TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số
(Ngày đăng: 16/05/2014   Lượt xem: 340)

Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam là một trong những hợp phần của Dự án do Chính phủ Luxembourg và tổ chức UNESCO tài trợ có tổng số tiền là 1,3 triệu USD với các đối tác gồm Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam thực hiện từ tháng 6-2011. Hiện dự án đã kết thúc giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 từ nay đến năm 2015.

Trong giai đoạn 2, mục tiêu quan trọng nhất của dự án là phát triển chuỗi giá trị, quảng bá các điểm du lịch sâu trong đất liền trên cơ sở dựa vào tiềm năng của cộng đồng để làm du lịch, đào tạo kỹ năng về du lịch…nhằm mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc. Ảnh: baolamdong.vn

Tại Quảng Nam, sau hơn 2 năm tham gia dự án, từ chỗ sản xuất mang tính tự cung tự cấp, xã Ta Lu, huyện Đông Giang đã thành lập được Hợp tác xã Dệt thổ cẩm. Xã viên của Hợp tác xã hầu hết là phụ nữ người Cơ Tu tại địa phương.

Chị Alăng Thị Hôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm cho biết: Hợp tác xã hiện có 44 người được chia thành 3 tổ gồm: tổ dệt, tổ quản lý và tổ may. Mỗi năm Hợp tác xã sản xuất được khoảng 3.000 sản phẩm. Sản phảm được tiêu thụ chủ yếu ở Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội và bán tại chỗ cho khách đến tham quan. Tuy nhiên do chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên việc sản xuất thổ cẩm của chị em trong Hợp tác xã cũng chỉ cầm chừng, nhiều khi sản xuất chỉ để phục vụ khách tham quan muốn tìm hiểu về quy trình sản xuất hàng thổ cẩm của người Cơ Tu. Do vậy, mong muốn của chị em trong Hợp tác xã là được Nhà nước hỗ trợ thêm để Hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất nhằm tăng thêm sản lượng sản xuất hàng năm tạo thu nhập nhiều hơn. Chị em cũng mong các cơ quan chuyên môn tìm thêm thị trường để sản phẩm thổ cẩm của người Cơ Tu ngày càng được tiêu thụ rộng rãi hơn.

Mục đích của dự án nhằm giảm nghèo thông qua các hoạt động tạo việc làm thường xuyên cho các đối tượng trong cộng đồng, nhất là phụ nữ. Do vậy ngoài kinh phí hỗ trợ của dự án, các thành viên của dự án gồm đại diện của Cơ quan Hợp tác phát triển thuộc Đại sứ quán Đại Công Quốc Luxembourg tại Việt Nam, đại diện tổ chức ILO, Điều phối viên quốc gia Dự án, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan của tỉnh Quảng Nam luôn có mặt ở làng Bhơ Hồông và Đhrôồng thuộc xã Ta Lu và xã Sông Kôn vùng cao huyện Đông Giang để tận tình hướng dẫn và định hướng sản xuất các mặt hàng truyền thống được thị trường ưu chuộng cho phụ nữ nơi đây làm theo.

Là một thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đến từ Bỉ, chị Avana tâm sự: “Giúp phụ nữ thoát nghèo bằng cách sản xuất và bán được sản phẩm truyền thống theo hướng thương mại là mục tiêu của dự án. Nếu được tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt, mỗi ngày phụ nữ nơi đây có thể kiếm được 20 USD. Tuy nhiên đây chỉ là nhóm sản xuất có quy mô nhỏ, sản phẩm chưa nhiều. Do đó chúng tôi muốn tổ chức ILO tiếp tục hỗ trợ kinh phí để dự án phát triển hơn nữa. Bản thân tôi xin tình nguyện tiếp tục ở lại đây để giúp đỡ chị em có việc làm ổn định để thoát nghèo”.

Còn bà Aurelie Klein, Tùy viên Hợp tác phát triển Đại sứ quán Đại Công Quốc Luxembourg tại Việt Nam cho biết: “Là đơn vị tài trợ chính cho dự án, chúng tôi rất vui khi thấy những gì chúng tôi hỗ trợ đã đem lại nụ cười cho phụ nữ nơi đây. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức ILO và tổ chức UNESCO hỗ trợ nhiều hơn nữa giúp phụ nữ nơi đây sản xuất được nhiều hơn, đa dạng hơn các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình để không những bán cho du khách đến tham quan mà còn bán ra thị trường rộng lớn hơn, có điều kiện góp phần cải thiện đời sống”.

Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số là việc làm hết sức có ý nghĩa và giàu tính nhân văn mà Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” hướng đến nhằm góp phần giúp đời sống của người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, có điều kiện hơn trong việc chăm sóc cho bản thân. Tuy vậy điều dễ nhận thấy là quy mô của các nhóm sản xuất còn nhỏ lẻ và sản phẩm làm ra cũng chưa đủ để tạo thành sản phẩm hàng hóa như mục tiêu của dự án đề ra. Điều này đã đặt ra vấn đề cho những người làm dự án là phải tranh thủ được nguồn vốn tài trợ để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Điều phối viên quốc gia Dự án nhấn mạnh: Kết thúc giai đoạn 1 của dự án, phụ nữ đồng bào dân tộc Cơ Tu từ chỗ sản xuất hàng thổ cẩm chỉ để sử dụng thì nay đã biết hướng đến sản xuất thành sản phẩm hàng hóa. Tuy còn khiêm nhường nhưng dự án đã đem lại những kết quả nhất định trong việc tạo thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện chúng tôi đang khảo sát để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 từ nay đến hết năm 2015. Trong giai đoạn 2, các hợp phần của dự án gồm: Đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ phát triển du lịch vào vùng sâu trong đất liền... sẽ được tổ chức ILO và UNESCO hỗ trợ thêm hơn 1 triệu USD để tiếp tục phát triển. Hy vọng sẽ góp phần tạo được sinh kế bền vững cho người dân nơi đây nói chung và người phụ nữ trong vùng dự án nói riêng.

Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ các dân tộc thiểu số không những góp phần giúp họ có điều kiện cải thiện đời sống kinh tế gia đình một cách có hiệu quả mà Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” hướng đến. Sâu xa hơn, thông qua việc cải thiện sinh kế bền vững, những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam không bị mai một mà còn được giữ gìn và phát triển./.

                                                                                                                        Theo: TTXVN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.457
Tổng truy cập: