TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
“Thắp lửa” cho làng thổ cẩm
(Ngày đăng: 25/06/2014   Lượt xem: 315)

Đến xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hỏi bà Lan, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Zơra, mọi người đều vui vẻ chỉ đường. Bà Lan ở gần nhà dệt và nhà trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của HTX…

Thắc mắc vì cái tên Nguyễn Thị Kim Lan của bà không hề Cơ Tu tí nào, mới hay người phụ nữ này có hai dòng máu Kinh và Cơ Tu chảy trong người. “Bà Lan rất tâm huyết với dệt thổ cẩm, từ đầu những năm 2000, khi HTX dệt mới được thành lập. Hễ có đoàn khách đến tham quan là bà bỏ hết công việc, vui vẻ dẫn đoàn đi khắp làng. Bà thường động viên chị em duy trì dệt thổ cẩm để giữ lấy làng nghề truyền thống!”, ông Pơ Loong Hải, cán bộ phụ trách Văn hóa xã Tà Bhinh, huyện Nam Giang cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm Zơra.

Bà Lan kể: “Ban đầu, tuy được tổ chức FIDR (Cứu trợ và Phát triển quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ về vốn, thị trường, mẫu mã sản phẩm, nhưng việc duy trì nghề dệt rất khó khăn. Lúc ấy HTX chỉ có khoảng 20 chị em. Mấy năm liền chỉ biết dệt ra sản phẩm mà không có thu nhập vì chưa tìm được thị trường. Tới năm 2005 bắt đầu có thu nhập, được chừng trăm nghìn một tháng”. Hiện nay, HTX dệt thổ cẩm do bà làm Chủ nhiệm có 43 thành viên, khá nhiều em gái nhỏ theo học dệt, với chừng 50 loại sản phẩm như ba-lô, túi xách, khố… “Mỗi tuần chị em làm việc ở nhà dệt 3 ngày, hoặc tự dệt những lúc nhàn rỗi, thu nhập từ việc dệt khoảng 350.000 đồng/tháng”, bà Lan cho biết.

Dù thu nhập chưa cao, nhưng vì khát khao muốn khôi phục làng nghề truyền thống, giữ lấy nét đẹp văn hóa, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, bà Lan và những thành viên của HTX luôn cần mẫn, tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi để dệt và truyền nghề cho lớp trẻ. Điểm đặc sắc trong thổ cẩm của người Cơ Tu là các hạt cườm trang trí được dệt hẳn vào sợi chỉ. Công đoạn này khó. Vì thế thổ cẩm của người Cơ Tu không thể dùng máy mà dệt bằng tay nên năng suất thấp, tốn nhiều công, giá thành sản phẩm khá cao. Những sản phẩm dệt của HTX có giá bán thấp nhất 30.000 đồng, đối với những sản phẩm phức tạp có khi phải dệt cả tháng, giá bán gần 2 triệu đồng. Hằng năm, HTX dệt thổ cẩm tham gia các cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Hiện các mặt hàng thổ cẩm được bán ngay tại nhà trưng bày, bán cho nhà buôn từ Hà Nội vào, kí gửi đại lí ở Đà Nẵng, ngoài ra còn phục vụ du lịch…

Dù trời nhá nhem tối, nhưng bà Zơ Râm Rêm, một xã viên cao tuổi của HTX có thâm niên 40 năm trong nghề, vẫn miệt mài ngồi dệt. Thấy chúng tôi, bà mỉm cười thân thiện, nhưng cũng không quên phàn nàn rằng, nhiều người trẻ bây giờ không quan tâm tới dệt thổ cẩm truyền thống, không quan tâm tới những giá trị văn hóa của dân tộc Cơ Tu mình. Hỏi về tương lai của HTX dệt thổ cẩm, bà Lan trầm ngâm: “FIDR đã ngừng hỗ trợ từ năm 2012, HTX dệt phải tự mình tồn tại và phát triển. Hiện không dám mở rộng HTX vì thiếu đầu ra!”.

Để phát triển làng nghề truyền thống đặc biệt này, cần nhiều hơn nữa những chính sách ưu đãi của Nhà nước và chính quyền địa phương, không chỉ giữ cho làng nghề tồn tại, mà còn gìn giữ nét văn hóa độc đáo cho muôn đời sau.

                                                                                              Theo: nguoicaotuoi.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.490.944
Tổng truy cập: