TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Thừa Thiên – Huế: Vượt khó bám biển giữ “lửa nghề” truyền thống
(Ngày đăng: 12/06/2014   Lượt xem: 317)




Giữa cái nắng chói chang của một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi về khu tái định cư (TĐC) Phú Hải, thuộc xã Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Bên trong ngôi nhà cấp 4 khang trang mới xây còn chưa được sơn quét, ngư dân Trần Cu (38 tuổi) ngồi vá lại tấm lưới và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vượt khó bám biển của mình.

Theo lời anh Cu, ngôi làng cũ của gia đình anh nằm sát bờ biển ở thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải. Sau nhiều năm bị biển xâm thực, cuối mùa lũ năm 2010, ngôi nhà do vợ chồng anh tích cóp tiền xây dựng đã bị sóng biển cuốn trôi. “Sau khi nhà bị biển “nuốt”, được Nhà nước hỗ trợ 14,5 triệu đồng và chính quyền địa phương cho đất xây nhà tại khu TĐC nên vợ chồng tui yên tâm làm nghề đi biển để nuôi 3 con ăn học. Về đây ở, tui không còn lo chuyện biển xâm thực, sạt lở như trước...”, anh Cu trải lòng.

Dù cuộc sống ở khu TĐC còn nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Trần Cu không có ý định bỏ nghề đi biển. Tâm sự với chúng tôi khi nhắc đến chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh Cu bức xúc: “Nói thật với chú chứ tui cũng mong một lần được đi trên con tàu lớn để ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên tàu cá 150 mã lực của vợ chồng tui chỉ đánh bắt ở gần bờ. Năm tới, vợ chồng tui sẽ phấn đấu đóng mới con tàu công suất lớn để ra Hoàng Sa... Mình là ngư dân mà, có chi phải sợ!”.

Cạnh nhà anh Cu là căn nhà của vợ chồng cựu chiến binh Trần Vĩnh Nia (70 tuổi), một trong những hộ dân chuyển về khu TĐC này sớm nhất. Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả do phải chuyển về sinh sống ở khu vực cách xa trung tâm xã nhưng ông Nia vẫn luôn động viên 3 người con trai mình cố gắng bám biển để giữ “lửa nghề” mà cha ông truyền lại. “Gia đình tui đã có 4 đời đi biển, chẳng lẽ giờ thấy đi biển khó khăn do bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm va thì mình lại bỏ biển. Như rứa làm răng xứng với lời căn dặn bám biển của tổ tiên truyền lại được”. Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho hay, sau gần 4 năm chuyển về khu TĐC mới, hiện trên 50 hộ dân ở khu TĐC Phú Hải đã có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển nhờ nỗ lực bám biển mưu sinh. Đặc biệt, hiện toàn xã có gần 100 tàu cá công suất từ 92 đến 360CV chuyên đánh bắt xa bờ. Trong đó, không ít hộ dân ở khu TĐC Phú Hải đã đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.


Ngư dân ở khu TĐC Phú Hải vá lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi bám biển.

Nằm cách xã Phú Hải chừng 5 cây số về phía Bắc, làng Rồng (thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) - do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên, với gần 70 hộ dân ở thôn Hải Thành cũ chuyển về sinh sống sau trận đại hồng thủy năm 1999,  nay đã có cuộc sống ổn định và giàu có nhờ sự quyết tâm và lòng đoàn kết bám biển. Ông Lê Minh, Trưởng làng Rồng cho hay, sau trận lũ lớn quét sạch mọi thứ ở ngôi làng cũ Hải Thành năm ấy, may nhờ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng 64 căn nhà cho 64 hộ dân ở làng Rồng nên bà con ngư dân mới có cơ hội làm lại từ đầu để can trường bám biển đến tận hôm nay. Hiện làng Rồng đã có trên 25 chiếc tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Ngoài hiệu quả kinh tế từ thu lợi hải sản thì các tàu lớn còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều thanh niên, trai tráng trong thôn. Nhờ thế nên sau nhiều năm đi biển, hiện một số ngư dân ở làng Rồng đã trở nên giàu có với thu nhập vài ba trăm triệu mỗi năm...

Trước lúc chia tay tôi để ra cảng Thừa Thiên - Huế chuẩn bị cho một chuyến ra khơi tiếp theo, ngư dân Trần Văn Thới (45 tuổi, trú ở làng Rồng) không quên chia sẻ: “Nghề đi biển càng ngày càng khó, nhất là trong thời điểm Trung Quốc có nhiều hành động ngang ngược để cản trở ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Thế nhưng, có khó có khổ đến mấy thì ngư dân làng Rồng vẫn quyết bám biển đến cùng, trên hết là để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và để giữ cái nghề truyền thống do cha ông để lại. Có như thế mới không có tội với tiền nhân và không hổ thẹn với con cháu của mình…”

                                                                                                  Theo: cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.494.477
Tổng truy cập: