TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Vinh danh di sản:Vừa mừng, vừa lo
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 358)
Hôm nay, 11/2/2014 Lễ đón nhận bằng công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, những ngày đầu năm này, việc có thêm nhiều di sản quốc gia được công nhận đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản Việt Nam. Mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng, bởi tâm lý "sính” danh hiệu đang ít nhiều phá vỡ những giá trị nguyên bản của di sản.



Thành nhà Mạc Tuyên Quang trước khi trùng tu ...

Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là hoàn toàn xứng đáng. Ngoài việc đáp ứng những tiêu chí khắt khe do UNESCO đặt ra, so với những di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam đã được vinh danh trước đó, Đờn ca tài tử Nam Bộ còn có một ưu thế nổi trội nữa là hàng ngày nó vẫn được thực hành thường xuyên trong cộng đồng. Chính vì thế mà nhà nghiến cứu Bùi Trọng Hiền đã khẳng định chắc như đinh rằng, không phải lo lắng gì nhiều về việc bảo vệ sau vinh danh đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Điều này có lý, bởi cho dù ca Trù, Quan họ, hát Xoan, thậm chí kể cả hát chầu Văn đang chờ xếp hàng vinh danh tới đây đang được cả nhà quản lý và giới chuyên môn "gồng mình” để thực hiện những tiêu chí, những cam kết sau vinh danh với UNESCO. Dẫu vậy việc đáp ứng tiêu chí "thực hành thường xuyên trong cộng đồng” vẫn là khó nhất. Thậm chí, ngoài chủ trương giữ lửa từ nghệ nhân, để bảo tồn di sản, người ta đang phải bàn đến việc làm sao để đào tạo khán giả thưởng thức nghệ thuật dân gian...Trầy trật lắm thay!

Những ngày đầu năm 2014, Lễ hội đền Trần Thái Bình cũng vừa được Bộ VHTT&DL  quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như quân và dân Hưng Hà, Thái Bình nói riêng. Theo cách lý giải của lãnh đạo địa phương thì lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là điều kiện thuận lợi để địa phương làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội đền Trần nói riêng và các giá trị di sản thời Trần trên vùng đất Long Hưng xưa - Hưng Hà nay. 



... và sau khi trùng tu

Cùng với đó, mới đây ngày 7-2, tại chùa Hương Nghiêm, UBND TP Tuyên Quang đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia thành nhà Bầu (do Bộ VHTT&DL trao tặng). Tất nhiên, không phải ai cũng biết nhiều về di tích này, bởi nói đến Tuyên Quang, người ta chỉ nghĩ đến thành nhà Mạc. Thành nhà Bầu được xây dựng trên khu vực đồi Bông Thượng và đồi Bông Hạ (khu vực xóm Tân Thành, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang) do hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật xây dựng vào những năm 30 đến 60 của thế kỷ XVI. Thành xây dựng thuận theo địa hình tự nhiên trên các sườn đồi, tường thành xây bằng gạch vồ (loại gạch đặc trưng của thế kỷ XVI). 

Có một thực tế là lâu nay các địa phương đua nhau làm hồ sơ xin được công nhận danh hiệu di sản, rồi làm hồ sơ "lên đời” di sản. Các bước đi lần lượt là di tích văn hóa cấp tỉnh, di tích văn hóa cấp quốc gia, kế đó là "lên đời” di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đơn cử như câu chuyện ở đền Trần Thái Bình. Trong lộ trình, sau khi Lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì khu di tích này đang được UBND tỉnh ráo riết chuẩn bị làm hồ sơ đề xuất công nhận đền Trần Thái Bình là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trước đó, khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình,  việc lập hồ sơ đề nghị nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt sẽ được triển khai ngay đầu năm 2014.

Nhiều địa phương đều có chung lý giải rằng: Vinh danh để di sản được bảo vệ tốt hơn. Điều này không sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Câu trả lời từ thực tế cũng đã cho thấy, vì "say” danh hiệu nên sau vinh danh, không ít di sản đã bị làm cho biến dạng bởi họ hiểu chưa đúng về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Hơn 4 năm trước, câu chuyện thành nhà Mạc - Tuyên Quang sau khi trùng tu trở thành một công trình mới toanh cũng  tốn kém khá nhiều giấy mực của báo chí.

Chuyện ầm ĩ, nhưng xem ra cũng không quá khó hiểu. Bởi được vinh danh, được nâng đời cũng đồng nghĩa với việc được "rót” thêm tiền để tôn tạo, trùng tu. Với dự án có số tiền khổng lồ gần 10 tỉ đồng (cách đây nhiều năm) như thành nhà Mạc, thì chỉ cõ "vẽ voi” mới tiêu hết.
  
Chuyện cũ, nhưng bài học vẫn mới. Biết là thế, nhưng sợi dây kinh nghiệm, (hình như) càng rút, càng dài. Biết bao nhiêu di tích lịch sử văn hóa, di tích cấp quốc gia vẫn chưa được hiểu đúng về bảo tồn, tôn tạo. Điều này đã góp phần lý giải rằng, càng khoác nhiều danh hiệu, dường như di sản lại càng bị đẩy ra xa cộng đồng!
                                                                                                 Theo: daidoanket

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.494.370
Tổng truy cập: