TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Phục hồi, lưu giữ những điệu múa cổ
(Ngày đăng: 21/02/2014   Lượt xem: 357)
Điệu múa Kéo lửa thổi cơmcủa làng Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh trình diễn tại Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ tư.

Trong văn hóa dân gian của Thăng Long - Hà Nội, những điệu múa cổ còn là một "ẩn số", chưa được nghiên cứu đầy đủ và được nhiều người biết tới. Một số điệu múa nếu không được nghiên cứu rất dễ bị mai một, thậm chí bị biến tướng. Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đang nghiên cứu, từng bước phục hồi các điệu múa cổ, làm giàu cho văn hóa Hà Nội.

Kho báu chưa nhiều người biết tới

Trong kho tàng văn hóa dân gian, có lẽ, loại hình nghệ thuật múa nằm ở vị trí khiêm tốn nhất. Thời gian qua, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian từng bước được khôi phục và được xã hội quan tâm, nhưng sự quan tâm đến nghệ thuật múa vẫn bị "lép vế". Hà Nội là nơi có rất nhiều điệu múa cổ độc đáo, của cả hai vùng văn hóa chính là Thăng Long và xứ Đoài.

Chẳng hạn như ở Lỗ Khê (huyện Đông Anh), ngoài cái nôi ca trù, nơi đây có điệu múa bỏ bộ rất độc đáo. Đây là điệu múa trình diễn trong lễ hội ở Lỗ Khê. Các hoạt động lao động và sản xuất như: xe chỉ, quay tơ, bắt ốc, hái chè... được người xưa cách điệu hóa thành những điệu múa đẹp mắt, được trình diễn bởi những thanh nữ trẻ tuổi. Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) lại có điệu múa được coi là độc nhất vô nhị ở Việt Nam mang tên "con đĩ đánh bồng". Trình diễn điệu múa này, nam thanh niên Triều Khúc sẽ... mặc váy, hóa trang thành phụ nữ, chít khăn mỏ quạ, đánh má hồng, kẻ lông mày lá răm vừa nhún nhảy, vừa đánh trống. Mặc dù đây đều là những nét văn hóa độc đáo của Thủ đô, nhưng phần lớn người dân chưa được biết về sự tồn tại của những điệu múa này. Ngoài những điệu múa kể trên, Hà Nội còn những điệu múa độc đáo không kém như: Múa Bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) với nội dung ca ngợi đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa; múa Lục cúng trong những ngày lễ Vu lan (chùa Minh Quang, quận Đống Đa); múa Giảo long (làng Lệ Mật, quận Long Biên)... Khi Hà Nội được mở rộng, kho tàng ấy tiếp tục được nhân lên, được các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu, tập hợp.

Phần lớn các điệu múa cổ của Hà Nội đều gắn với các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh hoặc lễ hội. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các điệu múa trong lễ hội, có thể là nghi lễ chính thức trong phần lễ, hoặc là một trò vui trong phần hội. Đây là một nét đặc trưng của múa cổ Hà Nội. Một số điệu múa này giúp mọi người hiểu thêm về lịch sử hình thành của Thăng Long - Hà Nội, thí dụ như múa Giảo long ở làng Lệ Mật miêu tả Hoàng Phúc Trung đánh nhau với thủy quái để vớt xác công chúa thời nhà Lý bị chết đuối dưới sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), sau được nhà vua ban thưởng cho vùng đất rộng lớn phía tây thành Thăng Long lập nên thập tam trại, nay là các phường của quận Ba Đình...

Từng bước tìm lại vốn cổ

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích, Hà Nội có khoảng 80 điệu múa cổ. Trước đây, con số còn lớn hơn rất nhiều, nhưng cùng với thời gian, một số điệu múa đã mai một hoặc bị biến tấu.

Trước vấn đề này, để có cái nhìn có tính hệ thống và để bảo tồn nguyên gốc, từ năm 2006, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã bắt đầu quá trình nghiên cứu, khôi phục những điệu múa cổ. Theo nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích, Hội đã rà soát rồi cử người xuống từng địa phương gặp gỡ các nghệ nhân, ghi chép về các điệu múa cổ, từ sự hình thành cho đến các động tác vũ đạo... Với những địa phương đã bị mai một hay bị biến tấu, Hội tìm hiểu, động viên và kết hợp với chính quyền, nhân dân khôi phục bởi nhân dân chính là chủ thể những điệu múa này.

Do địa bàn rộng nên các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu lần lượt nghiên cứu và phục hồi những điệu múa dân gian tại khu vực nội thành và ven đô trước như: múa đèn ở hội đền Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng), múa rồng lửa ở Khương Thượng (quận Đống Đa), múa chén ở làng Mọc (quận Cầu Giấy), múa roi ở làng Cót (quận Cầu Giấy)... Sau đó, dự án mở rộng trên toàn địa bàn ngoại thành. Năm 2007, Liên hoan Múa cổ Thăng Long lần thứ nhất được tổ chức. Đó là lần đầu tiên những điệu múa cổ của Thăng Long được giới thiệu một cách rộng rãi đến công chúng. Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ tư vừa được tổ chức những ngày đầu xuân Giáp Ngọ vừa qua giới thiệu tám điệu múa cổ của các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, các điệu múa có tính chất tín ngưỡng như múa cấp sắc trong lễ cấp sắc của người Dao (ở bản Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì), múa rắn lột trong lễ hội Linh Lang Đại Vương (phường Việt Hưng, quận Long Biên)... hay múa trong các lễ hội dân gian như múa Kéo lửa thổi cơm thi (làng Lương Quy, huyện Đông Anh), múa rùa (bản Hợp Nhất, huyện Ba Vì), múa hát tiếng cồng ngày xuân (Đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất). Liên hoan đánh dấu một bước quan trọng trong việc khôi phục các điệu múa cổ Hà Nội khi nhiều điệu múa cổ có giá trị được phát hiện.

Từ nay đến năm 2015, Hội dự định chuẩn hóa khoảng 35-40 điệu múa, ghi hình làm tư liệu cho mai sau, đồng thời để quảng bá múa cổ Hà Nội đến bạn bè trong nước và quốc tế.

                                                                                                Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.333
Tổng truy cập: