TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Thực hiện ”Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”: Bắt đầu từ ý thức của người dân
(Ngày đăng: 27/02/2014   Lượt xem: 451)

 Ngày 2-1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" nhằm tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân Thủ đô. Ngay sau đó, đã có 32 đơn vị, địa phương bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch và ra quân triển khai thực hiện chỉ thị. PV Báo Hànộimới ghi nhận ý kiến đóng góp của một số cán bộ địa phương và người dân về vấn đề này.

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ): Phấn đấu đạt “Phường chuẩn văn minh đô thị”Là phường đầu tiên của quận Tây Hồ được công nhận


 

là phường văn hóa, UBND phường Quảng An rất có ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự kỷ cương trong sinh hoạt và trong tổ chức lễ hội. Đặc biệt, trên địa bàn phường có phủ Tây Hồ nổi tiếng cả nước, thu hút hàng nghìn lượt du khách viếng thăm vào dịp cuối năm và đầu năm mới. Từ cuối năm 2013, cấp ủy đảng, chính quyền đã lên phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại đây khá chi tiết, thu được nhiều tiến bộ hơn so với năm trước. Thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND "Năm trật tự và văn minh đô thị" cùng với hướng dẫn của Sở Nội vụ về lĩnh vực này, UBND phường Quảng An tiếp tục phát huy kết quả những ngày đầu xuân, tăng cường công tác tuyên truyền về nếp sống đô thị, nhất là tại nơi di tích văn hóa như không để rác bừa bãi, bảo đảm phương tiện tham gia đúng phần đường, bố trí chỗ trông giữ xe phù hợp, thuận tiện… phấn đấu xây dựng "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị".

Anh Nguyễn Trường Sơn (phố Nhân Chính, quận Thanh Xuân): Vào cuộc quyết liệt, tạo hiệu ứng tích cực



Nhiệm vụ của "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" tập trung vào những vấn đề cốt lõi đang có ảnh hưởng lớn đến diện mạo Thủ đô. Có thể nói, ở lĩnh vực nào cũng tồn tại những vấn đề "nhức nhối" như vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phức tạp, ùn tắc, tai nạn giao thông chưa giảm, tình trạng vứt rác, phế thải không đúng quy định xuất hiện khắp mọi nơi… Tập trung tạo chuyển biến trong những lĩnh vực này không chỉ là mong muốn của lãnh đạo thành phố mà còn là mong muốn của đông đảo nhân dân Thủ đô, bởi ai cũng muốn sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp cùng với ý thức thượng tôn pháp luật. Để đạt kết quả cao, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, sự nêu gương của cán bộ, công nhân viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, tạo hiệu ứng tích cực vào ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh lịch sự của mỗi người dân.

Chị Chu Thu Huyền (phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình): Phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ

 

Luật Giao thông đường bộ quy định rõ ràng "vỉa hè dành cho người đi bộ" nhưng nhiều năm qua, phần đường dành cho người đi bộ luôn bị vi phạm trắng trợn. Đủ loại hoạt động như hàng rong, lều lán, ki ốt kinh doanh, trông giữ xe không phép, trái phép… diễn ra trên hầu hết tuyến đường, tuyến phố khiến người đi bộ chỉ còn cách lấn sang phần đường của phương tiện cơ giới. Tình trạng đi xe máy lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ cũng diễn ra khá phổ biến khiến người đi bộ rất lo ngại. Đã có nhiều chiến dịch, phong trào ra quân nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông tại Thủ đô nhưng xem ra người đi bộ vẫn bị "lép vế". Nếu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán chợ cóc, chợ tạm, các điểm trông giữ phương tiện trái phép, không phép… thì mới có nhiều cơ hội giành lại phần vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Vũ Đình Biên (Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên): Tập trung tuyên truyền để người dân điều chỉnh hành vi


Trong nhiều năm qua, thành phố không ngừng nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhiều tiêu chí thi đua được đặt ra làm cơ sở bình chọn các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố, Khu dân cư văn hóa"… Mỗi địa phương còn có cả một Ban Chỉ đạo 197 để kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, ý thức tự giác chấp hành của người dân chưa cao nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép, lấn chiếm đất công, họp chợ trái phép vẫn diễn ra phức tạp. Để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an ninh trật tự, an toàn văn minh, vệ sinh môi trường theo chỉ thị của thành phố, rất cần tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, mọi lúc mọi nơi, để người dân hiểu và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình theo đúng quy định. Điều này cũng nhằm tạo điều kiện cho người dân được hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Xóa bỏ được cảnh "chợ chính đìu hiu, chợ cóc đắt hàng" sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan, lòng lề đường không bị lấn chiếm, không còn tình trạng xả rác bừa bãi, không còn cản trở giao thông. Bên cạnh đó là tăng cường lực lượng tự quản với những chế độ phụ cấp thỏa đáng nhằm huy động sức mạnh của quần chúng tham gia xây dựng trật tự và văn minh đô thị.
                                                                                         Theo: hanoimoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.519.874
Tổng truy cập: