Trưởng ấp Đầu Doi Ngô Trường Sinh cho biết, từ hơn 100 hộ làm nghề hiện chỉ còn khoảng 50 hộ nhưng cũng sản xuất cầm chừng, không còn hưng thịnh như nhiều năm trước. Ngoài thiếu đất sét, nghề làm lò đất cũng không lãi nhiều. Chi phí mua đất sét, cát, trấu (để nung); thuê nhân công khá cao, song giá bán sản phẩm thấp. Mặt khác, nhu cầu sử dụng lò đất ngày càng ít do sự phát triển ồ ạt của bếp gas, bếp điện; rồi lò làm bằng xi măng kiểu dáng đẹp khiến lò đất nung... chao đảo. Sản phẩm nặn ra số lượng ngày càng giảm, tiêu thụ chậm. Các hộ còn bám nghề do không có hoặc ít đất sản xuất nông nghiệp, không có nghề nào khác kiếm sống. 

Ông Vũ Trọng Nho - chủ một cơ sở sản xuất lò đất - cho biết, trước đây bình quân cơ sở sản xuất trên 2.000 lò/tháng, hiện giảm hơn 50%. Lò đất tùy theo kích cỡ thương lái mua từ 7.000 - hơn 20.000 đồng/lò, trừ đi các khoản chi phí còn lãi 2.000 - 5.000 đồng/lò. Người dân nơi đây chẳng còn mặn mà với nghề, nhiều người chuyển sang làm nghề khác hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM có thu nhập cao hơn. Còn anh Đàm Văn Tứ - sinh ra trong một gia đình đã 3 đời làm nghề lò đất - bộc bạch: “Những người nặn lò đất ở đây rất mong chính quyền địa phương tạo quỹ đất để lấy nguyên liệu làm lò, vừa giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định, vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông”. Dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Tứ và một số hộ vẫn giữ nghề vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Nghề truyền thống nặn lò đất ở Hòn Đất chưa được địa phương quy hoạch phát triển nên nguy cơ mất đi làng nghề này là điều khó tránh khỏi nếu không được sự quan tâm của các ngành chức năng ở huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang.   Kỳ vọng của người dân Hòn Đất là giữ “xóm lò luôn đỏ lửa" để có việc làm ổn định, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng xứ Hòn đã gắn bó với đời sống của biết bao thế hệ người dân ở đây trong hơn thế kỷ qua. Không những thế, xóm lò Đầu Doi còn góp phần phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề của Kiên Giang... Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Hòn Đất Trần Hữu Nghị, địa phương không còn quỹ đất để khai thác nguyên liệu đất sét làm lò. Sản phẩm của làng nghề tiêu thụ chậm, giá trị kinh tế thấp. Huyện muốn bảo tồn, gìn giữ làng nghề hơn 100 năm tuổi này để góp phần phát triển sản phẩm du lịch ở địa phương, nhưng chưa có hướng giải quyết.

                                                                                              Theo: Laodong