TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làm cách nào để làng nghề phát triển?
(Ngày đăng: 24/04/2014   Lượt xem: 523)
Với những khó khăn ở các làng nghề truyền thống, để giúp làng nghề phát triển, thì cần phải làm một cuộc “cách mạng”. Bên cạnh việc tăng cường vốn đầu tư, nên có những “cú hích” chiến lược để làng nghề trụ vững và phát huy những giá trị vốn có.

Cần hiện đại hóa làng nghề

Hiện đại hóa làng nghề là giải pháp cần được quan tâm. Bởi, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá thành và tạo ra hàng hóa chất lượng cao. Điển hình như trường hợp của ông Trần Văn Tân (lò rèn số 5, ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để trang bị máy đập cho lò rèn. Qua sử dụng máy đập thay cho sức người, hiệu quả kinh tế đã thay đổi rõ rệt.



Ông Trần Văn Tân (lò rèn số 5, thị trấn Ngan Dừa) sử dụng máy đập thay cho lao động thủ công.

Ông Trần Văn Tân chia sẻ: “Trước đây, tôi và 5 lao động làm mỗi ngày chỉ được 25 sản phẩm. Nhưng từ khi có máy đập, tôi không phải thuê mướn lao động nữa, mỗi ngày vẫn có thể cho ra lò từ 25 - 30 sản phẩm. Làm bằng máy vừa nhẹ công, lại giảm chi phí, mà sản phẩm cũng đẹp hơn”. Qua đó cho thấy, việc đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất đã tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận; đồng thời góp phần hiện đại hóa làng nghề.

Không chỉ làng nghề rèn, mà nhiều làng nghề khác cũng cần đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng. Như nghề mộc (nghề có từ lâu đời ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), song đến nay, mẫu mã vẫn còn nghèo nàn với vài sản phẩm như giường, tủ, bếp, bàn, ghế… đóng theo kiểu truyền thống, giá trị kinh tế không cao. Trong khi đó, ở nhiều nơi khác trong cả nước, nghề mộc đã được hiện đại hóa. Hầu hết đều được trang bị máy móc, công nghệ sản xuất mới để làm ra các mặt hàng gỗ chạm khắc tinh xảo, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Còn nghề mộc ở Ninh Hòa hiện chỉ mới trang bị các loại máy bào điện, cưa điện, khoan điện… và vẫn loay hoay với vài sản phẩm chỉ để phục vụ nông dân. Hay nghề làm bánh tráng ở thị trấn Ngan Dừa, đến nay, người làm bánh vẫn đổ bánh thủ công; các làng nghề đan đát vẫn chưa có máy chẻ nan…

Đó chính là nguyên nhân làm cho sản phẩm nghèo nàn về mẫu mã, chất lượng và số lượng không ổn định. Do vậy, không thể ký kết cung ứng những đơn hàng lớn cho giá trị kinh tế cao.

Cải tiến sản phẩm



Phơi lác ở làng chiếu Ngan Dừa. Ảnh: P.Đ

Để có được đầu ra ổn định thì việc cải tiến sản phẩm là vấn đề rất cần thiết. Bởi, nếu sản phẩm chất lượng tốt, cộng thêm mẫu mã đẹp thì sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và việc tìm đầu ra sẽ không quá khó. Chị Lưu Thị Tua, thợ dệt chiếu (ấp Thống Nhất) nói: “Chiếu bình thường ở đây bán với giá 100.000 đồng/đôi, chiếu đặt giá 200.000 đồng/đôi, chiếu bông hơn 350.000 đồng/đôi, còn chiếu dệt chữ thì có giá hơn 500.000 đồng/đôi. Tuy nhiên, do rất ít người biết cách dệt chiếu có chữ nên bà con dệt chiếu thường là chủ yếu”. Thực tế từ làng chiếu cho thấy, nếu các thợ ở làng chiếu Ngan Dừa ai cũng có thể dệt được chiếu bông, chiếu chữ thì giá trị thương phẩm của chiếu sẽ tăng lên, và làng nghề cũng có được sản phẩm đặc thù. Song, muốn làm được điều này thì việc tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề để cải tiến sản phẩm cần phải quan tâm nhiều hơn. Bởi, phần lớn các hộ chỉ dệt theo kinh nghiệm gia đình và sản phẩm của họ làm ra cũng dừng lại ở đó, có hộ chỉ chuyên dệt chiếu trắng, chiếu in màu… Cũng từ bất cập này mà thợ giỏi trong các làng nghề rất hiếm, đến nay, cả tỉnh chỉ có 3 người được công nhận là thợ giỏi.

Bà Đào Thị Cẩm Tú, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phước Long (phụ trách phát triển làng nghề) yêu cầu: “Để đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, giúp người dân chủ động đầu ra, sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, kiến nghị các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân. Qua đó, tạo ra những sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng”.

Cùng với cải tiến mẫu mã, việc phát triển và gìn giữ vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề cũng là giải pháp quan trọng để giảm giá thành sản xuất. Khi giữ được vùng nguyên liệu, làng nghề sẽ có điều kiện phát triển bền vững. Người thợ sẽ chủ động nguồn nguyên liệu, không phụ thuộc giá cả đầu vào từ thương lái. Cụ thể như làng chiếu ở thị trấn Ngan Dừa, bà con vẫn giữ được hơn 25ha trồng lác nên ít khi thiếu nguyên liệu sản xuất so với nghề đan đát từ tre, trúc.

Gắn làng nghề với phát triển du lịch

Với một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch như Bạc Liêu, sẽ là đáng tiếc nếu như không phát huy được giá trị mang lại từ các làng nghề. Hiện nay, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn xuất hiện khá khiêm tốn trong các tua, tuyến du lịch của tỉnh. Vì vậy, việc gắn kết các làng nghề với phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm của làng nghề, mà còn thông qua làng nghề để làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch. Việc làm này đã được các tỉnh, thành phố áp dụng. Đó là làng nghề làm kẹo dừa ở Bến Tre, làm bánh tét Trà Khuôn ở Trà Vinh, làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở An Giang…

Tuy nhiên, để các làng nghề gắn kết với phát triển du lịch, cần khuyến khích người dân hợp tác làm ăn theo mô hình kinh tế tập thể. Khi các làng nghề làm ăn đồng bộ, có quy mô sản xuất tập trung, thì ngành Du lịch cũng dễ dàng phối hợp nhằm hình thành các điểm du lịch làng nghề. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển làng nghề gắn với ưu tiên đầu tư, đặc biệt là đầu tư vốn.

Để phát huy các giá trị mang lại từ làng nghề truyền thống, tỉnh đã có đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch từ năm 2012 - 2015. Hy vọng, với đề án này, cùng với sự quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của người dân sẽ tạo nên “cú hích” mới cho làng nghề phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp - nông thôn.

(Theo Báo Bạc Liêu)
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.517.083
Tổng truy cập: