TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Thực phẩm ở siêu thị chỉ được quản lý trên giấy?
(Ngày đăng: 20/03/2014   Lượt xem: 360)

Lâu nay, siêu thị được người tiêu dùng biết đến là nơi cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn. Song, những vụ phát hiện thực phẩm tại siêu thị ghi sai nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng gần đây khiến người tiêu dùng hoang mang.
 
Nguồn: ITN

Người tiêu dùng đặt niềm tin ở siêu thị là bởi để được thành lập phải có đủ điều kiện của một địa điểm bán hàng hiện đại, nhất là phải có hàng hóa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, siêu thị sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa được bày bán, khác với thực phẩm tại các chợ truyền thống không ghi nguồn gốc xuất xứ, không có ai chịu trách nhiệm. Nhưng, báo cáo kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số siêu thị lớn cho thấy, nhiều loại rau quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, thiếu thông tin kiểm định đang được bày bán tại đây. Thậm chí, một số mặt hàng tuy do một đơn vị khác sản xuất, đóng gói, song lại được bày bán dưới nhãn hàng của siêu thị và thường không có hạn sử dụng kèm theo. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thực phẩm như thực phẩm chín, thực phẩm ăn liền… thông số về ngày hết hạn sử dụng khá mập mờ, không có ngày cụ thể. Điều này khiến người tiêu dùng mua hàng trong tình trạng mơ hồ về chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, bao bì đóng gói của một số loại thực phẩm như rau quả không ghi tên đơn vị sản xuất, cung cấp mà chỉ có thông tin chung chung về trọng lượng, giá cả, xuất xứ trong nước.

Thực trạng này là điều khó hiểu với người tiêu dùng. Bởi các siêu thị thường có tiêu chuẩn chặt chẽ và kiểm định hàng hóa trước khi chấp thuận cho doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp chính. Chẳng hạn, các mặt hàng thực phẩm phải có hồ sơ công bố chất lượng kèm theo; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế… Ngoài ra, theo đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, siêu thị không chỉ kiểm tra hồ sơ, mà còn cử đại diện kiểm tra từ khâu nuôi trồng, quy trình sản xuất đến khâu chế biến thực phẩm của doanh nghiệp cung cấp. Và hệ thống siêu thị cũng tiến hành các cuộc kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về dư lượng kháng sinh, dinh dưỡng, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại, vi sinh theo quy định của Bộ Y tế qua lấy mẫu ngẫu nhiên. Những siêu thị có uy tín và nghiêm túc trong kinh doanh thường quan tâm, chú trọng đến quy trình sản xuất hàng hóa, thực phẩm.

Nhưng trên thực tế, hiện vẫn có một số siêu thị lơ là trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân, do mỗi siêu thị cung cấp nhiều loại hàng hóa nên để tiến hành kiểm tra toàn bộ, giám sát từng nhà cung cấp thì đòi hỏi nhiều về kinh phí và thời gian. Bởi thế, các siêu thị này chủ yếu kiểm tra hàng nhập dựa trên hồ sơ hay giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mà nhà sản xuất cung cấp. Không những vậy, siêu thị còn bỏ qua công đoạn kiểm tra thực tế quá trình sản xuất sản phẩm. Điều này đã tạo nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng tuồn vào siêu thị một cách dễ dàng hơn.

Trong khi trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối chưa được các siêu thị làm tròn, thì việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng liên quan lại khá lỏng lẻo, mang tính hình thức. Cơ quan chức năng thường chỉ căn cứ vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm do siêu thị cung cấp. Thêm vào đó, khi phát hiện thiếu các giấy chứng nhận liên quan, cơ quan chức năng cũng chỉ yêu cầu bổ sung đầy đủ giấy tờ cần thiết, và thường không có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm. Bởi vậy, thời gian qua, tình trạng các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm sạch mà không sạch vẫn dễ dàng được bày bán tại các siêu thị ngày càng phổ biến và đang làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Thực trạng quản lý trên giấy đặt ra câu hỏi lớn là hệ quả thực sự ra sao, nếu các mặt hàng không bảo đảm chất lượng vẫn dễ dàng vào được cả kênh phân phối được người tiêu dùng đặt nhiều niềm tin như siêu thị? Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng xem xét, có các chế tài xử phạt nghiêm, tránh tình trạng siêu thị qua mắt người tiêu dùng và lấy lại niềm tin của khách hàng.

                                                                                                                            Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.394
Tổng truy cập: