TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làng dệt anh hùng
(Ngày đăng: 06/05/2014   Lượt xem: 293)
Làng dệt Bảy Hiền được hình thành trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, người dân miền trung, phần nhiều là từ các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam, vì không khuất phục kìm kẹp của quân thù, đã di cư vào Sài Gòn và chọn vùng đất Bảy Hiền làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Nghề dệt vải truyền thống bao đời cũng theo người dân vào tận nơi đây, tạo nên một làng nghề chuyên biệt giữa Sài Gòn, tiếng lụa quay tơ luôn rộn rã ngày đêm. Với vỏ bọc bên ngoài là những người thợ dệt cần cù, nhưng những người con đất Quảng nơi đây đều là những mắt xích quan trọng trong các tổ chức cách mạng thời chống Mỹ.

Vùng đất Bảy Hiền ngày xưa là một vùng lầy lội, nằm ở cửa ngõ tiến vào thủ đô của chính quyền Sài Gòn, gần các cơ sở quan trọng của địch, các trạm, đồn, bót luôn lởn vởn lính canh… Sống giữa vòng vây của quân thù, nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng hướng về cách mạng.

Những người thợ dệt miệt mài bên khung cửi cũng chính là những cán bộ cách mạng bí mật nằm vùng. Có những người dân, tuy không trực tiếp tham gia cách mạng, nhưng luôn sẵn lòng nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, góp sức người, sức của cho kháng chiến một cách rất vô tư.

Giữa lòng căn cứ cách mạng Bảy Hiền năm xưa, một ngày giữa tháng tư vừa qua, chúng tôi đã gặp ông Đoàn Phúc, nhà ở số 168/8 đường Võ Thành Trang. Năm nay, ở tuổi 82 nhưng ông vẫn nhớ như in không khí sôi nổi nơi đây những ngày đánh Mỹ. Năm 1962, khi hoạt động cách mạng tại quê nhà Quảng Nam gặp khó khăn, ông cũng như nhiều người dân ở địa phương đã khăn gói vào Sài Gòn. Cũng từ vùng đất này, ông tiếp cận được với những người đồng hương cùng chí hướng, rồi bí mật tham gia Đội vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Y4.

Những câu chuyện ông kể giữa vùng lõm cách mạng năm xưa, đã đưa chúng tôi trở lại những ngày người dân Bảy Hiền mỗi người đóng góp một phần việc âm thầm, nhưng ai ai cũng vững một niềm tin vào cách mạng.


Vừa kể chuyện xưa, ông Đoàn Phúc vừa giở lên một viên gạch ở một góc nhà, đây chính là vị trí của chiếc hầm giấu vũ khí trong nhà ông - một trong rất nhiều căn hầm bí mật ở Bảy Hiền trước trận đánh Mậu Thân năm 68. Lẫn trong những lời ông kể, là tiếng máy dệt vọng lại từ xa xa, mà chúng tôi cứ ngỡ như tiếng của những cỗ máy ngày xưa đã nhiều lần trở thành ám hiệu. Chuyện kể rằng, có những khi giặc vào bất ngờ, người dân thường cho máy chạy không để báo động cho phe ta kịp thời trú ẩn.

Làng dệt Bảy Hiền như một căn cứ giữa lòng dân. Bởi bất kỳ người dân nào cũng đều sẵn sàng đứng ra che chở cho cán bộ ta khi đối diện với quân thù nguy hiểm. Cũng từ chiếc nôi cách mạng này, nhiều đồng chí đã được tôi luyện, trưởng thành và sau này trở thành những cán bộ chủ chốt của đất nước.

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long cũng chính là một người con của vùng đất Quảng Nam di cư vào Bảy Hiền những năm chống Mỹ. Ban đầu, bà tham gia trong một nhóm văn nghệ thiếu nhi, rồi bà được giác ngộ và tham gia cách mạng, hoạt động trong Ban binh vận Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Khi ấy, bà được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, giao liên, may cờ, đi rải truyền đơn, tuyên truyền vận động binh lính Ngụy… Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là một lần bà cùng đồng đội thoát nạn trong gang tấc nhờ vào sự mưu trí của một cụ già. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh kể:

Điểm tựa là tấm lòng quả cảm của người dân làng dệt Bảy Hiền, mà chỉ trong vòng 1km vuông, khu vực này tồn tại rất nhiều tổ chức cách mạng như: quân báo, an ninh, binh vận, thanh vận, phụ vận, công vận và rất nhiều tổ chức của thanh niên, học sinh… Mỗi tổ chức một phần việc, tất cả đều trót lọt, êm xuôi cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Xuyên suốt quá trình chống Mỹ cứu nước, người dân làng dệt Bảy Hiền đã bất chấp sự kìm kẹp, đàn áp của kẻ thù, không sợ hy sinh gian khổ, một lòng, một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ Cách mạng. Và cũng chính ngành dệt ở vùng đất này, sau ngày đất nước thống nhất đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương và cả nước nói chung.

Ngày nay, do ngành dệt đã được công nghiệp hóa nên nghề dệt thủ công không còn thịnh hành ở khu vực Bảy Hiền, tức phường 11, quận Tân Bình hiện nay. 70% người làm nghề dệt ở phường đã chuyển sang nghề khác. Dù vậy, khí chất của những người con xứ Quảng vẫn được thể hiện trong nhiệt tình tham gia các phong trào xây dựng và phát triển địa phương.

39 năm đã qua đi, người dân Bảy Hiền hôm nay rất tự hào khi các con đường, ngõ hẻm trong phường luôn được giữ gìn sạch đẹp. Nếu xuất hiện những mẩu quảng cáo, rao vặt là liền bị xóa đi. Nhiều năm liền Phường 11 liên tục kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự. Tội phạm rất ngại vào đây, vì hầu hết đều bị bắt do người dân tố giác.

Đáng tự hào là thế hệ thanh niên trẻ của phường hôm nay luôn ý thức việc giữ gìn và phát huy truyền thống, tinh thần tự nguyện, xung phong luôn được phát huy cao độ trong lớp thanh niên. Về điểm này, ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch UBND P.11, Q.Tân Bình tự hào cho biết:

Làng dệt Bảy Hiền ngày xưa, lẫn trong tiếng lụa quay tơ là tiếng lòng của những người dân yêu nước. Phường 11, Quận Tân Bình hôm nay vẫn là những cư dân gốc miền trung cần cù chịu thương chịu khó, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tinh thần ấy, chí khí ấy đã làm nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt, để các thế hệ hôm nay và mai sau kế tục truyền thống tốt đẹp, xứng đáng với danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao cho phường hôm nay.

Theo: Đài tiếng nói TP Hồ Chí Minh


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.282
Tổng truy cập: