TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Mỗi thợ đóng tàu là một người lính giữ biển
(Ngày đăng: 05/06/2014   Lượt xem: 358)
Bất chấp những căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, những ngày này, ngư dân tỉnh Quảng Nam đua nhau đóng tàu mới, với khí thế quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống của mình. Đồng hành với không khí sôi sục ấy, làng nghề sửa chữa, đóng tàu truyền thống Tân Phú (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) cũng dốc sức, đáp ứng nhu cầu của ngư dân bằng tinh thần "mỗi người thợ đóng tàu là một người lính giữ biển".
"Lên khung" cho một con tàu cỡ trung.

Chìm nổi nghề đóng tàu cá ở Tân Phú

Trong những ngày cuối cùng của tháng 5 năm 2014, những người thợ ở cơ sở đóng tàu, thuyền của ông Trần Trọng đang "trần mình" lao động cật lực để chạy đua với thời gian, nhằm hoàn tất đơn hàng đóng mới 6 phương tiện công suất lớn cho khách hàng. Theo ông Trọng, chiếc tàu "bé" nhất mà cơ sở ông nhận đóng trong thời gian vừa qua có chiều dài gần 17m, chiều rộng 4,3m, lắp máy công suất 250CV, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. "Phong trào đóng tàu mới của ngư dân Quảng Nam "phát" mạnh từ Tết đến giờ. Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, số tàu cá được đặt hàng đóng mới tại các cơ sở đóng tàu, thuyền của xã Tam Phú tăng đột biến. Hầu hết khách hàng đều đặt đóng tàu cỡ trung cho đến cỡ lớn..." - Ông Trọng hào hứng khoe.

Nói về nghề đóng tàu, thuyền truyền thống của quê hương mình, ông Trọng cho chúng tôi biết, ông chính là con cụ Trần Bến, người đã cùng với bạn nghề chí cốt của mình là cụ Phạm Tiễn khai sinh ra làng nghề Tân Phú bây giờ. Cách đây gần 100 năm, khi từ vùng Tam Tiến (huyện Núi Thành) vào đây lập nghiệp, hai cụ đi khắp nơi để hành nghề sửa thuyền, bè cho người dân. Có ít vốn, họ chia nhau ra dọc bờ sông Bàn Thạch để "cắm dùi", từ đó truyền nghề cho con cháu. Vài chục năm về sau, nghề đóng tàu, có lúc lên đến hàng chục cơ sở lớn, nhỏ. Chia sẻ với chúng tôi về cái nghề "kỹ sư không bằng cấp" này, ông Trọng tâm sự: "Tui là chủ cơ sở đóng tàu, thuyền nhưng cũng là một người thợ đích thực. Bận rộn lắm"!

Nói đoạn, ông lau vội mặt bàn bám đầy mùn cưa, rót trà mời khách. Ly trà ấm nóng làm cho câu chuyện ngư dân tỉnh Quảng Nam đua nhau đóng tàu mới, với khí thế quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống của mình, thêm chân thực và sống động, cuốn hút. Ông Trọng bảo, gắn bó với nghề truyền thống của ông cha từ khi tóc còn để chỏm, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít. Trước giải phóng, làng nghề Tân Phú được ngư dân từ đảo Lý Sơn, Sa Huỳnh, Núi Thành, Thăng Bình và các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... xem là "bạn hàng ruột".

Nhờ vậy, dọc bến sông Bàn Thạch, không khí làm việc lúc nào cũng tấp nập, hối hả. Thế nhưng làng nghề cũng phải trải qua những bước thăng trầm. Ai đời, sinh ra, lớn lên và thạo nghề giữa làng đóng tàu danh tiếng mà nhiều thợ lành nghề phải chịu cảnh "đói dài". "Nói đâu xa, những năm 2000-2005, nghề đóng tàu, thuyền ở đây như đi vào ngõ cụt do nghề đánh bắt trên biển làm ăn sa sút, nhiên liệu lại liên tục tăng vùn vụt, nên chuyến biển nào ngư dân cũng bị lỗ "chỏng gọng". Nghề đóng tàu cá theo đó cũng sa sút theo. Dăm năm trở lại đây, tình hình có khá hơn, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Thời gian này, sức sống của làng nghề được hồi sinh, tôi rất vui. Niềm vui đó càng nhân lên khi làng nghề có cơ hội góp sức cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của đất nước" - Ông Trọng tâm sự.

Chạy nước rút để tham gia bảo vệ chủ quyền

Những ngày này, ở làng Tân Phú, những người thợ đang say sưa với từng công đoạn đóng mới tàu cá. Từng tốp thợ chia nhau xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt. Qua quan sát và tìm hiểu, chúng tôi được biết, thợ đóng tàu cá cơ bản vẫn là thợ mộc, thế nhưng không phải thợ mộc nào cũng có thể làm thợ đóng tàu.

Tiết lộ với chúng tôi về bí quyết nghề, anh Trần Văn Trung, một thợ đóng tàu có thâm niên ở Tân Phú cho biết: "Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không làm thủ công hoàn toàn như trước, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của những con tàu cá, người thợ vẫn phải nắm được những kỹ thuật truyền thống. Chẳng hạn, công đoạn hơ ván gỗ trên lửa để uốn cho vừa với khung sườn tàu, chỉ có những thợ có kinh nghiệm mới làm được...".

Cũng theo anh Trung, nghề đóng tàu cá luôn phải đối mặt với vất vả, nặng nhọc, nhưng bù lại cho thu nhập cao. Trong quá trình thi công, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật được người thợ cả giám sát rất khắt khe. Từng chi tiết dù nhỏ nhất trên thân, vỏ tàu đều phải quan tâm, chú ý để sau khi hạ thủy, tàu phải đảm bảo mức độ an toàn, cân bằng, lướt nước nhẹ nhàng, không bị nghiêng lệch. Do luôn chú trọng về kỹ thuật và độ bền vật liệu đến mức tối đa, nên những con tàu do những cơ sở đóng tàu ở Tân Phú làm ra được ngư dân rất ưa chuộng.

Thời gian từ ngoài Tết âm lịch trở lại đây, nghề đánh bắt khơi xa làm ăn đạt hiệu quả cao, thêm vào đó, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp sức nên thị trường tàu cá đã khởi sắc. "Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân nườm nượp đầu tư đóng tàu mới để làm ăn, kết hợp bảo vệ ngư trường truyền thống. Chúng tôi cũng rất tự hào vì được góp sức cùng ngư dân giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc" - Anh Trung tự hào.

Một con tàu mới đã thành hình.

Tiếp lời anh Trung, ông Trần Ngọc Hoàng, chủ doanh nghiệp đóng tàu Hà Tiên Khôi, phấn khởi cho chúng tôi biết, trước hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc ngoài Biển Đông, ngư dân Quảng Ngãi đang nuôi quyết tâm đầu tư phương tiện bám giữ ngư trường đánh bắt truyền thống. Nhờ vậy, các cơ sở đóng tàu cá ở Tân Phú nhanh chóng quay lại thuở vàng son. "Chưa năm nào làng nghề có nhiều đơn đặt hàng như thế này. Hiện có rất nhiều tàu đang thi công gấp rút, phương tiện lớn nhất có công suất 450CV, nhỏ nhất là 250CV. Trước đây bình quân mỗi năm, doanh nghiệp của tui chỉ đóng trung bình 6 phương tiện, từ Tết Nguyên đán đến giờ đã đóng bằng con số đó. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để kịp giao tàu cho các khách hàng...".

Rời làng nghề đóng tàu Tân Phú khi màn đêm vừa ập xuống, ánh điện từ xưởng đóng tàu hắt loang loáng trên một khúc sông rộng lớn. Tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng hò kéo tàu hạ thủy xua tan bóng tối cô quạnh ở một vùng cửa biển. Đêm nay, lại một chiếc tàu cá lớn của làng nghề được khách hàng nhận bàn giao, để nhổ neo đạp sóng vươn đến Hoàng  Sa, Trường Sa. Trong những cái bắt tay thật chặt trước lúc tạm biệt, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của những người kiến tạo nên những con tàu, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Từ chỗ làm nghề chỉ để lo miếng cơm manh áo, nay mỗi người thợ ở làng nghề Tân Phú đã như một chiến sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo.

                                                                                              Theo: Báo Biên Phòng
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.490.791
Tổng truy cập: