TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Công ước quốc tế của UNESCO: Cần được hiểu hơn tại Việt Nam
(Ngày đăng: 24/02/2014   Lượt xem: 340)
Du khách quan tham di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam.

NDĐT- Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, chương trình hoạt động của UNESCO, nhưng việc quảng bá, phổ biến rộng rãi các công ước, chương trình này còn hạn chế, bởi chính những hạn chế trong công tác thông tin, truyền thông và các hoạt động tuyên truyền của ngành văn hóa.

Chưa đến nơi đến chốn…

Cuộc tập huấn mới đây nhất của Văn phòng UNESCO về các công ước và chương trình quốc tế của UNESCO tại Hà Nội cho một số nhà báo, phóng viên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật thuộc các cơ quan báo chí, cho thấy sự cấp thiết trong việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các công ước, chương trình hoạt động, văn bản của UNESCO đến không chỉ giới thông tin, truyền thông, mà còn là đông đảo các địa phương và cơ quan đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hay có liên quan đến văn hóa.

Đòi hỏi này bắt nguồn từ thực tế, do không hoặc ít có điều kiện tiếp cận các công ước, chương trình hoạt động của UNESCO hay những văn bản pháp luật về di sản văn hóa tại Việt Nam, nên trong hoạt động truyền thông nói chung hay cách hiểu, cách nghĩ, cách nói về các danh hiệu di sản mang tầm quốc tế ở Việt Nam… nhiều khi thiếu chính xác. Thí dụ, di sản tư liệu được công nhận trong chương trình ký ức thế giới của UNESCO, đã thiếu rõ ràng trong việc công bố danh hiệu ở cấp độ khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay trên toàn cầu.

Đội quan họ thiếu nhi hát quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại chùa Hồng Ân, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh.

Thêm nữa, không hiểu đủ, hiểu đúng tinh thần của các công ước, văn bản cũng dẫn đến tư duy, quan niệm thiếu tích cực trong quá trình phục hồi, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nhiều nơi. Thí dụ, với nghệ thuật ca trù, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thì công tác phục hồi, bảo tồn để mau chóng đưa ca trù ra khỏi cảnh “cần bảo vệ khẩn cấp” còn diễn ra chậm chạp, nặng về hình thức. Cũng như vậy, vụ việc tự ý xây kè suối trong khu thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, cách đây chưa lâu, đã gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan ở khu vực con suối này. Hoặc, trong quá trình xây dựng hồ sơ, vận động, đề cử di sản vào danh sách đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu, thì chương trình hành động, công tác bảo tồn di sản chưa được chú trọng đúng mức. Trong khi đó, UNESCO chủ trương sớm chú trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, chứ không đợi đến khi di sản được công nhận danh hiệu, thì mới bắt tay vào bảo tồn.

Còn ít mô hình tuyên truyền

Hiện nay, các công ước của UNESCO như Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa năm 1970, Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972, Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước năm 2001, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa năm 2005, Chương trình ký ức thế giới (Di sản tư liệu thế giới) ra đời từ năm 1994… đang đứng trước yêu cầu cần được phổ biến rộng rãi hơn. Các công ước thể hiện những quan điểm tích cực trong sự trân trọng các giá trị văn hóa, nghệ thuật, xã hội, môi trường… của các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu…, gắn liền các di sản và các giá trị của chúng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Và như vậy, những nội dung này, sẽ là gợi mở cho ngành văn hóa và chính quyền các địa phương để có những hoạt động bảo tồn, ứng xử phù hợp với trạng thái tồn tại của di sản.

Ca nương Trà My thể hiện một tác phẩm ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

TS Dương Bích Hạnh – Trưởng Ban văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, văn phòng đang nỗ lực dịch các văn bản của UNESCO ra tiếng Việt và quảng bá, giới thiệu. “Còn rất nhiều việc phải làm trong hoàn cảnh mà các điều kiện, nhất là nhân lực rất hạn chế. Để đi và tổ chức tập huấn ở khắp các tỉnh, thành phố, các huyện là không thể, hy vọng có nhiều sáng kiến từ báo chí gửi đến UNESCO Hà Nội để chúng tôi có thể tiếp thu, xây dựng những kênh truyền thông trong tầm tay”, TS Hạnh nói.

Còn bà Nguyễn Kim Dung – Trưởng Phòng di sản văn hóa phi vật thể - Cục di sản văn hóa cho biết, hàng năm Cục đều tổ chức tập huấn cho cán bộ trong ngành tại các phòng quản lý di tích, các cán bộ tại các Sở VHTT&DL… Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng chủ trương tăng cường phổ biến Luật di sản văn hóa đến các đối tượng thực thi công tác bảo tồn di sản. Bản thân các địa phương cũng tổ chức tập huấn lại, có thể có sự hỗ trợ về chuyên môn của Cục. Tuy nhiên, cũng theo bà Dung, các công tác này chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn.

a

Tập huấn về các công ước và chương trình quốc tế của UNESCO ngày 21-2.

Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước và chương trình của UNESCO. Nhưng việc quảng bá rộng rãi và áp dụng trong thực tế thì phải chăng vẫn chậm chạp ở các cấp cơ sở? Trong khi các cơ quan văn hóa, quản lý tại các địa bàn cơ sở lại là lực lượng trực tiếp trông nom, giữ gìn di sản. Điều này đòi hỏi, ngoài các chương trình tập huấn định kỳ, các cơ quan quản lý, nghiên cứu về di sản, cùng với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cần phối hợp nhiều hơn để nghiên cứu, thực hiện các chương trình tuyên truyền, truyền thông trong ngành văn hóa, du lịch và ngoài xã hội qua báo chí, các chương trình xuất bản sách, các cuộc thi từ quy mô toàn quốc cho đến các địa phương, cộng đồng nơi có di sản.

                                                                                                Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.584
Tổng truy cập: