TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới
(Ngày đăng: 21/11/2013   Lượt xem: 865)

Đại sứ Dương Văn Quảng bỏ phiếu bầu Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.

NDĐT – Chiều 19-11, tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), với 93 phiếu ủng hộ, Việt Nam lần đầu tiên trở thành một trong số 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO. Đây là một vinh dự và thành công của ngoại giao và văn hóa Việt Nam, thể hiện đúng đường lối hội nhập quốc tế toàn diện.

Diễn ra trong ba ngày, từ ngày 19 đến ngày 21-11, Đại hội đồng lần thứ 19 của Ủy ban Di sản thế giới có hai nhiệm vụ chính là bầu bổ sung vào ủy ban di sản và sửa đổi nội dung liên quan đến Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước 1972).

‟Kết quả này bất ngờ và có nhiều ý nghĩa vì Việt Nam đã trúng cử ngay từ vòng đầu và Đại hội đồng đã bầu đủ 11 thành viên cho nhiệm kỳ mới (2013-2017). Trở thành một thành viên của Ủy ban Di sản thế giới là vinh dự và thể hiện uy tín của nước ta với UNESCO nói chung và với lĩnh vực văn hóa, di sản nói riêng. Sự kiện này cũng thể hiện sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam sau nhiều năm có đóng góp tích cực” - Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức Pháp ngữ, cho biết trong cuộc trả lời phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp.

Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, bầu cử vào Ủy ban Di sản thế giới là một trong những cuộc bầu cử gay go, phức tạp nhất. Thí dụ, lần bầu cử này lựa chọn 11 thành viên mới thì có đến 23 ứng viên trong đó có Việt Nam. Bầu cử vào Ủy ban Di sản là bầu cử chung cho tất cả 21 thành viên nên tính cạnh tranh cao và không lường trước được kết quả. Chính vì vậy, kết quả đầy ý nghĩa này có được là nhờ sự lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Đại sứ Dương Văn Quảng cho biết, kể từ nay, Việt Nam có thêm nhiệm vụ nặng nề là tiếp tục thực hiện đúng Công ước 1972 vì đã có bảy di sản vật thể đã được UNESCO công nhận là kiệt tác của nhân loại, đồng thời phải đáp ứng những tiêu chí đã đề ra về khai thác và bảo tồn di sản đi liền với phát triển bền vững. Thứ 2 là Việt Nam phải thể hiện vai trò trong việc bảo tồn di sản thế giới. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải có ý kiến trong quá trình xét duyệt các hồ sơ. Đại sứ Dương Văn Quảng khẳng định: ‟Công việc rất nặng nề nhưng vinh dự rất lớn”. 

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có những lợi thế là có thể đóng góp thực hiện công ước này vào việc bảo tồn di sản. Tiếp đó, qua vai trò mới và quan trọng này, thế giới sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam học kinh nghiệm và đào tạo cán bộ để chuẩn bị đủ khả năng và tiềm lực cho những nhiệm vụ quốc tế quan trọng hơn, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam.

Một trong những nguyên tắc đối ngoại hiện nay của Việt Nam là mong muốn trở thành một thành viên chủ động và tích cực của cộng đồng quốc tế. Hai tin vui đến liên tiếp với Việt Nam trong vòng một tuần nay khi trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền và tiếp đó là Ủy ban Di sản thế giới. Vì vậy, Đại sứ Dương Văn Quảng cho rằng, kết quả này thể hiện sự chủ động và đóng góp ngày càng tích cực hơn của Việt Nam vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

‟Trong bốn năm qua, Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO và năm nay chúng ta trúng cử Ủy ban Di sản thế giới. Đó là một sự chuyển tiếp vừa mang tính chủ động, tích cực” - Đại sứ Dương Văn Quảng nói.

Theo ông Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thành công này là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong suốt những năm qua, nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn nhân loại.

Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động phối hợp nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ di sản. Đến nay, Việt Nam đã có một đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản, đủ năng lực để đảm trách các nhiệm vụ chuyên môn khi trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.

Theo nội dung của Công ước 1972, một ủy ban di sản được lập ra có hai nhiệm vụ chính là: đôn đốc, theo dõi các nước thành viên thực hiện đúng Công ước và xét duyệt các hồ sơ của các nước thành viên đệ trình lên để xem xét, ghi danh vào danh sách di sản thế giới. Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 thành viên và có nhiệm kỳ bốn năm.

Đại hội đồng lần thứ 19 này bầu lại 12 thành viên, trong đó có một thành viên để dành cho các nước ứng cử chưa bao giờ có di sản được ghi danh và 11 ghế còn lại dành cho các nước khác. Hằng năm, Ủy ban này xét duyệt 40 đến 60 hồ sơ do các nước thành viên đệ trình lên để được xét và ghi danh là di sản thế giới.

                                                     Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.518.641
Tổng truy cập: