TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ
(Ngày đăng: 22/01/2014   Lượt xem: 463)

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 22/2/2014.

Trước đó, ngày 5/12, tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại thành phố Baku (Azerbaijan), loại hình nghệ thuật "Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam" đã nhận được 100% số phiếu bầu bình chọn là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Âm nhạc tài tử thường được gọi là “đờn ca tài tử” là sản phẩm tinh thần được sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế được lưu dân mang theo “trong hành trang” mở cõi. Lúc đầu chỉ là những bài bản của nhạc lễ đưa sang như: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá và Tiểu khúc. Đến thế kỷ XIX, phong trào đờn ca tài tử phát triển khắp Nam bộ, trong đó một số nhóm nhạc nổi tiếng như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc, Vĩnh Kim và Cái Thia (Mỹ Tho), Cần Đước Long An, Sài Gòn... các nhóm này đã liên kết thành hai khối: tài tử Miền Tây và tài tử Miền Đông với người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước và ông Trần Quang Quờn tức ký Quờn ở Vĩnh Long. Cả hai khối đều có những cố gắng lớn trong việc soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình.

Cho đến nay, số lượng bài bản tài tử đã rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ trước kia đưa sang còn có rất nhiều bài bản được cải soạn theo phong cách tài tử từ một số bản nhạc cổ truyền của Huế hoặc từ các bài lý của dân ca Nam và Trung bộ, hoặc là các sáng tác mới của các tài tử bậc thầy... Tuy nhiên, khi hệ thống lại người ta chỉ nói đến 20 bài bản tổ còn gọi là nhị thập huyền tổ ban được cho là của ông Ba Đợi tức Nguyễn Quang Đại ở Long An đúc kết (khoảng năm 1880).

Nói đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhiều người nghĩ ngay tới những buổi sinh hoạt văn hóa độc đáo, đầy chất tài tử của người Nam Bộ nơi miệt vườn, sông nước. Nhưng hơn thế, không gian trình diễn của Đờn ca tài tử rộng lớn hơn thế nhiều khi có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.

Trong những đêm trăng thanh gió mát, những người Nam Bộ vẫn cất lời ca tiếng hát trên những con thuyền trôi lững lờ trên sông hay những dịp cúng tế mang tính lễ nghi, cả những sự kiện như đám cưới, đám hỏi và sau những cuộc trà dư tửu hậu... Đờn ca tài tử vẫn luôn là loại hình văn hóa tiêu biểu, phổ cập của người dân miền Nam Bộ.

Hiện nay, trong sinh hoạt Đờn ca tài tử bên cạnh những nhạc khí truyền thống như đàn Nguyệt, Thập lục hay những nhạc cụ truyền thống của dân tộc như Sáo, Bầu, Tỳ bà... còn có nhiều nhạc cụ của phương Tây cũng đã du nhập, hòa quyện trong những buổi trình diễn Đờn ca tài tử như Violin, Guitar phím lõm... Theo GS Trần Văn Khê, điểm nổi bật của Nghệ thuật Đờn ca tài tử chính là sự hòa hợp, gần gũi giữa người trình diễn với khán giả và chính sự hòa hợp này tạo nên sự gần gũi và sức sống bền vững cho nghệ thuật trình diễn độc đáo này của người dân Nam Bộ.

Quả thực, khi những nốt nhạc dạo của người tài tử cất lên, đa số người dân Nam Bộ đều có thể vang ngân những bài hát đã nằm lòng trong tiềm thức đã in sâu như một làn điệu dân ca. “Câu rao” được hiểu như một khúc nhạc dạo của người nhạc công chơi Nghệ thuật Đờn ca tài tử dù có phóng túng, phiêu linh đến mấy thì ít nhiều cũng có thể dễ dàng dẫn dắt người nghe đi vào làn điệu chính của bản nhạc...Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng không chỉ được người dân “miền sông nước” yêu mến mà còn là một loại hình văn hóa nghệ thuật được quần chúng, hay ngành văn hóa từ cấp cơ sở đến tỉnh của nhiều địa phương trong cả nước tổ chức giao lưu biểu diễn trong các cuộc liên hoan phục vụ nhân dân trong những dịp lễ, Tết quan trọng. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch quảng bá Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đang đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Và chính thức vào hồi 15 giờ 47 phút (theo giờ Việt Nam) ngày 05/12/2013, Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan đã khẳng định, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí và chính thức công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, Đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc; Việc ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách Đại diện có thể thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế; Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước; Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ; Di sản đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012 được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Có thể nói, sự kiện Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận đã cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc “biến hoá lòng bản” ở miền Nam của Việt Nam và cũng chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới.

Ngay sau khi đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các tài tử đờn, tài tử ca của 21 tỉnh thành phố Nam Bộ sẽ hội tụ tại Bạc Liêu trong Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 tới.

                                                                                               theo: thethaovietnam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.536
Tổng truy cập: