TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Nghề nóng và đen nhất Sài thành
(Ngày đăng: 20/11/2013   Lượt xem: 939)

Suốt 8 giờ chân than mặt bụi, ngồi xuống thì nhọ lưng, quệt ngang thì nhọ mũi, người lúc nào cũng bóng nhẫy mồ hôi vì nóng,…khiến nghề thợ rèn được coi là nghề nóng và đen nhất Sài thành.

Người thợ rèn đời cuối ở Sài Gòn

Giữa cái nắng gay gắt Sài Gòn cộng thêm lò than luôn rực lửa, bể thổi phì phò khiến mồ hôi ông Châu túa ra như tắm.

Sáng nào cũng thế, trong con hẻm nhỏ bên cạnh chợ Nhật Tảo (Phường 4, Q.10, TP.HCM), ông Lê Văn Châu (60 tuổi) vẫn miệt mài chỉnh lại quạt gió, gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra để lên đe gõ gõ vài cái rồi buông. Khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 51 tuổi, vợ ông Châu lại căng sức đưa búa qua đầu rồi đập xuống miếng sắt để trên đe. Những tiếng búa, tiếng sắt cộng tiếng đe chạm vào nhau cứ “chạt”, “cụp” nghe chói tai. Rồi lại cứ vài phút, ông Châu đưa miếng sắt vào bể nước nghe “xèo”, xèo”,… rồi vài phút ông lại vớ lấy chai nước bên cạnh tu ừng ực.

Ông Châu và bà Nguyệt cặm cụi bên lò rèn
Ông Châu và bà Nguyệt cặm cụi bên lò rèn

Nhìn những nhát búa nhịp đều như bắp, chúng tôi nói vui rằng chắc ông bà được sinh ra bên lò rèn nên biết rèn từ trong bụng mẹ, ông Châu cười nói: “Đến khi lập gia đình, tui mới biết thế nào là nghề rèn chứ trước khi cưới bả tui có biết đe búa là gì đâu. Nghề này do ba vợ tui là một thợ rèn có tiếng đã truyền lại. Và sau một năm theo cha vợ học nghề, tui đã “tốt nghiệp” và tự mở một lò rèn riêng để kiếm sống”.

Bà Nguyệt cho biết, chồng bà hiện là một trong những thợ rèn có tiếng hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn. Để có được điều này, ông Châu đã phải trải qua những tháng ngày gian khổ, bởi nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, sự cẩn thận và khéo léo trong từng khâu, như nhóm bếp sao cho ngọn lửa đều, cách chọn than,…Đặc biệt, nếu không có sự kiên trì thì không thể nào trụ lại với nghề. Chẳng thế mà có nhiều thanh niên trai tráng chỉ theo học được “dăm bữa nửa tháng” là chạy… mất dép.

“Hồi ấy, nghề rèn sống được nên tui thuê cả thợ làm, mỗi con dao do tôi rèn với giá hồi ấy khoảng 15.000 đồng, khách rất ưng ý. Bởi vậy lúc đó dù có đến 40 – 50 cái lò rèn ở Sài Gòn nhưng những sản phẩm tôi rèn ra từ cái dao, cái búa đến cái kéo cắt tôn do tui làm ra vẫn bán chạy hơn cả. Không chỉ vậy những sản phẩm ấy còn có mặt ở nhiều tỉnh thành khác, như Tây Ninh, Long An,…”, ông Châu nhớ lại những năm 80 khi nghề rèn còn thịnh.

Tuy nhiên, hiện tại vợ chồng ông làm ít mặt hàng hơn, chủ yếu là búa, kìm, dao, kéo,... “Giờ người ra dùng nhiều vật dụng gia công bằng máy móc hay nhập từ nước ngoài về nên cửa hàng ngày càng thưa khách. Cũng may nhờ mối lái nên chúng tôi vẫn còn đơn đặt hàng từ những cửa hàng quen, vẫn sống lay lắt qua ngày được”, bà Nguyệt thở dài.

Mai một nghề rèn

Hiện số lò rèn tại Sài Gòn chỉ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những người còn sống được với nghề cũng vào tuổi xế chiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của nghề truyền thống này. Khi mà thị trường lúc này đầy ắp những sản phẩm sản xuất bằng công nghệ dây chuyền tự động, những sản sản phẩm thủ công như đúc lư đồng, rèn sắt,…bị thay thế dần. Do đó mà nhiều người không còn mặn mà với cái nghề thủ công này nữa, mà chuyển sang nghề khác kiếm kế sinh nhai.

Sau bao năm gắn bó với nghề, giờ đây ông Châu được coi là thế hệ cuối của nghề rèn ở sài thành
Sau bao năm gắn bó với nghề, giờ đây ông Châu được coi là thế hệ cuối của nghề rèn ở Sài thành

Ông Châu chia sẻ: “Giờ máy móc hiện đại nhiều, hơn thế nữa giá nguyên vật liệu lại cao nên phần lớn tôi chỉ gia công cho người ta thôi, với lại sức khỏe cũng giảm nhiều nên mỗi ngày tôi làm được 5-6 con dao. Mỗi con dao tôi nhận của khách 50.000 đồng, nhưng chưa trừ tiền vật liệu, chất đốt. Do vậy mà thu nhập hàng tháng cũng rất bấp bênh, cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình và lo cho hai đứa con đang tuổi ăn học”.

Ấy vậy ông không hề than trách cho dù đơn hàng ít, mà trái lại ông vẫn luôn tâm niệm là phải làm hết mình để giữ chữ tín. Không chỉ vậy, ông còn luôn cân nhắc giờ làm việc rõ ràng để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Chính vì thế mà mọi người trong hẻm đều mến ông và chiếc lò rèn với những tiếng “chát”, “cộp” thân thương.

Chị Bích Loan sống ở gần đó, nói: “Nghe mấy âm thanh đó riết rồi cũng quen, nhiều khi thấy vui tai. Mỗi khi làm xong là ông Châu liền tắt lò, để không làm ảnh hưởng đến mọi người”.

Đối với ông nghề nào thì nghiệp nấy, ông luôn đau đáu rằng mình còn sống là sẽ còn gắn bó với nghề cho dù nó không còn thời hoàng kim như trước nữa. Bởi như ông chia sẻ, đó không chỉ là nghề mưu sinh, mà đó cũng là một nghề truyền thống mà cha ông truyền lại cần phải được giữ gìn.

                                                                                                   Theo: Baodatviet.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.585
Tổng truy cập: