TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Các phường rối thiếu lớp nghệ nhân kế cận
(Ngày đăng: 29/04/2014   Lượt xem: 454)
Cứ thứ bảy hàng tuần, các đoàn múa rối nước địa phương lại cùng nhau về Bảo tàng Dân tộc học biểu diễn những tiết mục rối nước quen thuộc cho khách tham quan. Họ cùng vẽ lên bức tranh đặc sắc về nền văn hóa Việt trước bạn bè quốc tế, vẽ những sắc màu của quê hương bình dị. Nhưng buồn một nỗi, những phường rối nước địa phương ấy ngày càng thưa vắng lớp nghệ nhân kế cận.  



Múa rối luôn là loại hình hấp dẫn khách tham quan tới Việt Nam

Lớp trẻ không đam mê

Trò chuyện với nghệ nhân múa rối nước Phạm Đình Cỏn (55 tuổi), là người đã tham gia múa rối nước từ khi 20 tuổi, được biết nơi này vẫn có những nghệ nhân yêu nghề. Nhưng cũng giống như trăn trở của bao nghệ sĩ làm nghề múa rối trong nước hiện nay, ông luôn băn khoăn về sự tiếp nối nghề trong thời gian tới. Không biết sẽ còn bao nhiêu người trẻ kế tục sự nghiệp gìn giữ nét văn hóa Việt này. Bởi hiện nay, nghề rối quê như ông làm có được đáng là bao. Những người trong phường rối của ông cũng là những người tuổi đã trung niên, chẳng có đứa thanh niên nào hăng hái cả. Bởi những người trẻ luôn muốn làm kinh tế để có tiền hoặc đi làm xa, kể cả làm nông nghiệp mà công việc hàng ngày ổn định. 

Các nghệ nhân trong phường rối Lê Lợi cũng không trông mong nhiều vào nghề rối mà làm nông nghiệp là chính. Bởi múa rối thì chỉ lúc nào có hoạt động hội hè hay mùa lễ hội ở quê thì mới biểu diễn thường xuyên. Và nơi nào có yêu cầu thì họ biểu diễn như việc cứ cuối tuần lại về Bảo tàng dân tộc học múa rối cho khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài xem. Mỗi buổi đi xa biểu diễn như vậy cả đoàn cũng được 5 - 7 triệu, tính ra mỗi người được trả công từ 100 - 200 nghìn. Còn thù lao thường xuyên của họ chỉ khoảng 80 - 100 nghìn, trong khi phải chi đủ thứ tiền ăn, tập luyện, biểu diễn, trang bị… 

Những ngày thường ngoài việc là những nghệ nhân yêu nghề họ vẫn phải lo đồng áng, vì đó mới là công việc chính của những người dân. Việc luyện tập của phường rối cũng là tạm bợ, hầu như chỉ tranh thủ được vài tiếng buổi tối. Đoàn rối nước Lê Lợi hiện nay chỉ có 20 người, đã được thành lập trên nền tảng từ năm 1945 đến nay, theo truyền thống người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Nhưng với họ, làm nghề này ai cũng đều phải có đam mê mới theo được đến cùng. Có những gia đình có ông, hoặc bố tham gia nhưng đến đời con thì không còn thấy hứng thú. Nhiều nghệ nhân cũng chỉ biết nhìn nhau chứ "chưa biết làm cách nào” để phường rối của mình trong tương lai sẽ phát triển. Họ chỉ biết bây giờ làm hết mình cho thế hệ sau nhìn vào và thấy đó là niềm vui. Bởi bất cứ nghề gì muốn học, muốn làm cũng phải có đam mê. Họ cứ làm hết mình, cứ đi biểu diễn những bài "Tễu”, "Giáo đầu”, "Tiên mời trầu”… như một thói quen. Mỗi bài chỉ diễn trong khoảng chưa đến 1 tiếng, nhưng là cả sự vất vả, chuẩn bị tập luyện của cả một đoàn quân hùng hậu. Bởi phường rối chỉ có 20 người thì 10 người điều khiển nhạc, những người kia đánh trống… Nó phải là sự hợp sức của tất cả mọi người. 

Cái vẫn còn trăn trở đó là những người trong đoàn đang già dặn với nghề nhưng lớp thanh niên theo nghề, gắn bó với nghề lại rất ít. Phường rối đang từng bước kiếm tìm những người trẻ, kêu gọi họ theo nghề để có đội ngũ làm nghề rối trẻ hóa, để nét tinh hoa "đặc sản” rối nước không bị phai nhạt ở mảnh đất này.



Trưởng phường rối Chàng Sơn - Nguyễn Văn Dậu

Gay gắt nhất vẫn là kinh phí

Cũng như phường rối Lê Lợi, Rối nước Chàng Sơn đang từng ngày cố gắng đem những món nghề của đoàn rối nước mình giới thiệu đến khách tham quan. Bảo tàng Dân tộc học chính là nơi tụ họp của những người nghệ nhân yêu nghề, say đắm với nghề này. Tôi ấn tượng với ông lão chừng hơn 70 tuổi, là Trưởng phường rối Chàng Sơn Nguyễn Văn Dậu. Ông cho biết phường rối mình chỉ có chưa đến 20 người, trong đó có 16 người là nghệ nhân chính thức. Vì là ở nông thôn nên nguồn kinh phí khó khăn, hoạt động múa rối nước thì phức tạp hơn các hoạt động nghệ thuật khác. Trước khi đi biểu diễn, cả đoàn lại cùng nhau tập luyện khoảng 3 ngày. Mặc dù loại hình này được từ già đến trẻ yêu thích, nhưng không ai biết được rằng để biểu diễn hoàn hảo trên sân khấu là cả một quá trình khổ luyện của rất nhiều người. 

Những người tâm huyết với nghề thực sự như nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu không có nhiều. Ông là lớp người của thế hệ trước theo nghề rối nước từ những năm 1952 cùng ông nội, cùng các chú trong gia đình. Ngoài là một nghệ nhân ông còn chế tạo con rối, khôi phục những tiết mục đã bị phai nhạt, hỏng mục. Nhưng ông bảo, cái khó trong tạo hình là bình thường, cái khó và quan trọng nhất hiện nay đó là kinh phí. Kinh phí để sửa sang lại đồ nghề, kinh phí để chi trả cho công thợ, công tập luyện, đi biểu diễn… Bởi thế mà càng ngày việc tuyển người tham gia đoàn rối càng khó khăn, từ việc phải lội nước đến thù lao ít ỏi. Và, ông bảo, phải những người thật sự tâm huyết mới theo được nghề này! 

Phường rối Chàng Sơn cũng đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi. Khi tham gia các cuộc thi hay lễ hội lớn như Festival Huế, cũng có sự giúp sức của nhiều người trẻ. Nhưng đa phần họ tham gia cho có không khí chứ không phải là sự đam mê gắn bó với nghề. "Khó lắm” - đó là câu mà nghệ nhân cứ trăn trở với tôi khi nhắc đến lớp trẻ sau này. Những người như ông Dậu cũng muốn những người trẻ hăng hái tham gia, góp phần gìn giữ nghề truyền thống nhưng đến nay thì gần như bất lực. Bởi đó là miếng cơm manh áo của người ta, là công sức thời gian, tiền bạc. Có thể họ thích xem, nhưng xắn quần xắn áo tham gia thì khó. Bởi thế rất cần có một định hướng rõ ràng cho những năm tiếp theo. 

Theo: Báo Đại Đoàn Kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.692
Tổng truy cập: