TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Hé lộ thú vị sau Bản sắc phong đầu tiên ngành y
(Ngày đăng: 27/02/2014   Lượt xem: 332)
Một bản sắc phong quý hiếm về ngành y đã được ông Bùi Văn Tuyến ở thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương lưu giữ suốt nhiều năm qua...

Mục sở thị bản sắc phong quý hiếm

Theo quan sát của chúng tôi, bản sắc phong màu vàng có kích thước dài 130cm, rộng 50cm, chất liệu là loại giấy dó Long Đằng (loại giấy thường dùng để viết sắc phong cổ). Trên nền sắc phong là hình tượng rồng 5 móng, vờn mây được in bằng mực có ánh bạc trên nền nhũ vàng, tổng thể của bản sắc phong như một bức tranh nghệ thuật mang dấu ấn thời gian.

Bản sắc còn nguyên vẹn, dấu triện dùng mực son, sắc nét, ghi chữ: "Sắc mệnh chi bảo". Dưới chữ nhật (tức ngày ở hàng niên đại) có triện hình chữ nhật đã mờ, ghi ba chữ: "Nhưng phó hoàn" (bản giao cho người được phong chức). Chữ viết thảo bằng bút lông, sắc nét không hề bị phai nhòa theo thời gian. Nét chữ mang phong cách chữ viết sắc phong đời Lê Trung Hưng.

Hé lộ thú vị sau Bản sắc phong đầu tiên ngành y - Ảnh 1

Ông Bùi Văn Tuyến, người đang giữ bản sắc phong quý hiếm.
Ông Tuyến còn cho chúng tôi xem bản dịch của hội Khảo cổ học Việt Nam. Theo đó, bản sắc được viết chữ Hán - Nôm, dịch ra có nghĩa là: "Sắc ban cho Nhiêu nam Bùi Thế Hiển, ở xã Hoạch Trạch, huyện Đường An. Là người theo hầu thực hành công việc đã lâu, lại vâng lệnh thi nghề y thuộc  y khoa, nhiều lần đỗ trúng cách.

Được dự làm Thủ phiên, làm việc chuyên cần, đã từng được giao chức Lương y chính. (Nay) ấm phong tước: Tiến công thứ lang, làm Lương y chính ở sở Lương y thuộc Cẩm y vệ. Chiểu theo quy định phép tắc, vậy ban sắc. Ngày 27 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744)".

Như vậy, bản sắc phong này ngót nghét 270 năm tuổi. Ông Tuyến cho biết thêm: “Bảo tàng Hải Dương đã thẩm định văn bản học, cho thấy, đạo sắc phong này tuy có kích thước, hình thức trang trí giống những sắc phong thành hoàng làng thời Lê Trung Hưng (1533-1789) nhưng khác ở nội dung.

Đây là sắc của vua phong cho người có chuyên môn y học dân tộc chức Lương y chính. Sắc phong thần, ban mỹ tự cho thành hoàng làng, những bản sắc phong này có khá nhiều tại các đình làng ở Hải Dương cũng như trên cả nước.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp bản sắc phong cho người có trình độ chuyên môn về y học, sự lao động khổ nhọc trong ngành y được các nhà cầm quyền thời bấy giờ đánh giá cao và cho giữ chức Lương y chính, được điều động đến công tác ở sở Lương y thuộc Cẩm y vệ”.

Có một số từ cổ cần giải nghĩa: Từ "Tiến công thứ lang" là huân cấp (còn gọi là ấm phong) cho con trưởng, hàm chánh bát phẩm do người cha có hàm tòng nhị phẩm.

Còn từ "Cẩm y vệ", theo sách Từ điển chức quan Việt Nam của tác giả Đỗ Văn Ninh do nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2002 biên soạn, ghi: Chức năng nhiệm vụ của Cẩm y vệ là xét kiện. Bộ máy của Cẩm y vệ có sở Lương y, có chức Lương y chính. Cẩm y vệ, hiểu theo ngôn ngữ hiện đại là thuộc cơ quan toà án, người công tác ở cơ quan này chủ yếu có chuyên môn về pháp luật. Như vậy, việc bố trí đơn vị chuyên môn thời Lê Trung Hưng ở cơ quan tòa án khác hiện nay. Sắc phong này có giá trị giúp người nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, nghiên cứu về tổ chức bộ máy thời xưa. Đạo sắc phong chức Lương y chính này có lẽ là độc bản ở Hải Dương.

Hé lộ thú vị sau Bản sắc phong đầu tiên ngành y - Ảnh 2

Dấu ấn Sắc mệnh chi bảo.

Hé lộ thú vị sau Bản sắc phong đầu tiên ngành y - Ảnh 3

Toàn cảnh Bản sắc phong cổ.

Ước vọng tìm lại tiên tổ và 2 bản sắc phong bị lạc

Để diện kiến bản sắc phong quý hiếm, chúng tôi mất khá nhiều công để thuyết phục ông Tuyến, bởi ông cho rằng, việc mở sắc phong của các cụ tiên tổ để lại, mà nhất là sắc phong vua ban, cần có những quy tắc nhất định.

Khi xưa, bố ông một năm chỉ mở sắc phong một lần vào ngày thanh minh hàng năm, sau đó đem phơi để đảm bảo độ bền theo thời gian của bản sắc phong. Việc cho chúng tôi diện kiến bản sắc phong này, ông tự cho là mình hỗn.

Thế nhưng, rất may mắn, chúng tôi đã có dịp mục sở thị bản sắc phong quý hiếm của dòng họ Bùi Văn và đó cũng là một bản sắc phong hiếm có của tỉnh Hải Dương.

Ông Bùi Văn Tuyến cho biết, quê gốc của ông ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang). Do hoàn cảnh gia đình, ông Tuyến cùng mẹ về quê bà ngoại sinh sống từ lúc còn nhỏ. Khi về Mao Điền, gia đình mang theo sắc phong để trong ống quyển bảo vệ. Về sắc phong, theo di ngôn của các cụ trong dòng họ, trước có ba đạo nhưng đã mất hai bản.

Dòng họ Bùi là tổ của ông Tuyến từng có người làm quan to, được vua cho quyền “tiền trảm hậu tấu”. Theo ông Tuyến, bản sắc phong “tiền trảm hậu tấu” của dòng họ ông có từ thời nhà Nguyễn, tuy nhiên ông đã nhiều lần tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy. Để tìm lại những bản sắc phong cổ của dòng họ, ông Tuyến đã lần tìm theo nhiều dấu vết thời gian, từ bia của văn miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương), nơi ghi dấu những người đạo học tỉnh Đông đến văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội theo thời gian nhưng chưa hề có kết quả.

Di sản về tổ tiên chỉ còn ngai thờ cổ, việc xác định được niên hạn cũng như tìm lại bản sắc phong đối với ông có ý nghĩa hết sức to lớn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tuyến chia sẻ, trước kia, gốc gác gia đình ông có nhiều người học cao, làm quan to, thế nhưng không biết từ đời nào, sau khi thất lạc những bản sắc phong, gia đình trở nên lụi bại, các thế hệ trước ông đều chịu cảnh cô quả từ sớm. Đến đời ông phải về quê ngoại sinh sống.

Sắc phong do nhà vua các triều đại dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công... Loại này không còn nhiều và thường do các gia đình dòng họ lưu giữ nên không mấy khi được phổ biến ra trước công chúng. Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử như quê quán, công trạng và xếp hạng (nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng tôn thần), biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó; nó chứa đựng một số thông tin có thể bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian.

Qua sắc phong, người ta có thể biết thêm những thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Đây là một loại cổ vật rất giá trị do có tính độc bản và là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện.

                                                                                       Theo: nguoiduatin
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.520.427
Tổng truy cập: