TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Hồi sinh tranh Làng Sình
(Ngày đăng: 06/06/2014   Lượt xem: 674)

Không đành lòng để tranh Làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị xóa sổ, có một người nhiều đêm đào hầm cất giấu những bản khắc tranh Làng Sình. Để khi mọi chuyện qua đi, ông từng bước gây dựng, khôi phục nghề tranh ngỡ là đã mất. Đó là nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người cuối cùng nắm giữ những bí kíp làm tranh Làng Sình…

 Làng Lại Ân nằm ngay Ngã ba Sình, nên có tên Làng Sình, loại tranh giấy mà họ làm ra được gọi là tranh Làng Sình. Tranh Làng Sình có thể sánh với các dòng tranh dân gian miền Bắc như Đông Hồ, Hàng Trống… một thời lưu hành khắp vùng Thuận Quảng. Tranh Làng Sình là loại mộc bản, song tính thẩm mĩ được thể hiện qua chất liệu màu sắc, bố cục, đường nét. Nội dung thể hiện những nét sinh hoạt, quan niệm của con người trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử và văn hóa. Trong suốt chặng đường tồn tại, tranh Làng Sình trải không ít thăng trầm…

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

                                          Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, 65 tuổi, nhưng có gần 60 năm làm tranh. Ông là hậu duệ đời thứ chín của một gia đình cha truyền con nối đã tồn tại 500 năm ở Ngã ba Sình. Những năm 70 của thế kỉ trước, người ta nói tranh Làng Sình phục vụ cho mê tín dị đoan nên cấm. Thời điểm ấy, cả làng hò nhau chẻ khuôn mang đốt… Không đành lòng nhìn vốn quý của cha ông bị hủy hoại do những suy nghĩ thiển cận, ông Phước âm thầm đào hầm cất giấu tất cả những khuôn quý. Đêm đêm ông xuống hầm, thắp đèn dầu để in tranh lén lút đem bán những vùng chợ xa. Sau này, đất nước mở cửa, ông Phước cũng là người tiên phong tìm lối thoát cho tranh Làng Sình. Ông gõ cửa từng nhà trong làng, thuyết phục bà con quay lại với nghề. Không có khuôn, ông ngồi khắc lại bản mộc cho dân làng mượn. Bỏ nhiều công sức để tranh Làng Sình hồi sinh, bởi ông nghĩ: “Không nhẽ đến đời tôi nghề làm tranh của tổ tiên bị lụi tàn”.

Người làng gọi ông là nghệ nhân Công Kỳ Hữu Phước. Chữ “Công” ở đây hàm ý nói ông là người có công phục dựng nghề tranh. Năm 2008, ông Kỳ Hữu Phước được tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”. Ông cho biết: “Tranh Làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn”. Trước kia tranh Làng Sình hoàn toàn sử dụng giấy dó, màu tự tạo từ các loại lá, hạt, bột gạch và vỏ của những con sò điệp. Nhưng nay, để tiện và đỡ tốn kém, những người làm nghề đã chuyển sang sử dụng giấy và phẩm màu công nghiệp. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với nguyên vật liệu cổ truyền là giấy dó và màu tự nhiên. Bởi theo ông: “Đó là tinh hoa của nghề tranh nên phải giữ lấy”.

Nhu cầu của xã hội ngày càng thay đổi, nếu tranh vẽ theo lối mòn, thể hiện những đề tài cũ thì khó trụ lâu dài, ngoài dòng tranh thờ, người yêu tranh cũng rất quan tâm đến tranh trang trí, tranh treo tường… Ông Phước tìm cách phát triển, ấp ủ ý tưởng đưa hình ảnh ngày hội làng với rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, hội vật, hát bài chòi, kéo co… lên tranh. Đến khi làng mở hội, ông chăm chú quan sát, rồi cặm cụi vẽ lại và phác thảo trên bản khắc gỗ… Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, làng hiện nay có 40 gia đình làm tranh đủ cho nhu cầu thị hiếu người yêu dòng tranh này.

Tuy nhiên, ông Phước vẫn không hết băn khoăn: “Tranh Làng Sình đã được khôi phục nhưng vẫn chỉ có mình tôi làm được các bản khắc gỗ. Nhưng giờ tôi đã nhiều tuổi rồi, không có ai theo nghề thì e rằng sớm muộn sẽ thất truyền”. Ba năm trở lại đây, ông cất công tìm học trò để truyền dạy nghề khắc bản mộc. Đã có hai học trò rất yêu nghề, có tố chất và bước đầu nắm bắt được những kĩ thuật cơ bản để làm ra các bản khắc gỗ tranh. Với ông, đó là niềm vui không gì sánh bằng.

                                                                                                     Theo: Người cao tuổi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.490.851
Tổng truy cập: