm khá, gửi tiền về trợ cấp cho bố mẹ rồi bỏ quách cái nghề cực nhọc này đi nhưng chúng nó làm còn chả đủ ăn, lấy gì mà cho bố mẹ!”, lão nói với tôi mà giống như đang oán trách đồng muối. Tôi im lặng, đáp lại lời lão chỉ có tiếng gió đuổi nhau ràn rạt qua từng ô ruộng đem theo vị chát mặn của biển.

Tôi biết, miệng nói vậy nhưng trong sâu thẳm, lão không đang tâm bỏ đi cái nghề đã nuôi lớn lão và biết bao thế hệ ở cái làng Tam Hòa này. "Muối mặn, gừng cay”, với lão đời muối, đời người. 

Ai cứu diêm dân?

Là người sinh ra tại vùng muối, ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: Thực ra những khó khăn của bà con diêm dân chính quyền biết cả, nhưng biết đấy mà không có cách nào để tháo gỡ. Hiện nay trên vùng muối Hòa Lộc có hơn 83 ha đất đồng muối, sản lượng hàng năm dao động từ 4 - 5 nghìn tấn. Tuy nhiên, HTX ở đây chỉ bao tiêu được khoảng 1 nghìn tấn, số còn lại thì người dân mạnh ai nấy bán. Do đầu ra bấp bênh, giá muối lên xuống như thủy triều, lao động lại vất vả nên người dân đang rục rịch bỏ nghề. Số lao động còn đánh đu với nghề muối chủ yếu là người già và trẻ em.

Theo ông Mạc, để hỗ trợ bà con diêm dân yên tâm sống giữ nghề muối, khoảng năm 2007, chính quyền xã đã từng đưa nghề thủ công mỹ nghệ như thêu ren, móc hộp xuất khẩu vào để giải quyết khoảng thời gian dôi dư trong năm của bà con nhưng dự án này cũng "chết yểu” ngay từ khi mới bắt đầu do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trước những khó khăn này, huyện cũng đã đầu tư hơn 13 tỉ đồng làm đường giao thông nối từ thị trấn Hậu Lộc xuống tận cảng cá Hòa Lộc để "trải thảm” "kích cầu” kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, thu hút lao động tại chỗ nhưng vì những khó khăn đặc trưng của địa phương, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám "bén mảng” đến đặt vấn đề.

- Hỗ trợ bà con diêm dân thực ra thì cũng có đấy. Vừa rồi chúng tôi đã lên phương án chuyển hơn 1 ha đất làm muối sang nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời, tỉnh, huyện cũng đã phê duyệt dự án thu hẹp 21 ha đất làm muối để hình thành cụm công nghiệp trên địa bàn, chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong độ tuổi lao động của xã thế nhưng cái khó ở đây là: để dự án này đi vào hoạt động thì cũng phải mất đến… 10 năm nữa! Cách duy nhất để động viên bà con duy trì sản xuất, giữ nghề hiện nay của xã là tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Nói chung là để giải bài toán ai cứu diêm dân như chú vừa nói là khó, rất khó!, ông Mạc không nén được tiếng thở dài cho hay.

Đem câu hỏi "Vậy ai sẽ cứu diêm dân?” đến cấp cao hơn, tôi được ông Hồ Sĩ Thanh, Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh từng đề ra nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho bà con vùng sản xuất muối nhưng quay đi, quay lại đều vướng đủ thứ nên lại thôi. Sẽ rất khó khăn trong việc duy trì đồng muối. Tuy nhiên trong quy hoạch của toàn tỉnh có chủ trương vẫn phải giữ đồng muối, nghề muối. Biện pháp duy nhất đến nay tỉnh vẫn duy trì để kích cầu cho người dân làm muối là giao cho C.ty Thương mại miền núi và C.ty VISACO Thanh Hóa thu mua một phần trong số tổng sản lượng hàng năm của bà con diêm dân. 

"Cứ tình trạng này, sẽ chẳng ai cứu được đồng muối đâu cậu ạ! Tôi e, chỉ mai kia thôi, khi thế hệ chúng tôi qua đi, nghề muối Hòa Lộc cũng sẽ chỉ còn là quá khứ, kỷ niệm của một thời nhọc nhằn, khốn khổ!”, lão nhìn hút ra ruộng muối đang kết tinh lấp lóa dưới cái nắng bỏng rát rồi bật khóc. Tôi cũng nhấm một hạt muối, vị muối mặn chát nơi đầu lưỡi rồi tan nhanh vào khoang miệng. Chợt nhớ câu chuyện hồi đêm qua, lão kể với tôi: Trong giấc mơ, lão thấy đàn con của lão cùng trai tráng trong làng trở về bên đồng muối ngập nắng. Nhưng chúng về không phải để phụ lão và bà vợ già tật nguyền chở những xe muối lặc lè mà chúng về là để khuyên lão và dân làng bỏ phứt đi cái nghề cực nhọc, khốn khổ này. Lão muốn nói với chúng rằng, hãy quay về, dầu gì đi nữa thì cũng phải giữ lấy nghề tổ truyền.

Bài 3: Khó chồng lên khó
Theo:daidoanket.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.493.367
Tổng truy cập: