TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Những triệu phú trẻ ở Tây Sơn
(Ngày đăng: 24/04/2014   Lượt xem: 407)
Vượt qua rất nhiều khó khăn, bằng sức trẻ, nỗ lực và miệt mài học hỏi kinh nghiệm, những gương mặt như Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Trung Đang, Phùng Nhật Tài… thành công vì biết tự tìm cơ hội cho chính mình.





Anh Đang giữa trang trại của mình.

Chân đất đi lên

Nắng tháng 4 gay gắt, nhưng khu trang trại rộng hơn 3 ha trồng bạch đàn, cây ăn trái, nuôi heo rừng, dê, gà, vịt, bồ câu, cá của anh Nguyễn Trung Đang, 29 tuổi, ở thôn Hoài Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn thì mát rượi. Ngồi dưới tán xoài trĩu quả, Đang bồi hồi kể cho khách đến thăm về thời gian khó của mình.

Cách đây 10 năm, đang học ngành Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cậu sinh viên Nguyễn Trung Đang phải nghỉ học giữa chừng vì căn bệnh hen suyễn. Về nhà chữa bệnh, rảnh rỗi, thấy gia đình có sẵn trang trại 2 ha trồng bạch đàn, Đang xin mẹ mua một đàn heo rừng về thả nuôi. Nào ngờ, số heo con lần lượt chết vì nhiều lý do. Đang kể về cú vấp ngã đầu tiên trong đời mình: “Tôi buồn lắm, nhưng không lẽ ở nhà ăn bám ba mẹ. Tôi đi tìm sách, lên mạng học hỏi kinh nghiệm, cố gắng gầy lại đàn heo rừng chỉ từ 2 con heo mẹ còn sống”. Với nỗ lực, quyết tâm cao và được gia đình luôn ủng hộ, động viên, Đang mạnh dạn vay vốn ngân hàng gầy dựng lại đàn heo rừng, sau đó mở rộng quy mô và đa dạng vật nuôi, với 45 con heo rừng, 100 con heo thịt, 45 con dê, hơn 1.200 con vịt, gà. Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, lấy gà, vịt, bồ câu “nuôi” heo, dê, bạch đàn, Đang duy trì trang trại của mình hiệu quả, với lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Còn bây giờ, Đang chia sẻ, mình đang quy hoạch lại trang trại sao cho bài bản, khoa học hơn.

Tương tự như Đang, anh Nguyễn Đình Chi, 33 tuổi, ở thôn Lai Nghi, xã Bình Nghi khởi nghiệp với tấm bằng CĐ marketing và... 7 con heo con. Chi kể: “Gia đình tôi có tới 9 anh chị em, ba mất sớm, mình mẹ bươn chải nên rất khó khăn. Nghĩ thương mẹ vất vả, tôi về quê tìm việc làm, xin mãi không được việc, bèn xin mẹ 7 con heo con nuôi thử nghiệm. Nào ngờ, mình “mát tay” nên chẳng bao lâu gầy được cả trang trại heo”.

Như nhiều người chăn nuôi khác, Chi cũng bao lần trắng tay vì đàn heo bị dịch bệnh chết hết, nhưng sau mỗi lần như vậy, anh luôn biết cách nuôi dưỡng niềm tin cho mình, tìm cách xoay xở để làm lại từ đầu. Cứ vậy, hai vợ chồng anh vừa làm, vừa tích lũy và đầu tư thêm hai lò gạch. Sản phẩm gạch, ngói do cơ sở anh Chi sản xuất được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và xuất sang Lào, Campuchia. Hiện nay, trang trại chăn nuôi quy mô hơn 300 con heo thịt và hai cơ sở sản xuất gạch ngói của anh cho doanh thu từ 1,4 - 1,6 tỉ đồng/năm. Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư trồng ớt trên diện tích hơn 2.500 m2.

Ở Tây Sơn còn có anh Phùng Nhật Tài, 29 tuổi, ở thôn An Hội, xã Bình Tân, “vua” trồng dưa hấu, bí đỏ, ớt... với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Lập nghiệp không chỉ cho mình

Hàng năm, các trang trại, cơ sở của anh Đang, anh Chi, anh Tài giải quyết việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương. Riêng cơ sở của anh Chi giải quyết việc làm thường xuyên cho 26 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Chi còn là một bí thư chi đoàn thôn tích cực. Anh khẳng định: “Nếu cán bộ Đoàn không đủ trình độ, không quan tâm đến quyền lợi của thanh niên, nhất là định hướng giúp họ làm kinh tế, rồi xây dựng quỹ cho Đoàn hoạt động, chắc chắn tổ chức Đoàn sẽ không mạnh được. Mỗi cán bộ Đoàn chúng tôi luôn ý thức, ngoài tạo lập công việc cho mình còn tận tình hướng dẫn thanh niên làm giàu...”.

Từ nhiều thanh niên biết cách vươn lên khẳng định mình có cùng suy nghĩ như anh Chi, anh Đang... mà Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp” ở huyện Tây Sơn ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên thanh niên (HVTN). Trong nhiệm kỳ qua 2009 - 2014, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân nguồn vốn trên 21 tỉ đồng (tăng 16 tỉ so với nhiệm kỳ trước) cho thanh niên vay làm kinh tế. Huyện Đoàn cũng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các điểm tư vấn, giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm cho khoảng 6.000 HVTN, qua đó có 1.615 HVTN được tuyển dụng (tăng 696 HVTN so với nhiệm kỳ trước). Hội LHTN huyện còn thành lập 35 tổ vay vốn, tổ tiết kiệm với 1.097 hộ thanh niên tham gia.   

Anh Tạ Đức Trí, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Tây Sơn, cho biết: “Bước đầu, bản thân các thanh niên đều tự mình tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, nắm bắt thời cơ làm giàu. Song, tổ chức Đoàn - Hội địa phương đều quan tâm, giúp đỡ cũng như hỗ trợ vốn, đưa các dự án của Trung ương Đoàn về cho họ. Hiện nay, Hội LHTN Việt Nam huyện đang mở rộng các đối tượng cho vay từ kênh thanh niên, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương, khắc phục tình trạng thanh niên rời địa phương đi làm ăn xa”.

(Theo Báo Bình Định)
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.500.215
Tổng truy cập: