TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nữ họa sĩ Nhật Bản Toba Mika: 20 năm qua, Việt Nam là đề tài duy nhất của tôi (25/11/2013)
(Ngày đăng: 25/11/2013   Lượt xem: 389)
Cuối tuần qua, triển lãm tranh lụa katazome của nữ họa sĩ Nhật Bản Toba Mika với chủ đề "Cảnh vật trong hoài niệm” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm lần thứ 5 của nữ họa sỹ này tại Việt Nam, với những tác phẩm mang đậm hồn Việt.



Nữ họa sĩ Toba Mika
Ảnh: Thiên Bình

Triển lãm trưng bày 31 bức tranh khổ lớn thể hiện nhiều cảnh vật Việt Nam trên vải lụa được vẽ bằng kỹ thuật katazome - kỹ thuật nhuộm truyền thống của Nhật Bản. Các tác phẩm "Buổi sớm Huế”, "Sài Gòn, thành phố của những thay đổi”, "Phố phường quanh hồ Hoàn Kiếm”, "Khăn gói lên đường đi Đà Nẵng”, "Phố cổ Hội An”... của nữ họa sĩ Toba Mika là một sự kết hợp khéo léo khi tâm hồn Việt Nam được thể hiện thuần thục trên những chất liệu văn hóa Nhật Bản. 

Nữ họa sĩ Nhật Bản chia sẻ: Trước khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, bà cảm thấy bế tắc về cảm xúc sáng tác vì tranh katazome khi đó vẫn xoay quanh những mô típ truyền thống như cỏ, cây, chim, cá... Đến Việt Nam, chính những cảnh sắc thiên nhiên cũng như đời sống bình dị của người dân đã tạo cho bà những cảm xúc đặc biệt và bà đã tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác bất tận ở đây trong suốt 20 năm qua. Bà tâm sự: "Mỗi lần đến Việt Nam là tôi như được tiếp sức, con người Việt Nam dễ mến, phong cảnh tươi đẹp. Tôi đã đến nhiều nơi ở Việt Nam và tôi muốn lưu giữ lại những phong cảnh đó qua các tác phẩm như một cách thể hiện tình yêu mến đối với Việt Nam”.

Họa sĩ Toba Mika hiện đang là giáo sư tại trường đại học Kyoto Seika. Qua giới thiệu của bà có thể thấy sáng tác tranh katazome rất kỳ công. Để làm một tác phẩm phải thực hiện nhiều công đoạn từ phác thảo, trổ khuôn mất khoảng 2 tháng, phết hồ, bóc giấy khuôn, xóa những đường nối, tạo nền bằng sữa đậu nành, nhuộm màu, hấp ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 1 giờ để làm cho thuốc nhuộm ăn vào vải không phai và khâu cuối cùng là giũ nước. Trong mọi khâu luôn đòi hỏi sự chuyên tâm, tỉ mỉ cao độ của người họa sĩ. Katazome yêu cầu kỹ thuật rất cao và các loại nguyên liệu để làm cũng khan hiếm, quý giá vì thế loại hình này ngày càng trở nên quý hiếm ở Nhật Bản cũng như trên thế giới.

Cách đây 10 năm (2003) cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, nữ họa sĩ đã có Triển lãm Toba Mika nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sau đó, vào năm 2005 là triển lãm "Huế - Cố đô tràn đầy yêu thương” ở điện Thái Hòa (Huế) năm 2010 là triển lãm "Kết nối những kinh đô vĩnh hằng” kỷ niệm 1300 năm Heijo Nara và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội)… Được xem như là một cầu nối văn hóa giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản, họa sĩ Toba Mika đã được Bộ VHTT&DL Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao tặng huy chương vì những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đến xem triển lãm này, người ta sẽ thấy một Việt Nam chuyển động nhưng tĩnh lặng, trên mặt tranh nhuộm katazome truyền thống Nhật Bản. Và cũng sẽ hiểu rõ hơn tình cảm của một nữ họa sĩ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Triển lãm "Cảnh vật trong hoài niệm” mở cửa cho công chúng thưởng lãm từ ngày 23-11 đến ngày 15-12.

                                                                                            Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.489
Tổng truy cập: