TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Xóa đói, giảm nghèo ở miền núi phía bắc Ðầu tư nhiều, hiệu quả chưa tương xứng
(Ngày đăng: 26/11/2013   Lượt xem: 1178)
Nhờ trồng dứa xuất khẩu, đồng bào dân tộc Mông ở xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bài 1: Chuyện quanh những dự án thoát nghèo
Ðịa bàn các tỉnh miền núi phía bắc rộng, có tiềm năng lớn về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo gấp hơn 2,6 lần và thu nhập của người dân chỉ bằng một nửa so với bình quân chung cả nước.

Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, các tỉnh trong vùng đã nhận được số vốn đầu tư khá lớn. Có nhiều dự án mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp đang tạo ra những ảnh hưởng không tốt trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Khá lên nhờ dự án

12 tỉnh miền núi vùng Tây Bắc có tổng diện tích tự nhiên 109.406 km2, chiếm một phần ba diện tích cả nước. Dân số hơn 10.576 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 53% số dân toàn vùng. Ðây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, có địa hình đa dạng, quỹ đất chưa sử dụng lớn, có các tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới phù hợp phát triển đa dạng nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc có địa hình phân tầng lớn, chia cắt mạnh, cho nên suất đầu tư hạ tầng lớn; quy hoạch bố trí dân cư, xây dựng các KCN tập trung, khu đô thị quy mô lớn, hiện đại gặp nhiều khó khăn; khó triển khai các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung. Mật độ dân số chỉ 50 đến 100 người/km2, nên hạn chế về thị trường tại chỗ và lao động, nhất là lao động lành nghề. Tình trạng lạc hậu, nạn du canh du cư... còn ở một số tộc người. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này là 25,6% (cả nước là 9,6%), GDP bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng/người/năm, bằng 50% so với mức bình quân chung của cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã dành khối lượng vốn đầu tư khá lớn, thông qua các chương trình mục tiêu, các dự án, nên đã giảm nghèo bình quân từ 2 đến 4%/năm. Diện tích cây cao-su đạt gần 42 nghìn ha, đã có nhà máy chế biến mủ. Cây chè ở Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang... được mở rộng diện tích và chuyển đổi giống chất lượng cao, gắn với thương hiệu và uy tín trên thị trường. Cây bông trồng thí điểm ở Sơn La, Ðiện Biên và được nhân rộng gần 3.000 ha, năng suất và hiệu quả tương đối cao. Các nhà máy thủy điện sau thời gian đầu tư quyết liệt, đã phát điện thương mại, góp phần đưa GDP của các tỉnh tăng đáng kể...

Nhà máy thủy điện Nậm Sì Lường (Lai Châu) bị bỏ hoang.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai Ðặng Ngọc Lương cùng chúng tôi đi trên con đường tuần tra biên giới từ trung tâm xã Bản Lầu qua sáu thôn biên giới Việt - Trung, nối với huyện lỵ Mường Khương. Con đường trải nhựa phẳng, rộng, cua thoáng, nên xe bon nhanh, dọc hai bên đường là trập trùng đồi bát úp dứa và chuối xanh mỡ màng. Con đường này được đầu tư 129 tỷ đồng xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, theo Chương trình 30a, trở thành "huyết mạch", khơi thông ốc đảo vùng biên giới của huyện nghèo Mường Khương. Giao thông thuận tiện, sáu thôn giáp biên giới của xã Bản Lầu hình thành vùng chuối, dứa hàng hóa hơn 700 ha, sản lượng khoảng 15 nghìn tấn chuối, dứa/năm, xuất khẩu sang thị trường nước bạn Trung Quốc. Khoảng 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có nguồn thu khoảng 30 tỷ đồng/năm. Ông Thào Thắng, Trưởng thôn Cốc Phương nói: "Nhà nước mở con đường là cho chúng tôi tiền bạc đấy. Hơn 40 hộ trong thôn đều bỏ phát rừng làm nương, trồng dứa và chuối, nhà ít cũng được 40 triệu đồng, nhiều thì 300 đến 500 triệu đồng/năm. Cả thôn bây giờ không có hộ nghèo, nhiều người Mông xây nhà tầng, mua xe ô-tô du lịch đời mới". Ở đây, người Mông sử dụng điện thoại thành thạo để thông tin về giá cả hàng hóa, thời gian thu hoạch chuối, dứa cho những chủ hàng từ bên kia biên giới và Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nội lên "ăn hàng". Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết thêm: Ðời sống bà con khá lên nhờ con đường này, nên cái "lãi" so với vốn đầu tư là lớn lắm, khó tính hết được.

Xã Chiềng On (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), sát biên giới Việt - Lào, có diện tích tự nhiên 6.821 ha, 13 bản, có ba dân tộc là Xinh Mun, Mông, Kinh chung sống. Ông Vì Văn Ỏm, 72 tuổi, dân tộc Xinh Mun hai khóa làm Chủ tịch UBND xã, hai khóa làm Bí thư Ðảng ủy xã, là người tường tận lịch sử mảnh đất này. Ông Ỏm kể: Xưa kia cuộc sống của đồng bào ở đây khổ lắm. Không có đường ô-tô, không điện thắp sáng, người dân sống trong những mái nhà tranh lụp xụp, mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng. Từ khi có Chương trình 135 và các chương trình dự án đầu tư cho vùng biên giới, Chiềng On có nhiều thay đổi. 10 lớp học các cấp, trạm xá được xây mới. Ðường nhựa đã ra tận cột mốc E4, có chợ đường biên, điện lưới quốc gia về tận bản, 65% số hộ dân được dùng nước sạch, 98% số hộ có xe máy, cả xã có 120 xe ô-tô, bình quân mỗi bản có khoảng 10 xe ô-tô dùng để vận chuyển hàng hóa. Dịp này, Chiềng On đang mùa thu hoạch ngô, chúng tôi ngỡ ngàng khi gặp những chàng trai người Mông, Xinh Mun lái xe ô-tô vượt năm tầng dốc, đưa ngô xuống vùng thấp. Ở đây, hộ dân nào thu hoạch ít cũng được 15 đến 20 tấn ngô/vụ, có hộ thu hoạch 50 đến 70 tấn ngô/năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Việc chuyển đổi, góp đất để trồng cây cao-su tại những huyện nghèo như Sìn Hồ, Nậm Nhùn (Lai Châu) là cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương và cả những hộ di dân tái định cư xây dựng thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu. Anh Vì Văn Lản, người Thái, ở bản Cuổi Tở, xã Nậm Cuổi, là công nhân cao-su cho biết: Người dân góp đất trồng cao-su được hưởng 10% giá trị mủ cao-su trên đất họ góp, tính theo giá thị trường, thanh toán hai năm một lần, đồng thời được ưu tiên vào làm công nhân, mức lương hai đến ba triệu đồng/tháng. Toàn xã Nậm Cuổi có 270 người là công nhân cao-su. Ðến nay, tỉnh đã giao và hỗ trợ chuyển đổi đất để các hộ góp đất trồng cao-su được hơn 8.000 ha. Việc chuyển đổi đất trồng cao-su và thu nhập từ việc chăm sóc, sản xuất mủ cao-su là mô hình xóa đói, giảm nghèo thành công lớn nhất tại Lai Châu ba năm vừa qua, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu từ 46,7% (năm 2011) xuống còn 27,8% (năm 2013).

Ở bản Ðêu 3, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), đồng bào Thái thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ du lịch cộng đồng. Bên ngôi nhà sàn thoáng mát, đón gió từ dòng Nậm Thia qua cánh đồng Mường Lò thơm mùi lúa chín, chị Hoàng Thị Phượng nhẹ nhàng trong áo cỏm, váy nhung đen mướt, xà tích bên hông, vừa rót nước mời khách vừa tâm sự: Làm được như ngày hôm nay là chuyển biến nhận thức trong đồng bào Thái quê em, từ việc thu gom rác thải sinh hoạt, làm hơn 340 hố xí tự hoại, sửa sang các nhà sàn có đủ đệm, chăn và các tiện nghi sinh hoạt. Bản thành lập đội văn nghệ quần chúng múa hay cả sáu điệu xòe Thái cổ, cùng dàn nhạc cụ Thái phục vụ khách du lịch, giúp 475 hộ dân trong xã có khung dệt thổ cẩm dệt khăn, làm gối đệm, túi thổ cẩm phục vụ du khách có nhu cầu. Mùa nào thức ấy, các món ăn như: thịt sấy, bánh chưng gio đen, cơm lam, cá suối nướng... qua bàn tay của các cô gái Thái được du khách ưa thích. 10 tháng đầu năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đón hơn 40 nghìn khách du lịch, góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế ở vùng đất này.

Nhưng cũng buồn vì... dự án

Xen những điều vui, vẫn còn những câu chuyện buồn, cười ra nước mắt. Ấy là mới đây những người dân nghèo ở huyện Mường La (Sơn La) được giao nhận bò theo Chương trình 30a, tưởng có cơ hội xóa nghèo, thì đùng một cái lại trắng tay, vì bò lăn ra chết. Trong ba năm 2010-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Mường La ký hợp đồng với đơn vị cung ứng bàn giao 2.701 con bò giống cho người dân ở các xã Ngọc Chiến, Nậm Giôn, Chiềng Công, Chiềng Ân... Xã Ngọc Chiến được giao 251 con, sau một tháng có 16 con chết, đến nay đã có 29 con bò giống chết. Số lượng bò giống toàn huyện bị chết lên đến hàng trăm con, ngoài nguyên nhân không được chăm sóc tốt thì còn do bò giống quá nhỏ, chất lượng không bảo đảm. Anh Quàng Văn Dân, ở bản Nậm Hoi, xã Ngọc Chiến nói một cách hài hước rằng: "Bò của Chính phủ bé quá, tôi còn cắp nách được...". Theo cách giải thích của Phòng NN và PTNT huyện thì, do ba năm qua trượt giá, bò giống tăng giá vượt trần quy định của UBND tỉnh. Ở đây, chính sách đã "không theo kịp" cuộc sống, nếu chờ điều chỉnh giá thì dân không có bò nuôi.

Từ năm 2004 đến đầu tháng 7-2013, tỉnh Lai Châu được đầu tư gần 256 tỷ đồng cho 172 công trình cấp nước tập trung. Theo thiết kế thì số công trình này ước tính cấp nước sạch được cho 58 nghìn 238 hộ (285 nghìn người). Nhưng trên thực tế, khi xây xong, thì chỉ cấp nước được cho 32 nghìn 762 hộ (gần 161 nghìn người). Buồn hơn nữa, trong tổng số 846 công trình cấp nước đã có sẵn và mới xây dựng, chỉ có 395 công trình được đánh giá là còn sử dụng được. Hơn một nửa còn lại là hỏng hóc và bỏ hoang, không ít trong số công trình đó thuộc về 172 công trình cấp nước xây dựng sau năm 2004.

Chợ Minh Lương (xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), được xây dựng năm 2004, trị giá một tỷ đồng, quy mô kiên cố, hoành tráng, rộng gần nghìn mét vuông, có hệ thống chiếu sáng và phụ trợ, ngay cạnh quốc lộ 279, ở khu vực trung tâm xã. Thế nhưng, ở chợ chỉ lèo tèo dăm hàng bán quần áo trẻ em, chủ sạp ngáp dài, ngủ gật. Chủ tịch UBND xã Văn Bàn cho biết, chợ này bỏ trống như vậy từ khi khánh thành, tức là đã chín năm. Xã Chiềng Ken và xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn), có hai chợ được xây dựng năm 2005, với số vốn hơn 500 triệu đồng/chợ, kiên cố, rộng, lợp tôn đỏ, nổi bật trong những công trình hạ tầng ở địa phương, nhưng đang bỏ không, cỏ dại mọc lút chung quanh. Ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai), chợ Cốc Cù được xây dựng năm 2005, với số tiền là 980 triệu đồng. Người dân địa phương cho biết, hôm khánh thành, thật đông vui, xã bỏ tiền mua ngựa làm thịt, nấu thắng cố "thu hút" rất đông người dân chung quanh đến "cưới chợ", người mua bán thì ít, người đến chơi chợ để uống rượu thì nhiều. Buồn thay, kể từ sau lễ "cưới chợ" đến nay, chợ bỏ hoang không người lai vãng.

Ði tìm câu trả lời, chúng tôi đã quan sát thực tế chợ và tìm hiểu từ chính quyền và người dân địa phương thì thấy rằng, các chợ nêu trên đều được xây dựng vội vã theo ý chí chủ quan, chưa khảo sát kỹ càng, nghiêm túc các yếu tố khách quan cần thiết của việc xây dựng chợ, đó là giao thông, mật độ dân cư, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, nhu cầu giao thương hàng hóa... Tất cả các chợ, khi quyết định vị trí xây dựng, cơ quan chức năng không tham vấn, trưng cầu ý kiến người dân địa phương.

Rõ ràng, thực trạng đầu tư kém hiệu quả đang tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến việc thực thi chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước. Ðể ổn định đời sống sản xuất cho đồng bào, cần tiếp tục đầu tư các chương trình dự án, nhưng phải tìm nguyên nhân yếu kém, có giải pháp, cách làm mới phù hợp, hiệu quả.

  (Còn nữa)
                                                                                    Theo: nhandandientu
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.428
Tổng truy cập: