TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nhớ phương tiện giao thông điều khiển bằng “vô lăng dây”
(Ngày đăng: 18/02/2014   Lượt xem: 423)
Giữa năm 1976, cấp trên có chủ trương giải thể 2 khu tự trị (Tây Bắc, Việt Bắc) để thành lập Quân khu 1. Vậy là tuốt tuột "tướng, sĩ, xe, pháo” Quân khu Tây Bắc từ giã Sơn La, hành quân về Thái Nguyên nhập với Quân khu Việt Bắc thành Quân khu 1.

Ảnh minh họa
Thời ấy, nhất là ở địa bàn Sơn La, đường đồi núi, rừng rậm rất khó đi nên phương tiện giao thông của lính chủ yếu là dùng xe "căng hải”. Mệt nhưng vui, chúng tôi vừa hành quân vừa trò chuyện nổ như pháo rang. Bên cạnh việc không có phương tiện giao thông để di chuyển, thì việc phải đi bộ cũng có lý do của nó. Biết là khi đến vùng đất mới, thành lập đơn vị mới sẽ cần những nhu yếu phẩm thiết yếu nên chỉ huy đơn vị đã nhắc anh em chuẩn bị sẵn. Anh nào, anh nấy luôn phải thủ sẵn mấy mét dây thừng săn chắc, một chiếc roi tre thật dài để còn làm nhiệm vụ dong, dắt "tu mu” (con lợn) từ các bản bà con dân tộc về đơn vị làm thực phẩm.

Về đến Thái Nguyên, hậu cần tại chỗ có xe trâu. Tư lệnh Đàm Quang Trung yêu cầu các đơn vị tự đóng xe trâu. Ngoài ra, bộ đội quân khu đi công tác: Xa có xe khách, tầu hỏa, gần (dưới 10km) có xe ngựa chở khách của HTX Vận tải Chùa Hang. Mỗi khi nhắc đến loại phương tiện giao thông điều khiển bằng "vô lăng dây”, "ga quất” này, ký ức của tôi lại trào dâng một cảm giác hồi hộp, lo lắng xen lẫn chút hài hước rất khó tả. Tâm trạng đó kéo tôi trở về với những lần đi xe ngựa chở khách đêm, cho dù chuyện đã qua từ cách đây gần 40 năm.

Ngày ấy từ Đồng Quang - trung tâm giao thương, có chợ, bến xe, ga tầu của thành phố Thái Nguyên về đến cơ quan quân khu, hai bên đường còn vắng vẻ, nhất là từ cầu Gia Bẩy trở đi. Những tin đồn thất thiệt về bọn trấn lột hoạt động quanh cầu khi đêm tối khiến nhiều người lo ngại, nếu chẳng may phải đi bộ trong đêm về Chùa Hang, Linh Nham, Hóa Thượng... có một mình. Chẳng phải nói ai, ngay bản thân tôi, một lần bị lỡ chuyến xe ngựa, trong người chỉ có mỗi chiếc đồng hồ đeo tay Slava nữ hai kim của Liên Xô (cũ) - tiêu chuẩn phân phối của một cán bộ cấp phòng nhường cho - là đáng giá. Khi về đến gần cầu Gia Bẩy, để đề phòng bất trắc, tôi đã tháo chiếc đồng hồ, giấu vào túi áo ngực. Vì bên ngoài mặc áo trấn thủ, bị vướng, mất cảm giác thật. Thay vì phải đút vào túi áo sơ mi, thì lại cứ cẩn thận, ấn mãi... ra ngoài. Đến khi vẫy được xe phim của quân khu đi phục vụ đơn vị trở về, mới kiểm tra thì hóa túi không. Tiếc ơi là tiếc!


Ảnh: T.L
Chẳng thế mà cứ tầu vừa đến ga, ai nấy đã vé cầm tay, nhanh chóng thoát ra cửa, ba chân, bốn cẳng đi tìm xe ngựa. Tiếng là HTX Vận tải, nhưng thường chỉ có hai chiếc xe ngựa trực đón khách. Mỗi chiếc hai hàng ghế dọc, ngồi quay mặt vào nhau, mỗi hàng từ 5 đến 7 người. Thật khó có thể tả nổi cái tâm trạng bình an, khi đã được yên vị trên xe ngựa. Nếu ai đó không may bắt hụt xe ngựa thì tâm trạng sẽ rối bời, vừa lo về đơn vị muộn, vừa lo phải qua những nơi nổi tiếng bị trấn lột bởi bọn côn đồ.

Xà ích là những bác đứng tuổi, vui tính. Những chuyến xe cuối năm, trời về đêm càng rét. Tố Hữu chả từng viết: "Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế” mà! Trên xe còn có cả một chậu than củi, nổ lách tách vừa ấm cúng, nghe rất vui tai. Cái thời ấy đã mấy ai biết "mặt mũi” cái điều hòa nhiệt độ nó như thế nào. Vậy mà bác xà ích đã gọi chậu than đó là máy điều hòa nhiệt độ của bác. Gặp đoạn đường xấu, xe xóc, chẳng may rơi mất thanh củi xuống đường, bác vội vàng dừng ngựa, xuống nhặt. Một hành khách buột miệng "Chịu bố!”.

Vó câu cứ lách cách, lạch cạch rải đều xuống nền đường trong đêm thanh vắng, hòa cùng với bánh xe lọc xọc kéo thời gian trôi đi theo năm tháng giống như cuộc đời của con người ta vậy!
Năm 1981, tôi được phân công đi làm nhiệm vụ ở Na Dương (Lạng Sơn) rồi về hưu, không còn được đi những chuyến xe ngựa đêm từ Đồng Quang về Chùa Hang nữa. Rồi đất nước đổi mới, giao thông phát triển, không biết HTX Vận tải xe ngựa Chùa Hang tồn tại đến bao giờ, và những bác xà ích năm xưa ai còn, ai mất.

Vẫn biết khoa học đi lên, hiện đại thay thế thô sơ. Bây giờ "ngựa sắt” đa dạng, đẹp, nhanh, nhẹ nhàng, kiểu dáng rất thời trang. Bước chân ra khỏi nhà là có xe ôm, taxi, xe buýt lắp máy lạnh, nhưng xã hội không thể không nhớ và "ghi công” những chiếc xe ngựa như những chiếc xe ngựa của HTX Vận tải Chùa Hang. Bởi nó đã góp phần làm nên lịch sử, truyền thống của người Việt Nam ta nói chung, cũng như diện mạo người Chùa Hang (Thái Nguyên) hôm nay nói riêng.
                                                                                           Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.323
Tổng truy cập: