TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Văn hóa làng xã đang tiến dần ra phố
(Ngày đăng: 08/02/2014   Lượt xem: 415)
Sau hàng trăm năm giao lưu văn hóa với phương Tây, văn hóa thuần nông của người Việt đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Đông - Tây, một sự tiếp biến văn hóa được coi là dĩ nhiên với nhiều cái được và có cả cái mất.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ký họa chân dung Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trò chuyện đầu Xuân với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhiều người nhận định rằng sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam, sự hội nhập và giao lưu của văn hóa phương Tây đã làm méo mó văn hóa thuần nông của người Việt? Liệu điều này có đúng không, thưa ông?

Chúng ta không thể đổ hết lỗi cho văn hóa phương Tây mà phải hiểu rằng, đô thị hóa đòi hỏi con người cũng phải chuyển động song hành, tức là, đúng ra, họ phải có một lối sống, cách ứng xử văn hóa khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn mà họ đã trải qua. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa như vũ bão, còn những người nông dân lại không theo kịp lối sống mới, nên dẫu đã là thị dân, mà cách ứng xử của văn hóa làng vẫn rơi rớt, thậm chí còn nguyên. Chính điều này đã tác động ngược trở lại, ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị. 

Mang nguyên văn hóa ứng xử ở quê "bê" vào đời sống đô thị, đã tạo nên sự lệch pha, không chỉ khiến người khác khó chịu, mà thậm chí, có thể gây hậu quả đau lòng. Văn hóa làng xã thể hiện rất rõ trong văn hóa giao thông, chuyện xả rác bừa bãi trên đường, hè phố, công viên, v.v... Tính duy tình vốn là nét văn hóa làng xã điển hình cũng làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhiều vi phạm, sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn, mà xuê xoa như người nhà, là nguyên nhân tái lặp những vi phạm, sai phạm trong cuộc sống.

Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải làm sao giảm được sự chênh lệch giữa nông thôn và thành phố. Thành phố đang ngày một sầm uất hơn thì nông thôn cũng phải chuyển mình. Phải hiện đại hóa, văn minh hóa nông thôn bên cạnh đó cũng cần giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống để khi ấy sống ở nông thôn còn dễ chịu hơn cả thành phố nhưng không quá lạc hậu.

Nhìn ở góc độ nào thì có thể khẳng định rằng, nông thôn nước ta trong những năm trở lại đây đã và đang “thay da đổi thịt”, khởi sắc từng ngày. Mục tiêu cuối cùng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là vì con người, vì nông dân. Mà địa bàn sinh sống của người nông dân là ở nông thôn. Họ có thể làm việc ở nhiều nơi, nhưng địa bàn sinh hoạt của họ vẫn là ở nông thôn. Nông thôn không chỉ có người nông dân sống mà còn có cả những cái mà người dân sống ở đô thị nhiều đời vẫn phải nhớ về. Vậy phải làm sao cho nông thôn Việt Nam tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam...

làng quê

Tuy có sự hội nhập từ văn hóa phương Tây nhưng đa số các làng, xã vẫn lưu giữ được phần nào nếp sống văn hóa của làng xã. Người phố phường có nếp sống văn hóa của phố phường. Vì vậy khi làng xã bỗng dưng biến thành phố phường đã bộc lộ nhiều yếu kém?

Không thể phủ nhận đô thị hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, xu thế nhiều làng, xã phút chốc bỗng "nâng đời" thành phố thị đang trở nên phổ biến. “Người quê” bỗng trở thành “thị dân” lúc nào chẳng hay. Nhưng, trong khi cơn lốc đô thị hóa như vũ bão, thì việc chuẩn bị về lối sống còn chưa tương xứng, dẫn đến sự khập khễnh. Sự nhầm lẫn giữa "hiện đại hóa" với "thành thị hóa" nông thôn dẫn đến bản sắc văn hóa làng quê bị biến dạng dữ dội.

Kiến trúc truyền thống làng quê là điều đầu tiên bị phá vỡ, trong khi việc kế tục xứng đáng lại chưa sẵn sàng, đang là thực tế ở nhiều "phố làng". Hình ảnh quen thuộc của các làng quê Bắc bộ với cây đa, giếng nước, lũy tre làng thực sự bị biến dạng khi những ngôi nhà hiện đại với kiến trúc ta chẳng ra ta, Tây chẳng ra tây, màu sắc lòe loẹt, mọc lên giữa làng. Nếp nhà truyền thống 5 gian vốn rất thích hợp với khí hậu nhiệt đới, từng là niềm tự hào của một thời, giờ bị xóa bỏ không thương tiếc.

Có phải chính sự tiếp nhận một cách nhanh chóng đã khiến văn hóa thuần nông của người Việt, những giá trị truyền thống bị lung lay không, thưa ông?

Sự tiếp nhận quá nhanh và thiếu chọn lọc một số thành tựu văn hóa từ đô thị đã làm biến đổi, thậm chí triệt tiêu những giá trị truyền thống lâu đời của văn hóa làng xã. Sự hỗn tạp của dân tứ xứ dĩ nhiên làm phôi pha tính chất thuần nông của văn hóa làng quê. Quan hệ xã hội và cả quan hệ tình cảm gia đình cũng bị lung lay bởi những thước đo mới.

thành phố

Trong khi lớp trẻ bắt quá nhanh với nhịp sống hiện đại thì người già lại cố giữ nguyên tính cách, văn hóa làng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách, thậm chí, xung đột trong gia đình, dòng họ. Nhiều chuẩn mực bị đảo lộn và dễ dàng nhận thấy sự đổ vỡ nền tảng văn hóa thôn quê trong môi trường đô thị. Con cháu thiếu tôn trọng ông bà, cha mẹ đã không còn là hiếm gặp.

Nhiều người cho rằng, hình ảnh “tối lửa tắt đèn”, “bán anh em xa mua láng giềng gần” hình như đã lùi vào dĩ vãng thay vào đó là những chuẩn mực mới đến từ nền văn hóa phương Tây. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Bây giờ về bất cứ làng quê nào thì cái hình ảnh tối đi ngủ không cần đóng cửa, con gà con lợn lạc đâu, hàng xóm lại giúp đưa về, thực sự đã lùi vào quá vãng, vì giờ đây, cứ sơ sểnh là mất. Thế là càng cửa đóng then cài, càng đề cao cảnh giác. Không còn những "cái dậu mồng tơi xanh rờn" nữa, mà là những bức tường kiên cố với những con chó dữ canh nhà làm nên khoảng cách tình người nơi "phố làng". Những ngôi nhà kín cổng cao tường cũng đã khép lại mối quan hệ tình làng nghĩa xóm vốn là các giá trị cộng đồng ở làng quê. Cảnh "đèn nhà ai nhà nấy rạng" vốn xa lạ ở làng quê, giờ len vào cuộc sống mới, tồn tại hiển nhiên. Chỉ một chút lợi ích cỏn con cũng là mầm mống của sự mất đoàn kết. Tranh chấp đất đai nổi lên nhức nhối ở nhiều nơi khi "tấc đất tấc vàng" với đúng nghĩa đen.

Ngày Tết dân ta thường có khái niệm đi chơi xuân tại các lễ hội, đình chùa nhưng ngày nay những hoạt động này cũng đã mang nặng tính thương mại. Ông có cho rằng điều này làm xấu đi hình ảnh của một nền văn hóa thuần nông?

Ngày nay các trò chơi truyền thống, lễ hội không còn đậm nét văn hóa xưa cũ mà mang nặng tính thương mại, dịch vụ. Hội làng nào cũng thấy cờ bạc, đeo bám và "chặt chém" du khách... Cái tư duy làng xã chỉ thấy một chút lợi, lại có nhiều người làm là cũng làm theo, đã phá hỏng một số lễ hội như: Lễ hội hoa anh đào và Lễ hội hoa Hà Nội. Nhiều người lao vào bẻ cành, cướp hoa mang về, đã gây phản cảm với tính văn hóa của những lễ hội này. Khi số đông lại coi việc phá hoại của người khác là một thú vui, đã cho thấy những giá trị văn hóa đang bị đảo lộn.

Xin cám ơn ông!

                                                                                              Theo: baohaiquan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.496.463
Tổng truy cập: