TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Sài Gòn – TP.HCM là một lựa chọn sống
(Ngày đăng: 21/02/2014   Lượt xem: 345)
 “Sài Gòn hẻm và người”, “Sài Gòn không cần nhập tịch”, “Tạ ơn đất lành”… là những bài viết chiếm lượt đọc cao trên trang www.sgtt.vn trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Nương theo dòng cảm xúc về Sài Gòn, bạn đọc cũng gửi bài viết của mình. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Hết tết, dòng người từ mọi nẻo đường đất nước lại đổ về Sài Gòn. Những đại lộ rộng thênh thang dưới bóng cổ thụ già bỗng chuyển mình về trạng thái đông đúc tấp nập, những ngã tư đèn đỏ lại đầy kín người dừng xe sau một tuần vắng vẻ đón bước chân cô đơn của khách bộ hành. Những gốc me vẫn toả mát con đường Tú Xương với mái rêu thâm trầm của tu viện cổ, còn ngã tư Hàng Xanh đã không còn cảnh “lang thang dăm chiếc xe đạp vờ” mà thay vào là hàng người tấp nập về lại “miền đất hứa” sau những ngày ở cố hương ăn tết.

Sài Gòn như một miếng bánh ngon chia sẻ cho nhiều người. Ảnh: ST

Sài Gòn như một miếng bánh ngon chia sẻ cho nhiều người. Mỗi năm, mỗi năm lại tăng thêm. Trong miếng bánh ngọt mật ấy có bao kiếp người, cả chủ cả khách, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy làm giàu theo cách của riêng mình. Bao số phận đã đổi đời nơi chốn thành đô này, đã trở mình để vươn lên khỏi gót bùn, chân cát, lưng biển, để hoà vào mạch sống thành thị mà bỏ lại những ký ức tuổi thơ trong miền xa xăm của tâm thức. Đối với họ Sài Gòn không còn là nơi chôn nỗi đau tha hương mà hình như mảnh đất này đã đủ ngọt ngào để ru họ trong giấc mộng giàu sang.

Bên cạnh đó, Sài Gòn vẫn có những kiếp người sống lây lất như một bóng đen dưới những mắt đèn vàng của thành phố về đêm. Sài Gòn đã trở thành lựa chọn bất đắc dĩ thay cho mảnh đất bạc màu bỏ lại sau lưng. Hy vọng đổi đời sau những va chạm khắc nghiệt vẫn bàng bạc trước mắt họ trong những tờ vé số, những bữa ăn chỉ cốt no bụng và đếm từng ngày có việc làm.

Xin đừng trách người nhập cư cứ mãi tuôn đến đất Sài thành bởi vì họ đâu có trách nhiệm phải phóng tầm mắt ra xa theo những chính sách vĩ mô của “phát triển bền vững”. Đối với họ, những đồng tiền, những bữa cơm ngon, những màu sắc thành thị và cả những cạm bẫy mà Sài Gòn dành cho họ đã là một lựa chọn hấp dẫn rồi!

Vương Nguyễn Toàn Thiện

Yêu ngôn ngữ Sài Gòn

Khi đọc bài nói tới người Sài Gòn, bỗng dưng mắt mũi cay cay, phải chăng nó khơi gợi lại ký ức? Cái mà ông tác giả nói tới làm tôi chạnh lòng nhiều là hai tiếng “thầy Hai”!

Tôi cũng người Sài Gòn từ thuở còn nằm... võng! Lắm khi cũng lãng đãng tâm trạng mơ... về hình bóng cũ, và cũng thầm hoài nhớ những phong lưu hào sảng của thời Sài Gòn xưa. Những biệt thự tráng lệ ở quận 2 thời đó bây giờ đã trở thành địa bàn quận 1. Giờ đây khu sang trọng này chẳng còn được bao nhiêu ngôi biệt thự còn giữ đủ hồn xưa nữa, cũng như chẳng còn kiếm ra những khu xóm có nhà vách gỗ phên vênh nữa rồi... Mới đây lại có một ngôi biệt thự đã từng cấp cho một cơ quan vừa mới “thay xác” thành lầu xây hiện đại mà thấy tiếc đứt ruột: Người ta không thương tiếc những gì người ta cho là đã cũ nên phải vứt bỏ, đôi khi chính những cũ kỹ đó giá trị không gì kể xiết!

Ảnh: DemiCat

Khi đọc đến chỗ kể ông chủ quán đem xấp báo rồi mời đọc bằng hai tiếng “thầy Hai” nghe sao như ông là người may mắn còn được thấy báu vật sót lại của ngày xưa ấy. Cái cách xưng hô này đã từ lâu lắm, từ cái hồi tôi vừa hiểu được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, tôi đã từng hàng ngày nghe các bà, các dì, các chị các bác tài xế cyclo, xe lam, các chị buôn gánh bán bưng xưng hô khi giao tiếp với khách hàng, với bất kỳ người mà họ cho rằng đang làm việc công sở hay trí thức chứ kỳ thực người đó chẳng làm thầy bà gì ráo. Với người nhỏ tuổi hơn còn đang đi học, là sinh viên, học sinh thì họ sẽ gọi bằng cô, bằng cậu.

Cô cậu đây hàm ý là cô cậu em học trò, thư sinh chứ không phải cô cậu trong vai vế, tuổi tác khiến người đối diện cũng phải cư xử phải phép tao nhã hơn. Ấy là cung cách xưng hô của đa số cư dân sống ở Sài Gòn xưa, cả miệt Nam Kỳ lục tỉnh nữa, một cách nhã nhặn hơn là lễ phép, thật lâu, lâu rất lâu rồi tôi chưa nghe ai nói tới.

Đến nỗi ông Bàng Bá Lân – một nhà thơ, nhà giáo người tận Bắc Giang – cũng từng viết:

“Tôi yêu tiếng Việt miền Nam...
Tưởng như trong đại gia đình đâu xa.
Người xem tôi tựa người nhà,
Người kêu thân mật tôi là: Thầy Hai!
Ðồng bào Nam Việt ta ơi!
Tôi yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.
Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em!”
Thì tiếng Sài Gòn, tiếng Việt miền Nam của chúng tôi là như thế đó...

                                                                                               Theo: saigontiepthi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.519.150
Tổng truy cập: