TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nhu cầu và xu hướng thị trường đòi hỏi về mẫu mã sản phẩm mây tre đan
(Ngày đăng: 28/04/2014   Lượt xem: 1588)
Tre và mây tre đan là một trong số các ngành hàng có tiềm năng của ta, có thị trường tiêu thụ lớn trong nước và xuất khẩu, cần được ưu tiên đầu tư phát triển.



Thị trường mây tre đan đòi hỏi nhiều về sáng tạo mẫu mã
Tre và mây tre đan

Sản phẩm tre và mây tre đan xuất hiện ở nước ta rất sớm trong quá khứ lịch sử, ít ra cũng đồng thời với sản phẩm gốm đất nung thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, khá phát triển vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rồi phát triển mạnh mẽ, rộng khắp vào thời độc lập tự chủ từ thế kỷ X, XI, XIII, XV, XVI – XIX, đặc biệt là thế kỷ XX đến nay (do nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới).

Sản phẩm tre và các loại cây họ tre nói chung xuất hiện từ thời tiền sử, do nhu cầu ở (làm nhà cửa) và đồ dùng sinh sống (giường, chõng tre, đồ dùng hàng ngày, công cụ sản xuất…). Cây tre và loài cây họ tre đã có mặt trong đời sống xã hội người Việt Nam trước đây, nay còn khá phổ biến, tuy đã có một số loại nguyên liệu mới thay thế.

Sản phẩm mây tre đan cao cấp phát triển mạnh ở Thăng Long - Hà Nội, nhất là trên đất Hà Đông cũ vào thế kỷ XV - XVI. Nghề mây tre đan, bao gồm cả song mây đan, đan cỏ tế, đan guột tế… hiện nay phát triển rộng khắp ở Hà Nội, nhất là tại các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây. Hàng mây tre đan chiếm tỷ trọng xuất khẩu tới 85% tổng sản phẩm làm ra về mây tre đan của toàn thành phố Hà Nội, chỉ khoảng 15% còn lại là tiêu thụ trong nước. Thị trường quốc tế tiêu thụ mặt hàng này của thành phố nói riêng, của cả nước nói chung là Nhật Bản, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, v.v…

Nhóm nghề này hiện nay trên toàn thành phố Hà Nội có tới 361 làng tham gia sản xuất, trong đó có 79 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống (tính đến năm 2007).

 Mẫu mã

Nên hiểu mẫu mã, bao gồm mẫu sản phẩm và cả mẫu bao bì (đóng gói sản phẩm); mẫu công cụ và thiết bị sản xuất, v.v… Có mẫu cũ và mẫu mới; mẫu sao chép và mẫu sáng tác; mẫu cổ truyền và mẫu hiện đại, v.v…

Tựu chung, chỉ có 2 nguồn mẫu mã chính yếu: mẫu có sẵn và mẫu sáng tác, cải tiến.

Mẫu có sẵn: mẫu cổ truyền do ông cha ta trong tộc nghề, làng nghề truyền lại, lưu giữ trong các bộ sưu tập, trong vốn cổ vật ở đình, chùa, đền, miếu, bảo tàng trong nước và nước ngoài. Có thể sao chép thành đồ giả cổ, đồ nhái mà vẫn có giá trị, không vi phạm luật định. Có thể biến tấu, cách điệu thành đồ mới mà cũng không sai phạm.

Mẫu sáng tác: mẫu mới hoàn toàn; mẫu cách điệu từ mẫu cũ, có sẵn bằng sự cải tiến cho đẹp hơn, tiện dụng hơn, phù hợp với người tiêu dùng hơn, có thể sáng tác, sáng chế, thiết kế mới, có thể làm theo đơn đặt hàng do khách hàng cung cấp mà không trùng lặp với kiểu dáng, màu sắc mẫu cũ, đã có sẵn.

Có thể tự mình hoặc thuê nhà chuyên môn khác nghiên cứu phục hồi loại sản phẩm, chất liệu và màu sắc từ vật phẩm xưa đã thất truyền. Phục cổ cũng coi như có công sáng tạo. Như việc nghệ nhân Triệu Văn Mão dày công khôi phục thành công loại vải sợi gai dệt thô dày từ một miếng vải gai còn sót lại trong mộ cổ được khai quật, đã tạo ra dòng sản phẩm mới, quý giá. Nghệ nhân Phan Khai khôi phục nghề tre, chế tác nhiều loại nhà, tam quan, cổng tre, đồ gia dụng bằng tre theo lối cổ, tinh xảo, độc đáo và có giá trị kinh tế, văn hóa lớn tại HTX Tre trúc Thu Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội).

Chế tạo mới, hoặc cải tiến công cụ, thiết bị sản xuất bao giờ cũng phải làm vật phẩm và hoàn chỉnh mẫu trước khi đem nhân bản hoặc đem chế lắp hàng loạt. Cần coi đó là công việc tạo mẫu cho công cụ, máy móc phục vụ yêu cầu sản xuất, chế tác sản phẩm của làng nghề (máy cưa, đánh bóng tre cải tiến, máy chẻ và vuốt nan mây tre…).

Một trong những người có năng lực tạo mới và cải tiến công cụ, máy móc trong nghề dệt, nghề mây tre đan là nghệ nhân Bùi Đình Long (thôn Hạ Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ông cải tiến guồng Mắccabô; chuyển loại công cửu dận chân, tay dật thành công cửi tay cày và công cửi chân dật bán tự động có lắp môtơ quay; cải tiến khung cửi dệt lưu băng thành khung dệt quai đeo súng và dây đeo phù hiệu, quai huân huy chương (bằng khung rộng 12 thoi, hoặc 8 - 10 thoi, hẹp nhất là 3 - 5 thoi); máy thái lá dâu cải tiến, máy quay tơ xe sợi liên hoàn; cải tiến máy chẻ tăm hương, chuốt nan…

Những nghệ nhân tay nghề cao trong ngành hàng mây tre đan Hà Nội như Nguyễn Văn Ngải, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Nghê, Lê Bá Trình, Đỗ Huy Kiều, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Văn Hạnh, Trần Ngọc Phước, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Văn Tỉnh, v.v… đều có công tạo mẫu sản phẩm có giá trị, được thị trường đón nhận.

Nhu cầu mẫu sản phẩm

a) Thị trường tiêu thụ và sản phẩm được làm ra luôn theo quy luật cung - cầu. Nhu cầu luôn biến đổi đang kéo theo sự biến đổi mẫu mã sản phẩm và ngược lại.

Nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, cả trong và ngoài nước, bao giờ cũng quyết định loại hình sản phẩm và mẫu mã sản phẩm cần tạo ra, bao gồm các mẫu cũ đã chuẩn mực, cổ điển, và đa phần là mẫu mới thay đổi không ngừng. Ta gọi đó là thị trường truyền thống với quy luật cung cầu mang tính lịch sử xã hội.

Ngược lại, mẫu mã sản phẩm mới, nếu biết cách quảng bá tốt và chế tạo khéo léo hơn trước đó thì nó có khả năng không ngờ là điều chỉnh thị trường, tạo ra nhu cầu tiêu dùng mới và làm thay đổi tập quán thẩm mỹ người tiêu dùng trên bất cứ thị trường lớn nhỏ nào.

Lý thuyết ấy không bao giờ sai. Nhưng để làm được việc đó và có hiệu quả lớn thì không dễ, mà còn vô cùng khó khăn. Bởi nhận biết xu thế thị trường (yêu cầu tiêu dùng của thị trường trong tương lai) đang là bài toán khó giải của các chuyên gia kinh tế và các nhà doanh nghiệp giàu kinh nghiệm hiện nay. Trong khi đó, chúng ta làm hàng thủ công truyền thống hầu như đang ở tầm mức hộ nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa thoát khỏi thói quen của người nông dân sản xuất nhỏ làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Gần đây, tôi có đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia, được xem họ sản xuất và bán hàng thủ công, tạo mẫu mã sản phẩm. Thợ thủ công, chủ doanh nghiệp của họ nhiều người chỉ giỏi như ở ta, nhưng nhanh chân, nhanh tay, tinh mắt, thính tai hơn chúng ta. Họ hoạt động trên các mặt từ xử lý nguyên liệu, tạo mẫu, chế thử, sản xuất hàng loạt hoặc đơn chiếc, đóng gói hàng, bán hàng… chuyên nghiệp hơn chúng ta. Các cơ quan quản lý, chỉ đạo nhà nước của họ cũng phần nào thực tài, thực tâm hơn chúng ta. Kết quả là ở các nước ấy thay đổi mẫu mã sản phẩm thủ công truyền thống rất mau lẹ, hàng xuất khẩu chiếm thị phần trên thế giới lớn hơn ta gấp bội, kim ngạch ngoại tệ chảy về nước của họ cuồn cuộn!

b) Nhà nước cho chúng ta cơ chế, chính sách, với khá nhiều ưu đãi khuyến khích đã là rất tốt để có điều kiện phát triển, chứ đâu có cho không đất và tiền. Phần công việc còn lại phải tùy thuộc ở chúng ta, không thể khác, mà ở “sinh nghệ tử nghệ”, tự cứu lấy mình là chính.

Tôi xin đề nghị một câu khẩu hiệu (Slogan) nhằm thay đổi nhận thức của giới thủ công mỹ nghệ truyền thống - làng nghề, cũng như toàn ngành công nghiệp Việt Nam: Tạo mẫu Việt cho hàng Việt Nam!

Mẫu mã và chất lượng cao của sản phẩm thủ công là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam chúng ta! Và đã đến lúc cần chung sức tạo mẫu sản phẩm để có thể khẳng định rằng người Việt Nam có tài về tạo mẫu, thiết kế sản phẩm mới.

c) Những công việc “bếp núc” trong quy trình tạo mẫu sản phẩm mà chúng tôi nói ở đây được rút ra từ thực tế hoạt động của chúng tôi tại Trung tâm     Tạo mẫu hỗ trợ Làng nghề Việt Nam và qua tìm hiểu trực tiếp tại các làng nghề trong 5 năm trở lại đây.

Ngày xưa, số người ra mẫu (tạo mẫu) thường không nhiều trong mỗi nghề, mỗi làng nghề. Mẫu mới thường được đem hỏi ý kiến trong họ (tộc nghề) hay trong làng (làng nghề) để sửa chữa hoàn hảo trước khi đưa vào sản xuất (như ở làng tranh dân gian Đông Hồ, Bắc Ninh). Có khi người thợ giỏi về mẫu không cần vẽ sẵn mà chỉ ngẫm nghĩ kỹ rồi đục thẳng vào tấm gỗ, tạo ra hình nét tinh tế, sống động, ý nghĩa sâu sắc (như ở làng La Xuyên chạm khắc gỗ, Hà Nam). Từ mẫu ấy, thợ chuyên và thợ phụ cứ thế mà làm theo bản mẫu cho chuẩn xác, ít nét thêm bớt.

Ngày nay, tạo mẫu vẫn vẽ ra trên giấy hay trên máy tính sử dụng phần mềm đồ họa chuyên dụng, hoặc đắp mẫu bằng đất, sáp, hoặc tính kỹ sợi dọc, sợi ngang để đột bìa, v.v… như xưa kia, nhưng cần làm nhanh, nhiều mẫu mới hơn trước.

Có các bước thiết kế mẫu như sau:

- Ý tưởng: phải độc đáo, đặc trưng; chú ý không có ý tưởng nào là “điên rồ”, cũng không có ý tưởng nào là “duy nhất đúng”.

- Phác thảo: vẽ phác, lấy ý kiến tập thể, chỉnh sửa kỹ; chú ý thể hiện một vài phương án để lựa chọn lấy 1 - 2 phác thảo tối ưu.

- Hoàn chỉnh: sao cho đúng như sản phẩm có thực hiện ra trước mắt, chi tiết rõ ràng, dứt khoát để tránh hiểu khác đi, cả hình dáng lẫn màu sắc. Chú ý loại vật liệu lựa chọn, đặc tính vật liệu đó. Dùng một loại vật liệu, hay dùng các loại vật liệu kết hợp tùy theo, căn cứ nhu cầu đặt hàng, hoặc nhu cầu của thị trường đã xác định (có quy cách về kích thước, trọng lượng, kiểu dáng, chất liệu kèm theo).

- Chế thử: chết tạo vật phẩm thật, đúng như mẫu vẽ, không được sai khác chi tiết, màu sắc nào… nhất là với mẫu vẽ đã được phê duyệt.

- Sản xuất: khâu tiếp theo, nhân bản sản phẩm mẫu thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường (trong nước, xuất khẩu). Đây là công đoạn cuối cùng để thẩm định, đánh giá khách quan về sản phẩm mẫu mới thiết kế. Kết quả này ra sao sẽ là chỉ dẫn cho việc tu chỉnh mẫu một lần nữa, hay không cần phải thêm bớt gì nữa.

Sản phẩm mới, được công khai hóa trên thị trường, trên mạng cần đăng ký bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp, hoặc lấy chứng nhận sáng chế độc quyền tại cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về pháp lý trong thời gian sớm nhất có thể. Việc này ít ai chú ý, đã dẫn đến những tranh chấp bản quyền không đáng có, nhưng thiệt hại lại rất lớn đến khôn lường.

Trong vòng hơn 3 năm (2009 - 2012), Trung tâm Tạo mẫu chúng tôi, đã tạo mới được 120 mẫu thiết kế sản phẩm các loại, trong đó có 42 mẫu sản phẩm phục vụ các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế tại Việt Nam được các ban tổ chức và đại biểu là các nhà khoa học quốc tế đón nhận, hoan nghênh. Chúng tôi cố gắng thiết kế mẫu sản phẩm theo hướng: 1) Sản phẩm đặc trưng riêng biệt, sát với đặc thù mỗi ngành khoa học, địa phương đăng cai mở hội nghị, hội thảo; 2) Đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam; 3) Dùng vật liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường tránh độc hại cho người sử dụng (người tiêu dùng); 4) Dùng một loại nguyên liệu, hoặc kết hợp nhiều loại nguyên liệu, kể cả nguyên liệu mới; 5) Sử dụng công nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, tân tiến hiện có.

 Một số đề xuất phát triển mẫu mã mây tre đan

Một là, chúng ta sớm thành lập một trung tâm tạo mẫu thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội, trong khi chờ đợi Nhà nước cho phép thành lập ra một trung tâm như thế ở cấp độ quốc gia.

Sở dĩ chúng tôi đề xuất ý kiến ấy vì Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam do tôi phụ trách chỉ được coi là một tổ chức phi chính phủ, nằm ngoài trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này hẳn quý vị đã rõ, những đề nghị của chúng tôi với một số cơ quan cấp Bộ, cấp Cục chức năng, đến nay vẫn như gió thoảng qua. Chúng tôi bằng tất cả nhiệt tình và trách nhiệm của một Hiệp hội nghề nghiệp đối với làng nghề trong đó có vấn đề mẫu mã sản phẩm và bao bì trên cả nước. Ở nước ta, lĩnh vực này đang còn vô vàn thiếu sót, chậm tiến. Nếu được, tôi sẵn sàng đóng góp vào đó nguồn lực hiện có của Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam.

Hai là, thu hút các nhà tạo mẫu - Designer thực tài và thực tâm vào công cuộc phục hưng tạo mẫu hàng truyền thống của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Ba là, đào tạo, tập huấn từng bước cho nghệ nhân, thợ giỏi, họa sĩ công nghiệp về tạo mẫu về ngành hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của chúng ta.

Bốn là, tạo mẫu - thiết kế  bao bì cho sản phẩm, công cụ cho sản xuất cần được coi là bộ phận cấu thành của toàn ngành thiết kế phục vụ phát triển làng nghề, phố nghề cả nước.

Năm là, thông qua Diễn đàn lần này, quý vị và các bạn hãy quan tâm hơn nữa đến hoạt động thiết kế mẫu sản phẩm bao bì, cả công cụ nữa, nhất là các bộ công cụ cầm tay cho người thợ. Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối trực thuộc Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước về làng nghề theo sự phân công chính thức của Thủ tướng chính phủ, hãy đặc biệt quan tâm đầu tư và hỗ trợ cần thiết cho các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thiết kế tạo mẫu dù đó là tổ chức phi chính phủ; giúp đỡ các nhà tạo mẫu vốn thực tài và đang hoạt động thầm lặng vì danh dự và vì tài năng sáng tạo Việt Nam vốn có từ lâu đời và có lẽ không thua kém đông nghiệp ở các nước. Các cơ quan viện, học viện, trường đại học có liên quan đến lĩnh vực này nên dành một phần trí tuệ và công sức của mình vào hoạt động tạo mẫu ứng dụng thực tế cho làng nghề. Theo tôi đây là trách nhiệm của chúng ta trước người dân que, người nông dân làm nghề truyền thống, người nông dân mất nghề nông do thiếu ruộng cần phải có nghề nghiệp để sinh sống.

Sáu là, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam của chúng tôi trong nhiều năm nay rất cố gắng cộng tác với làng nghề, nghệ nhân và thợ giỏi trong các hoạt động tạo mẫu, xúc tiến thương mại, tôn vinh nghệ nhân thợ giỏi,v.v… với hy vọng chấn hưng ngành nghề truyền thống nước nhà, giữ gìn những thành tựu lớn lao của ông cha truyền lại và các hộ nghề, doanh nghiệp làng nghề trở nên giàu mạnh hơn trước. Rất mong các vị có trách nhiệm có mặt tại đây lưu tâm giúp đỡ, hỗ trợ để chúng tôi có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn.

ThS. BÙI VĂN VƯỢNG
GĐ TT Tạo mẫu hỗ trợ LNVN


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.516.623
Tổng truy cập: