TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Sơn Đoòng: hang chỉ đẹp khi còn… nguyên thuỷ
(Ngày đăng: 19/03/2014   Lượt xem: 382)

Dù chỉ mới là ý định của nhà đầu tư nhưng thông tin xin làm cáp treo, xây chùa trong hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đã làm dấy lên trong dư luận những lo ngại về việc phá vỡ cảnh quan thiên thiên, hệ sinh thái tại hang động lớn nhất thế giới này.


Sự kiện hang Sơn Đoòng với danh sách đăng ký kín khách đến hết 2015, nói lên sức hấp dẫn và cuốn hút của loại hình du lịch thám hiểm còn rất xa lạ với người Việt. Mức phí trung bình được các phương tiện thông tin cung cấp trích dẫn từ công ty duy nhất hiện nay có đủ phương tiện, nhân sự và kinh nghiệm đưa khách khám phá Sơn Đoòng là Oxalis, lên tới 3.000 USD cho một hành trình thám hiểm. 
Con số 3.000 USD để khám phá hết chiều dài một hang động lớn nhất thế giới, đẹp nhất thế giới, trong suy nghĩ của dân du lịch Việt, từ du lịch hạng sang đến bụi… là một con số không tưởng.
Nhưng khách du lịch nước ngoài nghĩ khác, rằng bỏ ra chừng ấy tiền để chiêm ngưỡng vẻ đẹp không đâu có này, thật là rẻ. Nhớ lại những hành trình khám phá hang Én (nằm trên lộ trình đến cửa trước hang Sơn Đoòng), khách tham gia cũng đa phần là người nước ngoài. Bởi yếu tố hoang sơ, nét đẹp tự nhiên, đó chính là sự khác biệt mà họ muốn trải nghiệm.
 Vẻ diễm lệ của hang Sơn Đoòng. Ảnh: National Geographic

Những hang động ở Việt Nam khi đưa vào khai thác, bắt đèn xanh đỏ tím vàng, xây lắp đường đi để đảm bảo an toàn cho du khách, bán vé vào cửa tham quan… kỳ thực chỉ thu được bạc lẻ, mà nhiều lúc còn bị kêu ca. Báo chí từng có những bài viết nói về giá vé “ngất trời” ở động Thiên Đường, xem giá chỉ có… 120.000 đồng/người lớn, 60.000 đồng/trẻ em. 
Nếu cộng tiền bán vé cả năm của hai hệ thống hang động này, đem so với mức giá người nước ngoài dám bỏ tiền đi thám hiểm những hang động quanh vùng như hang Én, hang Tú Làn, cao cấp hơn nữa là Sơn Đoòng, sự chênh nhau của hai con số kinh doanh ấy dư khiến nhiều người giật mình.
Việc thám hiểm, khám phá vẻ đẹp hang động vẫn còn lạ lẫm với du lịch trong nước, dù Việt Nam là một miền thiên đường cho thám hiểm hang động, nhất là ở khu vực Quảng Bình. 
Câu chuyện cộng đồng mạng, báo chí xôn xao việc có hay không việc xây dựng hạ tầng để khám phá Sơn Đoòng, nghe qua là chuyện không tưởng, bởi cần phải có rất nhiều tiền mới có thể vận chuyển thiết bị, vật liệu, cùng nhiều năm thực hiện, cộng với đáng kể thảm rừng bị tàn phá, hệ thống thạch nhũ trong hang bị xâm hại. Theo lộ trình hiện nay, để đến được cửa hang trước của Sơn Đoòng, mất một ngày rưỡi đường rừng. 
Nếu vào Sơn Đoòng theo cửa sau, mất khoảng nửa ngày đường. Thử nhẩm tính chuyện làm một con đường đến miệng hang, rồi xuyên suốt hơn 5km chiều dài lòng hang… tiền bao nhiêu cho đủ? Và khi hoàn thiện, liệu du khách có tìm đến như Sơn Đoòng hiện nay, hay chỉ đến một lần trong đời cho biết, sau đó chẳng dại gì quay trở lại?
Tất nhiên, việc thám hiểm, khám phá Sơn Đoòng hôm nay không dành cho những tuyến du lịch thông thường, bởi ở đó cần một đội ngũ dẫn đường dạn dày kinh nghiệm, cùng thiết bị hiện đại, mới đủ đảm bảo an toàn cho hành trình. Người tham gia cũng phải có sức khoẻ và đam mê, cộng với một ý thức bảo tồn, tôn trọng thiên nhiên. 
Chuyện bẻ thạch nhũ, nhặt các viên đá trong hang về làm kỷ niệm, viết vẽ tên lên thạch nhũ… chưa dẹp bỏ trong ý thức khách lữ hành, thì cũng còn lâu lắm du khách ấy mới có thể quý trọng vẻ đẹp từng centimet cả triệu năm mới có được ở các khối thạch nhũ kỳ bí.
Hang Sơn Đoòng nói riêng, và cả rất nhiều những hang động ở khu vực Phong Nha – Quảng Bình nói chung, chỉ đẹp, cuốn hút nếu giữ được nét nguyên thuỷ của nó.

GS Đặng Huy Huỳnh, phó chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường: Phải tính đủ mọi tác động môi trường

Những dự án cáp treo ngược núi thời gian qua đã được xây dựng nhiều ở Việt Nam, nhằm phục vụ mục đích phát triển du lịch. Vấn đề là phải có đánh giá tác động môi trường từ diện tích cây cối bị chặt phá, các loại rừng, sinh vật cư trú… Bởi khi làm cáp ở Fansipan cũng như ở Bà Nà (Đà Nẵng), Đà Lạt, Yên Tử… nếu tính được ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tới rừng ít thì tất nhiên không sao; nếu tác động nhiều đến rừng thì không được. Bởi, như thời gian qua từng ghi nhận tình trạng cháy rừng ở dãy Hoàng Liên Sơn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng, tới Lào Cai và nhiều tỉnh lân cận. Vì vậy, cần cân nhắc diện tích chặt phá rừng, cung đường đặt cáp, chiều dài cáp, những nguy cơ tới rừng khi cáp treo chạy qua. Hiện rừng ngày càng ít, trong khi vai trò của nó đối với biến đổi khí hậu, với con người thì cực kỳ quan trọng. Vì vậy, không nên tính một chiều lợi là phát triển du lịch, kinh tế mà phải đặt ra một cách nghiêm túc rủi ro của công trình tới hệ sinh thái, tới rừng. Du lịch kinh tế chỉ là chuyện trước mắt, tức thời, còn rừng có vai trò và ý nghĩa lâu dài, cho muôn đời sau.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu: Nếu có, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan

Phải công nhận một thực tế, việc xây cáp treo cũng có mặt tích cực là giúp cho người già, sức khoẻ không tốt… được tiếp cận cảnh đẹp thiên nhiên. Tuy nhiên, xây công trình thì chắc chắn sẽ gây ra những tác động về cảnh quan, môi trường. Vấn đề là phải có bản đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, việc đầu tư xử lý sao cho giảm thiểu tối đa thiệt hại đến hệ sinh thái. Bởi, hệ thống máy móc vận hành, kéo theo sự xuất hiện đông đảo du khách sẽ làm cho động vật hoang dã sợ, chưa kể đến việc gia tăng số lượng người tới đây, tạo ra những dịch vụ tương ứng có thể gây ô nhiễm, tăng nguy cơ cháy rừng… Kinh nghiệm khai thác ở các nước, chẳng hạn Nepal, trong tour tham quan đỉnh Everest, du khách phải ký quỹ (đóng trước một khoản tiền trách nhiệm với môi trường), nếu mang bao, túi nilon lên thì phải đem về, nếu xả rác bừa bãi thì bị mất tiền ký quỹ… Quan trọng là cái tâm của nhà đầu tư, các đơn vị khai thác tới môi trường, sinh thái.
Trọng Văn ghi

                                                                                                            Theo: motthegioi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.263
Tổng truy cập: