TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Kỷ niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 - 2013): Phật hoàng và những giá trị còn mãi
(Ngày đăng: 02/12/2013   Lượt xem: 486)
Có thể khẳng định rằng thời gian càng lùi xa, tầm vóc và ảnh hưởng của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông ngày càng trở nên to lớn và sâu sắc  trong lịch sử. Điều này được thể hiện ngày càng thuyết phục qua các hoạt động nghiên cứu sự nghiệp của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông của các nhà khoa học, nhà sử học, nhà nghiên cứu, các học giả…

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông - vị vua hiền minh

Thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông sau này, sinh năm 1258, chính vào năm quân dân ta đánh thắng quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất, để rồi sau này trở thành người đứng đầu nhà nước Đại Việt đương đầu với hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288) của quân Mông -Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thời kỳ đó. Vua Trần Nhân Tông đã huy động và tổ chức được sức mạnh toàn dân tộc Đại Việt chiến đấu và chiến thắng kẻ xâm lược, giữ vững nền độc lập, tự chủ quốc gia, chôn vùi mộng xâm lược nước Đại Việt của Hốt Tất Liệt.  

Trong 3 lần chiến thắng quân Mông - Nguyên, sự hiện diện của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, hàng loạt danh tướng kiệt xuất trong và ngoài tôn thất, tiêu biểu nhất là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người thống lĩnh quân đội. Mỗi người đều có vị trí và vai trò quan trọng làm nên chiến thắng của quân và dân nước Đại Việt, nhưng Đức vua Trần Nhân Tông là người lãnh đạo đích thực về chính trị và tinh thần của cuộc chiến. Chỉ với vị trí đó, Đức vua mới đủ tư cách đặt ra với Trần Hưng Đạo câu hỏi hệ trọng bậc nhất trước khi quyết định chống xâm lăng: "Thế giặc to như vậy mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân?”. Chỉ với vị trí đó, trước tình thế hiểm nghèo, khi quân dân ta liên tiếp thất bại trên các mặt trận, Đức vua mới đủ tư cách giữ vững tinh thần của toàn quân, kể cả người thống lĩnh quân đội. Chiến thắng đội quân Mông - Nguyên hùng mạnh là công tích của Đức vua Trần Nhân Tông và các vua đầu đời Trần bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt, góp phần làm sụp đổ kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời kỳ đó. Chỉ riêng công tích đó đã là vĩ đại, nhưng sự nghiệp của Đức vua Trần Nhân Tông không chỉ có thế.

Đức vua Trần Nhân Tông là một vị vua hiền minh. Hơn thế, ngài đặc biệt nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trách nhiệm làm vua, biết vì lợi ích của nhân dân chứ không phải quyền lợi của triều đình để suy tính và quyết định hành động trước nguy cơ mất còn của đất nước. Chính vì thế Đức vua đã quy tụ được quanh mình sức mạnh của cả dân tộc và triều đình để đương đầu với kẻ thù xâm lược hung hiểm mạnh hơn nhiều lần. Chiến đấu quyết liệt và chiến thắng vẻ vang, Đức vua hết sức coi trọng xây dựng mối quan hệ hoà giải trong nước và các nước lân cận, xem hoà giải trên tinh thần yêu thương là phương thức ưu tiên giải quyết các mâu thuẫn và xung đột.


Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh)
Đức vua - Phật hoàng của dân tộc Việt Nam

Là đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tôn giáo Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông có những quan điểm về thế giới và nhân sinh với tầm khái quát cao và sâu sắc, nhưng cũng thiết thực, gần gũi với nhân quần, được biểu đạt bằng ngôn ngữ đương thời thịnh hành của Phật giáo. Tư tưởng trung tâm trong nhân sinh quan của Phật hoàng Trần Nhân Tông là "cư trần lạc đạo” - một tư tưởng đậm bản sắc minh triết Việt về lẽ sống ở đời của bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đức vua Trần Nhân Tông thấu hiểu lẽ đời, sự sống và cái chết, ung dung, tự tại, hoà mình, đồng cảm với đồng loại, với thiên nhiên.

Năm 1293, xuất gia hoằng pháp, Thượng hoàng Trần Nhân Tông là nhà cách tân Phật pháp vĩ đại trong thế kỷ XIII, khai mở dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thuần Việt, giáo hóa con người theo hướng tự hoàn thiện, gắn kết đạo - đời theo hướng nhập thế tích cực. Vui đạo giữa đời thường, Phật trong Tâm; tinh giản đường tu, giác ngộ cõi phúc lạc, tìm thấy Niết bàn ngay nơi trần thế, chống mê tín dị đoan... Trên lĩnh vực tinh thần - tôn giáo, Phật hoàng Trần Nhân Tông có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhà tư tưởng lớn đã vượt qua thời đại mình và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ngài đã để lại những tác phẩm, tài liệu rất phong phú, như: "Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, "Trúc Lâm hậu lục”, "Thạch thất mỵ ngữ”, "Đại hương hải ấn thi tập”, "Tăng già toái sự”, "Thượng sĩ hành trạng”, "Cư trần lạc đạo phú” và "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”.

Tinh thần "Phật tại Tâm” và "Con đường chính pháp” của Phật hoàng Trần Nhân Tông rất cần được thế hệ hôm nay tiếp cận từ triết lý "Vui đạo giữa đời thường”, đề cao khát vọng cống hiến, trách nhiệm công dân, tinh thần sống hữu ích cho đất nước, xây dựng đời sống cá nhân là đời sống xã hội trong sáng, tốt đẹp hơn… 

Giá trị vĩ đại của dân tộc Việt đang lan tỏa…
 
Việc nghiên cứu, tôn vinh, quảng bá tư tưởng và minh triết của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đang được tiếp tục mở rộng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, chắc chắn sẽ cung cấp những hiểu biết khoa học sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, một giá trị tinh thần lớn của dân tộc Việt Nam đóng góp vào những giá trị chung của nhân loại. 

Tinh thần hoà giải và yêu thương mà Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông theo đuổi và thực hiện thành công, ngày nay đang dần lan toả với sức hấp dẫn ngày càng sống động đối với thế giới đang phải chịu đựng những tổn thất lớn lao gây ra bởi những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, những hành vi tàn phá thiên nhiên và môi trường sống. Ngày càng có nhiều tổ chức và công trình nghiên cứu, quảng bá và tôn vinh tư tưởng Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông trong và ngoài biên giới Việt Nam. Một trong các sự kiện nổi bật là việc ra đời Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) tại Trường Đại học Havơt (Mỹ), do một số nhà khoa học và chính trị nổi tiếng khởi xướng. 

Tấm gương của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vua đầu đời Trần càng đặc biệt sâu sắc đối với những người lãnh đạo của mọi thời đại. Đó là tấm gương về quy tụ, đoàn kết, động viên sức mạnh toàn dân tộc hướng vào mục tiêu chung bảo vệ và xây dựng đất nước. Đặc biệt là tấm gương về việc tạo điều kiện để nhân tài phát triển và phục vụ đất nước mà Trần Hưng Đạo là một trường hợp tiêu biểu.

Trải qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước, trong tâm khảm người Việt Nam đã hình thành một cảm thức chung sâu sắc và nhất quán là vô cùng trân trọng tất cả những người có công đối với dân tộc. Tôn vinh Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhận biết đầy đủ hơn và tôn vinh những giá trị chân chính đang được dân tộc lưu giữ qua bao thăng trầm của lịch sử và là một nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi thử thách. Giá trị vĩ đại của dân tộc Việt đang vượt qua các biên giới quốc gia để đến với thế giới, đến với các dân tộc khác để cùng sẻ chia và tôn vinh.

                                                                                              Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.333
Tổng truy cập: