TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nghệ nhân làng nghề bị bỏ rơi
(Ngày đăng: 27/04/2014   Lượt xem: 386)

Muốn giữ nghề, không thể với thái độ thờ ơ, bỏ rơi nghệ nhân như đã từng diễn ra trong nhiều năm. Mà cần phải tạo nên sự cộng sinh, tiếp nối giữa nghệ nhân và người trẻ để giá trị của làng nghề - tinh hoa của đất nước được gìn giữ.

Nghệ nhân - những người giữ hồn nghề, hồn làng, những “báu vật” giúp cho làng nghề tồn tại và phát triển đang bị bỏ rơi. Đó là việc chậm trễ trong ghi nhận, phong tặng danh hiệu. Đồng thời vẫn chưa có cơ chế chính sách thoáng để tạo điều kiện cho các nghệ nhân cống hiến, truyền dạy thế hệ tiếp nối.


Nghệ nhân nổi tiếng xứ Huế - Lê Văn Kinh

Những giá trị khó phủ nhận

Di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long cách nay nghìn năm minh chứng vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành và tài năng của nghệ nhân phát triển rực rỡ đến mức thể hiện rõ nét đặc trưng nghệ thuật từng chặng đường qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn…

Có những nghệ nhân xuất chúng còn lưu danh cho đến ngày nay như Tổ nghề gốm Chu Đậu - bà Bùi Thị Hý vào thế kỷ XV. Bà là chủ của hơn mười trang phường gốm sứ, nay thuộc làng Quang Tiền, xã Đồng Quang (Gia Lộc, Hải Dương). Vốn là một trí thức có năng khiếu hội họa, bà đã tạo dựng dòng gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp nơi. Bà cũng chỉ huy nhiều đoàn thuyền chở gốm Chu Đậu xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, một kiệt tác do chính tay bà sáng tạo vào năm 1450 là chiếc bình gốm hoa lam, cao 54cm, vẫn còn lưu giữ ở bảo tàng Hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ, hình ảnh chiếc bình được in trên con tem của nước Mỹ. Gốm Chu Đậu khi xưa hiện còn được lưu giữ ở nhiều bảo tàng trong nước và 46 bảo tàng lớn ở nhiều quốc gia. Các vị Tổ nghề đều được dân làng thờ phụng với tất cả lòng thành kính và biết ơn.

Việt Nam còn có hàng chục làng nghề truyền thống, đặc biệt sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ khác đã gây tiếng vang trên thế giới chẳng thua kém Chu Đậu. Suốt hàng nghìn năm, làng nghề đã thể hiện các giá trị văn hóa lâu bền, được gìn giữ và phát triển. Chính làng nghề của “đất nước làng nghề Việt Nam” đã nuôi sống con người và làm nên trình độ kinh tế cũng như những giá trị độc đáo về tinh thần của nước ta.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh (TP. Huế) khẳng định: “Trình độ các nghệ nhân được bồi đắp theo từng năm. Trong dân gian, nước ta có nhiều nghệ nhân giỏi. Họ chính là những chứng nhân, những người làm nên văn hóa các vùng miền, góp mặt vào sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam”.

Hay nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự ở làng thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) khẳng định: “Có làng nghề, tức là có điều kiện để cư dân vùng đó phát triển kinh tế. Sự đóng góp của các nghệ nhân, những người có vốn kỹ năng và trình độ được đúc rút cả cuộc đời là vô cùng quan trọng. Họ chính là linh hồn của làng nghề, là báu vật sống nắm giữ tinh hoa truyền thống. Đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho làng”.

Vô trách nhiệm với nghệ nhân

Giữ vai trò quan trọng như vậy nhưng nhiều năm qua những nghệ nhân chưa được sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp chính quyền và cả xã hội. Nhiều nghệ nhân cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc không có bất kỳ sự quan tâm giúp đỡ nào trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn. Trong khi đó nhiều nghệ nhân nổi tiếng ngày càng già yếu, sức khỏe suy giảm đã bị rơi vào quên lãng.

Theo tìm hiểu, từ trung ương, chưa có sự phân cấp rõ ràng trong đánh giá tiêu chí, thống nhất các danh hiệu. Điều đó dẫn đến việc không có đầu mối rõ ràng, nơi thì do ngành Công thương, nơi thì do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình xét, phong tặng cho nên đã bỏ sót rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng.

Do đó, nhiều tổ chức đứng ra phong danh hiệu tạo sự nhiễu loạn trong việc định danh giá trị của những danh hiệu này, đã có hơi hướng thương mại hóa danh hiệu. Việc tổ chức phong tặng, nếu có được tổ chức, cũng không tạo nên sự kiện gây chú ý trong dư luận xã hội. Các buổi tổ chức phong tặng thường im lìm ở làng, xã.

Rất nhiều nghệ nhân giỏi, được thế giới biết đến nhưng chưa được phong danh hiệu. Không ít nghệ nhân dân gian đã mang theo kỹ năng đi vào cõi vĩnh hằng, để lại một khoảng trống lớn. Có thể nói, các cơ quan chức năng đã thiếu sự tôn trọng và trách nhiệm cần có với các nghệ nhân.

GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nêu ý kiến, việc phong tặng nghệ nhân làm ra các sản phẩm thủ công nặng về văn hóa, mỹ thuật nên giao cho ngành Văn hóa, còn nghệ nhân nào trong lĩnh vực kinh doanh thì giao Bộ Công Thương xem xét, phong tặng.

Gần đây Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã lựa chọn và công nhận 193 nghệ nhân làng nghề. Nhà nước đã tiến hành hai đợt phong tặng “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” cho 37 nghệ nhân. Đây là “những con số biết nói”, bởi với 2.000 làng nghề được công nhận, trong đó 400 làng nghề truyền thống trên phạm vi cả nước, số nghệ nhân được vinh danh quá ít ỏi. Sự “tiết kiệm” trong việc phong tặng danh hiệu cùng với biểu hiện thờ ơ với nghệ nhân đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền dạy, giữ nghề.

Ứng xử cách nào?

Trước sự bức thiết của cuộc sống và chứng kiến sự mất mát khi các nghệ nhân mất đi, không có người kế cận, GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bày tỏ: “Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các nghệ nhân, sớm hoàn thiện các quy định về chế độ ưu đãi, công nhận danh hiệu nghệ nhân cho họ. Lâu nay, nhiều nghề truyền thống bị mai một mà phải nói rằng có muốn cứu vãn cũng không được vì quá muộn”.

Chung sự sốt ruột ấy, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, cần phải học người Nhật cách ứng xử với nghệ nhân ở cách “bảo tồn”. Trước đây, không ít làng nghề của Nhật bị bỏ rơi. Sau đó Chính phủ đã có những quyết định sáng suốt là “bảo tồn” nghệ nhân bằng cách quan tâm tốt đến đời sống của họ, tạo cơ chế để họ có điều kiện dạy, truyền niềm đam mê cho giới trẻ. Và họ đã thành công.

Muốn giữ nghề, không thể với thái độ thờ ơ, bỏ rơi nghệ nhân như đã từng diễn ra trong nhiều năm. Mà cần phải tạo nên sự cộng sinh, tiếp nối giữa nghệ nhân và người trẻ để giá trị của làng nghề - tinh hoa của đất nước được gìn giữ. Nghệ nhân có thể già, mất đi, nhưng họ có thể truyền dạy, có thể gửi tinh hoa được tích lũy cả đời cho thế hệ mai sau.

                                                                                                                                          Theo: Báo mới


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.500.068
Tổng truy cập: