TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
BÀI DỰ THI "TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI''. Vướng mắc về quy hoạch lại quỹ đất tại các làng nghề ở Thường Tín
(Ngày đăng: 12/06/2014   Lượt xem: 622)

Nhà ở cũng là xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vạn Điểm, Thường Tín (Hà Nội).
Nhà ở cũng là xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vạn Điểm, Thường Tín (Hà Nội).

Thường Tín là huyện cửa ngõ phía nam TP Hà Nội, được đánh giá thực hiện tương đối đồng bộ chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều làng nghề cùng phát triển, kết hợp với sản xuất nông nghiệp, cho nên việc quy hoạch lại quỹ đất gặp khó khăn. Vì vậy mục tiêu từ nay đến năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí tại nhiều xã xem ra còn lắm gian nan.

"Lực bất tòng tâm"

Đề án xây dựng NTM của UBND xã Vạn Điểm được UBND huyện Thường Tín và TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2011. Trong hai năm 2012-2013 về cơ bản xã đạt 11 tiêu chí. Kết quả bước đầu khả quan khiến nhiều người cho rằng chẳng mấy chốc Vạn Điểm sẽ cán đích 19 tiêu chí. Thế nhưng khi công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) cơ bản hoàn thành thì hai phần ba số thôn trong xã xuất hiện một số vướng mắc trong quy hoạch lại quỹ đất. Do là xã có làng nghề gỗ truyền thống cho nên phần lớn các hộ dân đều sống bằng nghề, chưa kể thường xuyên có khoảng 3.000 lao động tại các địa phương lân cận làm thuê tại các cơ sở sản xuất dẫn đến mật độ dân số tăng cao, ảnh hưởng không tốt đến môi trường và cảnh quan làng nghề.

Dẫn chúng tôi ra xem những bãi gỗ phế thải đổ ngổn ngang ven đường quốc lộ, đường thôn, ngõ, xóm và những mương nước đổi mầu, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà không khỏi lo lắng: Để giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm môi trường, xã đã xây dựng đề án quy hoạch lại làng nghề, đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư với diện tích lên đến 4.000 ha từ năm 2009, nhưng đến nay... vẫn giậm chân tại chỗ do không thể bố trí được quỹ đất.

Không chỉ có làng nghề gỗ Vạn Điểm gặp khó khăn về quỹ đất để quy hoạch sản xuất làng nghề, xã Quất Động cũng gặp những khó khăn tương tự. Hiện xã có tám làng nghề thêu truyền thống với gần 20% số dân sống bằng nghề. Mặc dù nghề thêu không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng vấn đề quy hoạch sản xuất, xây dựng quỹ đất để thực hiện tiêu chí về giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi như: nhà văn hóa cộng đồng, các công trình thủy lợi, và đặc biệt công tác DĐĐT hiện đang gặp nhiều vướng mắc do người dân không tự nguyện hiến đất và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo thống kê của UBND xã, hiện Quất Động mới đạt 8 trong số 19 tiêu chí. Vì vậy để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, xã đang nỗ lực thực hiện kế hoạch 71/KH-UBND của huyện về chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất xen kẹt thành đất ở trong khu dân cư để lấy kinh phí cho chương trình.

Gỡ khó cho làng nghề

Đề án đưa làng nghề ra khỏi khu dân cư là một trong những chủ trương của TP Hà Nội nói riêng và phong trào xây dựng NTM nói chung nhằm giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, từng bước quy hoạch, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông nghiệp song song với hoạt động làng nghề, cho nên việc bố trí lại quỹ đất trở thành vấn đề nan giải. Tại Báo cáo tổng kết ba năm xây dựng NTM của TP Hà Nội đến nay, toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được 73.337,59 trong số 76.365,07 ha, bằng 96,04% kế hoạch. Sau khi DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn từ một đến hai ô, thửa, cá biệt còn một số hộ có ba ô; đã có 1.404 ha diện tích đất dôi dư tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có quỹ đất quy hoạch các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi của địa phương. Đây là hướng đi đúng, nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của các làng nghề, do đó tiến độ xây dựng NTM vẫn còn chậm vì nhiều xã có làng nghề truyền thống chưa giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công tác DĐĐT bước đầu đã cho kết quả tốt như hình thành nên những vùng chuyên canh trồng rau an toàn tại Gia Lâm, vùng trồng hoa tại Mê Linh rất hiệu quả. Từ đó cho thấy xây dựng NTM cần linh hoạt, đối với những làng nghề, cần mạnh dạn chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp, để hình thành những khu quy hoạch làng nghề nhằm từng bước đưa sản xuất ra khỏi khu dân cư, từ đó thúc đẩy sản xuất và xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, Phòng Tuyên truyền của xã cho biết: Cái khó của địa phương không chỉ là việc chưa cân đối được giữa sản xuất làng nghề và sản xuất nông nghiệp mà còn do trình độ cán bộ trong ban chỉ đạo xây dựng NTM còn hạn chế. Do đó, Quất Động chưa tạo được bước đột phá về kinh tế dẫn đến nguồn lực cho xây dựng NTM thấp.

Trăn trở của anh Tiến cũng là tâm tư của không ít cán bộ các xã hiện có làng nghề truyền thống. Theo các chuyên gia kinh tế, hơn lúc nào hết cần có cuộc dịch chuyển trong lao động nông thôn, tìm đầu ra cho sản phẩm để người dân làng nghề sống được với nghề. Và nếu biết phát huy hiệu quả nghề truyền thống, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng tiến độ đề ra.

                                                                                       Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.495.438
Tổng truy cập: