TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Đồ gốm men: Dấu tích người Việt tại quần đảo Trường Sa
(Ngày đăng: 02/06/2014   Lượt xem: 745)

Tư liệu về địa tầng
Nhiều chứng cứ khoa học chứng tỏ sự hiện diện của người Việt Nam tại Trường Sa. Trong 2 đợt, Viện Khảo cổ học đã điều tra 6 đảo (Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Tốc Tan và Đá Tây) thám sát và khai quật trên 4 đảo (Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn) với tổng diện tích 183 m2.

Đất trên các đảo đều được hình thành bằng vụn san hô, có cấu tạo như sau: Dưới cùng là vụn san hô màu trắng không có dấu vết cư trú (sinh thổ); lớp giữa là vụn san hô lẫn phân chim, mùn thực vật có màu đen, tơi, xốp, hiện vật khảo cổ thường phát hiện ở lớp này; trên cùng là đất canh tác, một số đảo ở lớp này, ngoài vụn san hô, mùn thực vật, còn lẫn đất sét (mang từ đất liền ra để trồng cây xanh, rau...).

Trong 4 đảo được khai quật đều có tầng văn hóa là đất mùn màu đen, trong chứa hiện vật khảo cổ. Tuy nhiên, độ dày lớp văn hóa ở mỗi đảo khác nhau, từ 10 - 40 cm

Mũi ngói phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn.

Nhìn chung địa tầng trong các hố khai quật bị xáo trộn nặng nề. Quan sát những nơi còn tương đối ổn định, kết hợp với thống kê hiện vật có thể thấy được có 2 giai đoạn phát triển khác nhau. Giai đoạn sớm tương đương với các di tích của văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm, có niên đại khoảng một vài thế kỷ đầu Công nguyên. Giai đoạn muộn trong khoảng thời giai khá dài, từ thế kỷ 13 - 14 cho đến đầu thế kỷ 20.

Trên các đảo: Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, do quá trình bê tông hóa, hầu như không còn diện tích khai quật, nên chỉ điều tra, quan sát địa tầng qua các hố đào sẵn và thu nhặt hiện vật trên mặt đất.

Tư liệu về hiện vật

Tổng số hiện vật thu được trong 2 đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô: 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại: 236 hiện vật, chiếm 48,00%; đồ sành: 212 hiện vật, chiếm 42,57%; mũi ngói: 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn: 16 đồng, chiếm 3,21%.

Đồ gốm Men phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết.

*Gốm thô: Chỉ phát hiện được ở đảo Trường Sa Lớn, chủ yếu là các mảnh vỡ (30 mảnh), 1 chì lưới và 2 hiện vật hình con đỉa. Trong 30 mảnh gốm thô, có 24 mảnh màu xám, xốp, được làm từ đất sét pha cát, nên xương thô, nhẹ, độ nung chưa cao. So sánh với đồ gốm cùng loại thuộc thời đại Kim khí phát hiện trong các di chỉ ven biển miền Trung Việt Nam, thấy chúng rất giống nhau.

*Đồ gốm-sứ: 236 hiện vật, theo dòng men có thể chia thành các loại sau:

Men tro: 100 hiện vật, có niên đại và thuộc các dòng men sau:

- Thế kỷ 6 - 10: 10 hiện vật men tro màu xanh nhạt và 25 hiện vật men tro rạn do thời gian.

- Thế kỷ 13 - 15: 41 hiện vật, chủ yếu là bát, đĩa, được làm từ cao lanh, xương trắng, mỏng, được phủ ngoài men tro, màu lam vẽ dưới men. Đây là loại gốm sứ cao cấp.

- Thế kỷ 17 - 18: 24 hiện vật đều ở đảo Nam Yết, men tro màu trứng gà, trong lòng có dấu con kê, xương gốm dày, không trang trí hoa văn.

Men vàng chanh, thế kỷ 14 - 15: 13 mảnh ở đảo Nam Yết, trong lòng có dấu con kê, thân có hoa văn khắc chìm. Xương gốm dày, màu xám trắng, độ nung thấp, khoảng 800 - 900oC.

Gốm hoa lam thế kỷ 15 - 18: 80 hiện vật, phát hiện trong hố khai quật ở đảo Trường Sa Lớn, gồm các loại hình: bát, đĩa, cốc, chén. Xương gốm trắng, mỏng, nhẹ. Hoa văn trang trí chủ yếu là hoa dây,
cánh sen.

*Đồ sành: 212 hiện vật đều là các mảnh vỡ, trong đó: Trường Sa Lớn: 60 hiện vật; Nam Yết: 94 hiện vật và 58 hiện vật trong đợt II. Đồ sành gồm 2 loại: men da lươn: 17 hiện vật và không men 195 hiện vật.

*Mũi ngói: 1 mảnh, phát hiện trong hố khai quật đảo Trường Sa Lớn, màu nâu đỏ, chỉ còn phần mũi phẳng, cong tròn.

*Tiền kim loại: 16 đồng hình tròn, lỗ vuông, đều phát hiện trên đảo Song Tử Tây, thuộc tiền thời Minh Mạng và Tự Đức.

Như vậy, hiện vật phát hiện được trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có số lượng khá lớn, phong phú về loại hình và chất liệu.

Đồ gốm thô gần gũi với các di tích văn hóa Sa Huỳnh muộn (Sa Huỳnh, Động Cườm, Tăng Long...), Champa sớm (Trà Kiệu, Gò Cấm).

Sự có mặt liên tục của người Việt

Khảo cổ học đã tiến hành điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993 -1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999. Các đảo khác đều được điều tra và thu lượm hiện vật trên mặt. Những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trên đảo Trường Sa Lớn, chúng ta đã phát hiện được những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự như đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh - một văn hóa thời đại Sắt phân bố rộng ở đất liền, miền nam Trung Bộ, có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và văn hóa Dốc Chùa ở Nam Bộ. Những nghiên cứu khảo cổ học còn cho biết, trên đảo Palawan, một hòn đảo thuộc Philippines, gần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ học Philippines đã tìm thấy di tích văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có khuyên tai hai đầu thú. Văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philippines thì gốm Sa Huỳnh có mặt ở Trường Sa là hiển nhiên.

Cùng với gốm thô Sa Huỳnh, trên đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, chúng ta đã phát hiện được đồ gốm sứ Việt Nam thuộc các thế kỷ muộn hơn. Có thể thấy, đồ gốm sứ thuộc 2 giai đoạn: Trước thế kỷ 15 và sau thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Nhóm có niên đại trước thế kỷ 15, có đặc trưng là hoa văn khắc chìm dưới men. Men phủ bên ngoài có màu vàng chanh, trôn có bôi sôcôla. Nhóm có niên đại muộn, tập trung vào các thế kỷ 17 - 18, chủ yếu là sứ hoa lam, được làm từ cao lanh, bên ngoài phủ men tro, màu lam vẽ chìm dưới men.

Trên đảo Nam Yết, qua điều tra đã thu được 16 đồng tiền thời Nguyễn, có niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức. Sự có mặt của tiền kim loại thời Nguyễn trên đảo Nam Yết, rất phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục, viết năm 1776. Theo Lê Quý Đôn, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập những đội Hoàng Sa và Bắc Hải để đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn cũng như các đảo ở Hà Tiên để thu hải sản và các sản vật của những tàu đắm. Tuy nhiên, với các hiện vật thu được trong các hố khai quật ở Trường Sa, cho thấy sự có mặt của người Việt Nam trên các đảo này còn sớm hơn nhiều, ít ra là từ cuối thời Trần (Hà Văn Tấn 1999: 5 - 10).

Những tư liệu khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ góp phần khẳng định rằng, đã tìm thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển cả của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử. Những tư liệu này cũng hiển nhiên góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.

                                                                                                           Theo: Tin tức

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.488.265
Tổng truy cập: