TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Ngàn năm gốm, sứ Quảng Ninh
(Ngày đăng: 16/05/2014   Lượt xem: 924)



Bình gốm Hoàng Tân được coi là bảo vật quốc gia.

Nghề gốm ở Quảng Ninh phát triển cách đây trên 5.000 năm với sự ra đời của gốm Hạ Long - một trung tâm gốm tiền sử thuộc Đông Nam Châu Á; tiếp đến là gốm Bồ Chuyến, gốm Đầu Rằm (Hoàng Tân), gốm Hòn Hai - Cô Tiên, thuộc Thời đại Kim khí, với nhiều loại hình phong phú, độc đáo. Đặc biệt, trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Móng Cái đã trở thành một trung tâm sứ của Việt Nam với tên gọi là sứ Vạn Ninh – một dòng sứ nặng lửa, được làm từ đất sét trắng, pha thêm chất chảy từ đá cao lanh, thạch anh...

Theo các tài liệu nghiên cứu, trong Văn hoá Hạ Long thuộc Hậu kỳ đá mới, cách đây hơn 5.000 năm, vùng Cái Bèo - Hạ Long là một trong những trung tâm gốm sớm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Châu Á với đặc trưng riêng: gốm xốp, xương gốm pha vụn vỏ nhuyễn thể biển, văn đắp nổi hình chữ S, hình sóng nước; hoa văn ấn lưng sò, miệng sò chủ yếu được trang trí trên thân, miệng gốm.

Kỹ thuật làm gốm của cư dân Hạ Long đã phát triển đến đỉnh cao với phương pháp tạo dáng bằng bàn xoay kết hợp với phương pháp dùng bàn đập và dải cuộn.

Loại hình đồ gốm thuộc văn hoá Hạ Long phong phú đa dạng gồm các chủng loại đồ đựng: vò, âu, bình, bát, lọ, khay... với nhiều công dụng khác nhau. Gốm có nắp xuất hiện ở Ba Vũng, Xích Thổ, Ngọc Vừng, Đồng Mang chứng tỏ nhu cầu về đồ đựng và trình độ chế tác gốm của chủ nhân Hạ Long phát triển cao. Đồ dùng cho hoạt động tâm linh: Mâm bồng, bình, vò cao cổ, khay có thành cao được trang trí cầu kỳ.

Một trong những sản phẩm tiêu biểu của gốm sứ Móng Cái.  

Tiếp nối truyền thống của gốm Hạ Long, cư dân Việt cổ của Thời đại Kim khí ở Quảng Ninh xưa đã phát triển các loại gốm như gốm Bồ Chuyến, gốm Đầu Rằm, gốm Hòn Hai - Cô Tiên với loại hình sản phẩm phong phú, được trang trí bằng nhiều loại hình hoa văn độc đáo gồm các hoa văn kỷ hà như: đường chỉ dài, đường chấm dải, đường song song, đường gập khúc, chữ V lồng, hình tam giác, khuông nhạc, hình tròn, hình lá cây... và đặc biệt là hình S. Thủ pháp đối xứng luôn luôn được các nghệ nhân gốm sử dụng một cách vô cùng biến hoá để tạo ra nhiều loại hoa văn cầu kỳ, phức tạp và đầy biểu cảm về tự nhiên và con người.

Tiêu biểu cho gốm Tiền sử Quảng Ninh là chiếc bình gốm Hoàng Tân, với kỹ thuật đắp dải cuộn, vuốt, chải, phủ áo, miết láng bằng bàn xoay. Chiếc bình được tạo dáng như một chiếc gùi tre, chân đế vuông được chắp với thân bình hình tròn một cách khéo léo. Thân bình được chia thành 4 khổ đều nhau, được trang trí hoa văn hình chữ S, hình sinh thực khí nữ, khắc vạch theo đường kỷ hà. Đây được coi là bảo vật quốc gia về gốm tiền sử Việt Nam.

Trong giai đoạn I-III, IV – VI, gốm và đất nung vùng Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, Yên Hưng, vùng đảo Vân Đồn đã có sự phát triển mạnh mẽ, là một trung tâm gốm lớn hàng đầu Việt Nam trong giai đoạn này. Kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao, một số sản phẩm như tước chân cao, bát, vò nhỏ, chân đèn thuộc giai đoạn IV - VI... đã xuất hiện lớp men sơ khai, men chảy giọt.

Phát hiện rất quan trọng về lò gốm tại Tuần Châu đã chứng tỏ Quảng Ninh là một trung tâm gốm lớn giai đoạn Đại La (thế kỷ VII- IX). Đồ gốm ở lò Tuần Châu đã có sự phát triển nhảy vọt về chất lượng với kỹ thuật gốm sành xốp làm từ đất sét trắng, được pha thêm chất chảy như thạch anh làm tăng độ bám dính... nung với nhiệt độ 1100ºC - 1200ºC. Xương gốm đã bắt đầu chảy, bề mặt đã có lớp men. Đặc biệt, những nghệ nhân chế tác gốm ở Tuần Châu đã phát minh ra men ngọc - một loại men đỉnh cao trong lịch sử gốm sứ Việt Nam và thế giới.

Đồ gốm Tuần Châu đã được trao đổi trên nhiều địa bàn phía Bắc Việt Nam khi đó như Làng Cũ (Cát Bà, thành phố Hải Phòng), Yên Thế ( Bắc Giang), đặc biệt là ở Hà Nội: Chùa Bà Tấm (Gia Lâm), Hoa Lâm Viên (Đông Anh), Lại Đà, Long Tửu (Đông Hội, Đông Anh). Nhiều khả năng những sản phẩm này đã được xuất khẩu trên con đường tơ lụa trên biển thế kỷ VII–IX .

Cùng với gốm sứ, đất nung Quảng Ninh có sự phát triển mạnh mẽ do nhu cầu xây dựng các thiết chế tín ngưỡng tâm linh của đạo Phật như các loại gạch trang trí, gạch xây dựng, gạch lát nền, ngói mũi hài, ngói ống, lá đề, tượng uyên ương, tượng hạc, tượng rồng...

Năm 1149, Thương cảng Vân Đồn được thành lập đã tạo ra một bước thúc đẩy mới cho gốm sứ Quảng Ninh. Theo nghiên cứu, các sản phẩm đất nung và gốm, sứ đã được cư dân tự phát trao đổi ngay trong những năm đầu Công nguyên. Đến năm 1149, việc này mới được nhà nước phong kiến chính thức quản lý. Việc trao đổi gốm sứ của Việt Nam và nước ngoài ở Vân Đồn đã tạo ra cơ hội cho sự học tập, tiếp thu các kỹ thuật chế tác gốm sứ mới.

Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Móng Cái đã trở thành một trung tâm sứ của Việt Nam với tên gọi là sứ Vạn Ninh. Đây là loại sành trắng làm từ đất sét trắng vùng Vạn Ninh, được pha thêm chất chảy từ đá cao lanh, thạch anh làm tăng độ bám dính... nung với nhiệt độ 1250ºC– 1280ºC. Giai đoạn này men sứ vẫn giữ màu xanh nhạt, hoa văn trang trí phong phú với những chủ đề tự nhiên như tùng, cúc, trúc, mai, hoa–điểu, Bát Tiên, thiên hạ thái bình... xương sứ trắng, tạo dáng phong phú đa dạng. Sản phẩm của dòng sứ Móng Cái rất đa dạng, trong đó nổi bật các sản phẩm men trắng hoa lam cao cấp và đồ sành có kích thước lớn phục vụ sản xuất, đời sống như: bình, chóe, chum, ang lớn đựng được 200 – 300 lít, chậu, thống lớn với đường kính tới 1 mét.

Nhiều loại sản phẩm được xếp vào loại cao cấp, được sử dụng trong cung đình, gia đình quyền quý, giới thương gia. Sau năm 1954, sau khi Móng Cái được giải phóng, trên một chục lò sứ tập trung tại thị xã Móng Cái đã tiếp tục được duy trì. Có thời điểm sản lượng lên tới hàng chục triệu sản phẩm, chủ yếu là bát ăn cơm (năm 1977). Tuy nhiên sau này, đặc biệt sau chiến tranh biên giới năm 1979, nghề gốm sứ Móng Cái phai dần và mất hẳn. Nhiều sản phẩm sứ Móng Cái trở thành những cổ vật đang được ưa chuộng trên thị trường bởi giá cả hợp lý, nhưng vẫn đảm bảo các giá trị đặc trưng của đồ sứ cao cấp. Từ xa xưa, sứ Móng Cái đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, mà chủ yếu thông qua “con đường tơ lụa” trên biển. Nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng người Quảng Ngãi – ông Lâm Dũ Xênh – hiện có trong tay khá nhiều sản phẩm sứ Móng Cái đặc biệt quý hiếm, mà theo lời ông kể, là do chính người nhà ông đem về sau những chuyến chở nông sản ra vùng Đông Bắc bán. Những cổ vật đó của ông đã nhiều lần xuất hiện tại các cuộc triển lãm cổ vật tại Hạ Long.

Ngày nay, gốm sứ Đông Triều, sau gần 60 năm hình thành và phát triển, đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế và nội địa. Đây là dòng gốm sứ nặng lửa, nhiệt độ nung đạt tới 13000C. Hiện, cả huyện có khoảng 50 lò đang hoạt động, với đủ các dòng gốm dân dụng và mỹ nghệ.

                                                                                                                    Theo: Báo Lao Động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.416
Tổng truy cập: