TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Phá cầu Long Biên là phủ nhận công lao của cha ông
(Ngày đăng: 25/02/2014   Lượt xem: 379)


Nhiều người dân Hà Nội phản đối việc di dời, tu tạo hay phá bỏ cầu Long Biên theo 3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra. Họ cho rằng, bỏ cầu Long Biên khác nào phụ nhận công lao của bao thế hệ cha ông.

Nên xây cầu mới cạnh cầu cũ

Được coi là chứng nhân lịch sử, là di sản của Thủ đô, cầu Long Biên đã gắn liền và in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bởi vậy, khi Bộ GTVT đưa ra 3 phương án di dời, tu tạo hay xây mới cầu đã vấp phải sự phản đối của dư luận, nhất là người dân Hà Nội.

Nhiều người dân quanh khu vực cầu Long Biên đưa ra đề xuất: “Nếu để giải quyết vấn đề giao thông thì xây dựng một cây cầu mới bên cạnh. Còn cầu Long Biên cũ thì nên giữ để bảo tồn và chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp tham quan, tập thể dục”.


Ông Khuất Quang Thượng: Nếu di dời hay tu tạo thì cầu trở nên nhom nhem mà lại mất đi ý nghĩa của nó

Ông Khuất Quang Thượng, 75 tuổi sống ở đầu cầu Long Biên, đường Ngọc Lâm nêu ý kiến: “Khi mới xây, cầu Long Biên là cây cầu lớn nhất Đông Dương. Khi Mỹ đánh bom thì nó đã bị thay thế một phần và đến nay vẫn mang rất nhiều "chiến tích lịch sử". Trong khi việc di dời hay phá đi để xây mới cũng tốn rất nhiều tiền, sao không xây hẳn một cây cầu khác y hệt ngay bên cạnh, ghép đôi hai cầu lại với nhau, vừa giải quyết được vấn đề giao thông mà vẫn giữ được cây cầu mang ý nghĩa lịch sử.

“Vị trí cầu Long Biên này rất đẹp. Với hình dáng nhấp nhô, là biểu tượng của con rồng chứ không phải tự dưng mà người ta dựng lên một cây cầu có hình dáng như thế. Trong lịch sử Việt Nam và cả thế giới, ít có cây cầu nào đẹp như vậy. Giữ lại nó cũng như giữ lại một cái gì đó rất cổ xưa, mang nét cổ kính của một Hà Nội nghìn năm văn hiến”, ông Thượng chia sẻ thêm.

Ông Phùng Vĩnh Khang, nhà ở Hàng Giấy, Hà Nội, hàng ngày vẫn đi lại trên cầu Long Biên. Đối với ông, nó như một kỷ niệm từ thời chiến tranh, là con đường huyết mạch đầu tiên bắc qua sông Hồng. Nếu phá bỏ hoặc di dời thì sẽ mất đi nhiều ý nghĩa mang tính dân tộc và phủ nhận công lao của cha ông ta.


Từng nhịp cầu nhấp nhô là biểu tượng của con rồng

Còn chú Khang cho rằng: Cầu Long Biên là cây cầu có thể được coi như cổ vật. Từ năm 2010 đến nay, cầu không được sơn sửa nên bị hoen gỉ nhiều. Nếu muốn, có thể xây thêm một cây cầu nữa sát cạnh, không cần phải bỏ cầu này. Như trong thành phố Hồ Chí Minh, tuy có rất nhiều chợ nhưng người ta vẫn muốn giữ nguyên chợ Bến Thành để bảo tồn và phát huy những cái cổ mà lại mang tính lịch sử dân tộc, Chú Khang dẫn chứng.

Những chiến tích không quên

Nói đến cầu Long Biên, nhiều người nghĩ ngay đến Hà Nội và những chiến tích hào hùng trong hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc. Khi đất nước phát triển, nên chăng chúng ta càng phải giữ những gì thuộc về lịch sử, cần phải bảo tồn để các thế hệ sau tiếp bước cha ông.

Cầu Long Biên đã đi vào lịch sử của cả dân tộc, đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy. Trải qua hơn một thế kỷ, dù nó đã bị hao mòn, xuống cấp theo thời gian, nhưng những dấu tích vẫn còn đó. Những trang sách giáo khoa nói về lịch sử hào hùng của dân tộc, về cây cầu Long Biên, nếu đập phá hay di dời thì liệu ý nghĩa giáo dục có còn?.

Bác Lê Thị Thúy, ở ngõ 219, đường Long Biên nói: “Không thể phá được. Cây cầu này là một di tích lịch sử, cha ông ta đã đổ bao nhiêu xương máu để xây dựng. Hơn nữa nó đang còn gắn  liền với đường sắt nữa, sao có thể nói phá là phá được.”.


Cầu Long Biên vẫn đang gắn liền với đường sắt

“Không chỉ là di tích lịch sử của hai cuộc kháng chiến dài nhất Việt Nam, mà nó gần như là một bản trường ca hào hùng của cả dân tộc. Nếu như xóa bỏ nó thì cũng như xóa bỏ một di tích lịch sử. Từ cuộc trường chinh chống Pháp, quân ta phải rút khỏi như thế nào cũng ở dưới gầm cầu này, rồi những nhịp cầu do Mỹ đánh bom chúng ta phải làm lại ra sao, tất cả những cái đó đều là vết thương chiến tranh. Dù bây giờ đã xóa bỏ hận thù, nhưng đó vẫn là một di tích chúng ta nên giữ gìn và bảo tồn”, một người dân khác ở đường Long Biên nêu quan điểm.

Trong sách của ông Paul Doumer có nói, khi đặt viên đá khởi công có nhiều quan chức Pháp lẫn Việt tham dự, trong đó có thống soái Bichot, đô đốc Beaumont. Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi hiện thực. Nhìn vị trí các trụ cầu được đánh dấu bằng cờ, có người mỉa mai: “Định đặt chỉ một sợi dây cáp từ bờ này sang bờ kia để hướng dẫn tàu thuyền sao?”. Nhưng công việc xây cầu đã được khởi động.

Chính ông Paul Doumer cũng kể công nhân Việt được đưa vào những lồng sắt thả xuống lòng sông để đào móng sâu dần xuống đất. Nó cứ dần xuống sâu và áp lực nước lên nó cũng tăng khủng khiếp. Từ đáy sông xuống sâu 25m, 30m, thậm chí 33m... Thợ làm việc liên tục bốn giờ bằng không khí nén trong lồng mới được thay ca khác.

Ngay sau khi làm trụ cầu xong, người ta lắp ráp những dầm sắt được đưa đến từ nước Pháp. Paul Doumer kể, ban đầu một số người Trung Quốc được tuyển dụng làm thợ đinh tán nối các thanh dầm sắt với nhau vì họ khỏe hơn người Việt. Nhưng rồi người Việt đã thay thế dần vì họ chăm chỉ, khéo léo hơn. Và các kỹ sư Pháp cũng thích dùng thợ Việt hơn.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1(1965-1968),,cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần làm hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của không lực Hoa Kỳ (1972), cầu lại bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt.

Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh và phòng không Việt Nam xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5 m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa), để vẫn có thể bắn máy bay Hoa Kỳ khi có lũ cao nhất. Bộ đội Phòng không Việt Nam dùng máy bay trực thăng cẩu pháo, khí tài chiếm lĩnh trận địa. Ngoài ra còn có lực lượng phòng không hải quân gồm: các tàu tuần tiễu tham gia bảo vệ cầu.

Các nhịp của cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới. Lịch sử sử dụng cầu Long Biên đã chứng kiến các điểm cao trên thành cầu trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ trong thời gian chiến tranh.
                                                                                                                                   Theo: tamnhin
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.641
Tổng truy cập: