TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Cộng đồng tham gia giám sát lễ hội: Mô hình cần nhân rộng
(Ngày đăng: 13/02/2014   Lượt xem: 370)
Việc huy động người dân tham gia giám sát nhằm giảm bớt những tiêu cực trong lễ hội hiện mới chỉ được triển khai lẻ tẻ ở một số địa phương, cho dù mô hình phối kết hợp giữa Nhà nước và cộng đồng trong quản lý lễ hội đã được đặt ra từ lâu. Trong khi lực lượng quản lý mỏng và  mô hình này chưa được chú trọng nhân rộng, thì "sạn” lễ hội đãi mãi chưa  sạch cũng là điều dễ hiểu.



Lễ hội chùa Hương thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi ngày

Mới đây, một đoàn thanh tra lễ hội của Bộ VHTT&DL thực địa một số lễ hội phía Bắc trở về đã nhận định rằng: Tình trạng lộn xộn ở lễ hội vẫn tồn tại phổ biến. Nhưng điều đáng ghi nhận là nhờ có sự tham gia giám sát, chung tay tham gia từ cộng đồng mà những hình ảnh phản cảm của lễ hội địa phương ít nhiều được dẹp bỏ. Đơn cử như Hội Xuân Yên Tử năm 2014 đã được đổi mới ở nhiều khâu. Trước hết là việc xóa bỏ 41 điểm dịch vụ dọc tuyến. Cùng với đó, trong khu vực lễ hội, có 4 địa điểm tổ chức trông giữ phương tiện miễn phí cho du khách được lập tại chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực và chùa Lân. Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã thành lập Nghiệp đoàn Xe ôm để phục vụ du khách... 

Trực tiếp thanh tra giám sát lễ hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho hay: Ông đặc biệt hoan nghênh mô hình huy động người dân tham gia giám sát và loại bỏ các hiện tượng tiêu cực còn tồn tại trong lễ hội như ở Yên Tử, chùa Bái Đính… Mô hình này cần được triển khai, nhân rộng ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Trên thực tế, việc thành lập mô hình cộng đồng giám sát lễ hội đã được các chuyên gia văn hóa đề cập từ lâu. Nhưng cho đến bây giờ, việc áp dụng mô hình này vẫn chưa rộng khắp. Nghiên cứu sâu về lễ hội truyền thống, TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho hay: Hiện chúng ta vẫn tồn tại 4 dạng mô hình tổ chức và quản lý lễ hội. Thứ nhất là mô hình quản lý và tổ chức mang tính cộng đồng tự quản. Tiêu biểu cho mô hình này có thể kể đến lễ hội đền Đô ở Bắc Ninh, hội Gióng ở đền Phù Đổng (Hà Nội)... Đơn cử như Hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), chủ thể của lễ hội là cư dân 4 làng sở tại: Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên. Họ luôn coi hội Gióng là một phần văn hóa của họ và tự nguyện bảo vệ di sản. Do vậy, lễ hội này còn lưu giữ được những nghi lễ, những trình diễn vô cùng độc đáo, độc nhất vô nhị mà ít có lễ hội dân gian nào có được.

Thứ hai là mô hình kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước. Đơn cử như các lễ hội đền Trần ở Nam Định, Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương, lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang… 

Thứ ba là mô hình quản lý, tổ chức lễ hội có sự can thiệp sâu của Nhà nước. Mô hình này thường gặp ở những lễ hội có quy mô vùng miền, quốc gia, có tầm quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội như lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), lễ hội chiến thắng Như Nguyệt (Bắc Ninh)…

Và thứ tư là mô hình quản lý, tổ chức lễ hội do tư nhân điều hành. Tiêu biểu là mô hình quản lý, tổ chức lễ hội Phủ Dầy ở Nam Định. Sau khi tiếp nhận hai cơ sở phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Vân Cát và Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) trong tình trạng hoang tàn, sử dụng sai mục đích, ông thủ từ Trần Viết Đức cùng người thân trong gia đình đã nỗ lực đầu tư tu bổ di tích, phục dựng tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh. 

Từ những phân tích trên, theo TS Từ Thị Loan, áp dụng mô hình phối kết hợp giữa sự tự quản của cộng đồng và sự quản lý, điều tiết hợp lý của Nhà nước vào quản lý lễ hội hiện nay sẽ là khả thi nhất.

Điều này cũng tương đồng với quan điểm của UNESCO: cần duy trì lễ hội một cách tự nhiên và phát triển trên cơ sở quyền của cộng đồng; cần trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, tự thực hành lễ hội cổ truyền mà không áp đặt chủ quan để biến lễ hội thành một món hàng thương mại hóa.
                                                                                     Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.390
Tổng truy cập: