TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Chùa Hương, đi và… thấy
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 341)
"Bầu trời cảnh bụt, Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay. Kìa non non, nước nước, mây mây. "Đệ nhất động”, hỏi đây rằng có phải?…” dựa theo câu thơ nổi tiếng của Chu Mạnh Trinh, theo bước chân của gần 20 vạn du khách trong những ngày đầu lễ hội, chúng tôi tìm về miền Đất Phật Hương Sơn với Lễ hội chùa Hương. Cảnh cũ người xưa của cái thời khua chèo suối vắng để vãn cảnh dạo nào nay có lẽ chỉ còn là của kí ức. 



Vì nhu cầu đi cáp treo Chùa Hương tăng đột biến 
nên dễ dàng xẩy ra nạn "phe vé”

Du khách kém may

Bằng sự rút kinh nghiệm, bằng sự kêu ca cùng những thông tin bấy lâu nay qua nhiều mùa lễ hội, nhất là kể từ khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội nên Lễ hội chùa Hương năm nay đã được "chăm chút” nhiều hơn. Cùng với những "chăm chút” và đầu tư này mà nhiều thứ cần ca thán, phản cảm và bực lòng du khách khi về tham dự lễ hội kéo dài gần đến 3 tháng dòng vào dịp đầu Xuân này cũng đã được cải thiện phần nào. 

Không còn là con đường nhựa tin hin dạo nào, bốc bụi thậm chí cả rác để dẫn đưa du khách vào Đền Trình, Bến Đục nữa. Nhờ sự rộng rãi và phong quang nên cũng như hàng vạn du khách xuất hành ngày đầu năm để về với lễ hội này, sự hanh thông cũng đã tìm đến với chúng tôi. Tuy nhiên không phải vì vậy mà "sự cố” đã không đến cùng với chúng tôi cũng như nhiều du khách. 

Đến với lễ hội này, cái đầu tiên và kéo dài lâu nay mà ai cũng phải sợ ấy là sự tăng giá của một số các mặt hàng. Tuy có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên nhiều quán hàng ở đây đã chủ động "niêm yết” và "công khai giá cả” nhưng không phải vì vậy mà sự tăng giá đột biến sẽ không có. Cái kiểu không muốn bị mình chặt chém thì tốt nhất và cũng như khuyến cáo của Ban quản lý ở đây là nên hỏi giá trước khi mua. Một chai C2, một chai nước khoáng nhiều quán có "niêm yết” giá đấy nhưng nếu vô tình mà không nhớ đến cái phản xạ là uống mà không hỏi thì dễ dàng bị xơi với giá 20 – 25 nghìn đồng ngay. 

Để tìm hiểu thêm những "hạt sạn”ở đây, chúng tôi kiếm một quán nước ngay gần bãi gửi xe trên đường dẫn vào Bến Đục. Một vị khách, mặt có vẻ hết sức bực dọc. Bắt chuyện, được biết vị khách ấy tên là Cao Thanh Hương, người trên khu Gát của Thành phố Việt Trì. Có lẽ đây là vị khách kém may mắn nhất trong mùa lễ hội này. Với giọng bực bội, anh Hương cho biết, anh đến đây từ chiều tối qua. Sau khi gửi xe, thấy khát, anh gọi một quả dừa nước. Nghe chủ quán nói giá rất rõ là 35 nghìn/quả. Giá này so với thị trường hơi đắt nhưng anh nghĩ mấy khi đi lễ, với lại công mang vác, công thuê lều lán nơi đây của người ta vào mùa lễ cũng không dễ dàng nên đã đồng ý uống. Ấy thế mà sự đồng ý và khoan khoái chưa xong thì anh gặp ngay sự bực tức khi phải móc ví trả 50 nghìn cho 1 quả dừa cùng với sự "an ủi” của chủ quán: Tai bác sao ấy chứ. Em nói là 50 nghìn mà bác chẳng nghe ra!



Tuy có rất nhiều khuyến cáo nhưng người dân 
vẫn không từ bỏ thói quen đặt tiền dương để làm lễ âm

Những "hạt sạn”

Theo nhận xét của nhiều du khách, năm nay trật tự và những mặt trái hay gặp ở Lễ hội chùa Hương những năm trước đó đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa được loại trừ như sự mong ước của nhiều người.

Các điểm trông giữ xe được bố trí khá cơ bản và hợp lý xong trong những ngày qua, kể cả trước và ngay sau khi khai hội, nhiều khách vẫn bị một số điểm trông giữ xe "chặt”, "chém” gây nên những bất bình. Nhiều điểm trông giữ xe đã tự ý nâng giá lên với mức 9 nghìn đồng/xe máy hoặc 30 – 45 nghìn đồng cho một xe du lịch từ 4 – 7 chỗ ngồi. Trước khi vào thuyền để tìm lên khu danh thắng chúng tôi đã chứng kiến một cuộc cãi vã giữa một chủ xe với người trông giữ xe. Theo tường trình của vị khách có tên Nguyễn Ngọc Huân, quê ở Đa Chất, Đại Xuyên, Phú Xuyên này thì trước khi vào điểm gửi xe, trên đường đi anh đã phải nộp tiền vào cho 2 thanh niên trước đó. Tưởng nộp vậy là xong, nhưng vào đến bãi anh mới ớ người là đã nộp cho bọn "gác đểu” trên đường.

Suối Yến, con suối dạo nào suốt ngày bị ca thán với tình trạng du khách vứt rác bừa bãi năm nay đã không còn rác nữa. Đường lên chùa Thiên Trù du khách chân chen chân. Tuy đã có công văn cấm đổi tiền lẻ của Ngân hàng Nhà nước và việc khuyến cáo của các nhà chùa với du khách nhưng việc đổi và đặt tiền lễ vẫn xẩy ra. Len chân và chờ đợi mãi chúng tôi mới có một chỗ ngồi bên dãy quán nước trước chùa Thiên Trù. Tuy không còn những cọc tiền lẻ, không còn sự mời gạ như mấy năm trước nhưng khi chúng tôi đưa ra ý định là muốn đổi tiền lẻ thì bà chủ quán đã mau mắn cho biết năm nay vì cấm nên không được công khai. Nhưng nếu cần thì bà sẽ đổi giúp. Bao nhiêu cũng có. Cứ 10 nghìn đồng chẵn đổi lấy 7 nghìn tiền lẻ với mệnh giá từ 500 đến 5.000 đồng.



Phật vẫn bị người trần cho tiền!

Đến với đất phật Chùa Hương nguyên nghĩa là phải hành hương. Nhưng từ khi hệ thống cáp treo được khánh thành và đưa vào sử dụng ở đây đã làm cho người ta lười, người ta ngại vận động đôi chân của mình. Theo ban quản lí thống kê từ những ngày trước và sau khai hội tới nay đã có khoảng 50% du khách chọn phương tiện ngồi ca – bin của cáp treo để… leo núi. Chính do nhu cầu này mà sự quá tải đã xẩy ra với giá vé tăng từ 120 nghìn lên 140 nghìn/người. Tuy có sự cảnh báo nhưng việc phe vé để "leo núi” bằng cáp treo này vô hình chung đã xuất hiện. Nếu có nhu cầu và không muốn phải chờ đợi thì mỗi du khách chỉ cần bỏ thêm từ 20 nghìn đến 30 nghìn/vé là sẵn sàng có người cung cấp và được lên ca – bin cáp treo ngay. Và trên ca – bin của các tuyến cáp treo này, vì sự hiểu nghĩa không rõ nên nhiều bạn trẻ đã không nề hà rải tiền lẻ một cách vô thưởng, vô phạt xuống dòng suối Giải Oan khi mình đi qua. 

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương thì việc tổ chức tốt Lễ hội Chùa Hương năm 2014 là nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong quý I/2014. Mọi công tác tổ chức về an ninh trật tự - An toàn xã hội, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch vụ hàng quán đã được tích cực chuẩn bị từ trước đó.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hậu, vì đông người nên mọi hạn chế kể cả tiêu cực vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Trước và sau khai hội, Ban quản lý cũng đã nghe nhiều ý kiến phản ánh của người dân và cũng đã tiếp nhận được nhiều thông tin từ các cơ quan báo chí. Ban đang đôn đốc và quyết tâm xử lý bằng được những hạn chế đó để cho Lễ hội chùa Hương xứng đáng là "Lễ hội du lịch – Chùa Hương nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”.

Để tránh tình trạng tranh giành khách và bày bán đồ lưu niệm lộn xộn mất mĩ quan như các năm trước, năm nay, huyện Mỹ Đức đã quy hoạch 317 điểm bán hàng, dẹp bỏ hàng quán trước động Hương Tích. Để tăng cường an ninh, trật tự, phối hợp với các ban ngành, đã có  170 công an của TP Hà Nội, huyện Mỹ Đức và một số xã trên địa bàn huyện được huy động vào cuộc.

Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.494.333
Tổng truy cập: