TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Sắc đỏ gốm Vĩnh Long
(Ngày đăng: 19/11/2013   Lượt xem: 889)

Gốm Vĩnh Long là sản phẩm truyền thống lâu đời không chỉ của Vĩnh Long mà còn là của Đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam bộ. Với màu đỏ đặc trưng, gốm Vĩnh Long từng theo các thương thuyền tới những miền đất xa xôi châu Âu, châu Mỹ. Người Vĩnh Long tự hào về gốm, coi đó là thương hiệu lớn với tất cả sự tự hào.



Bờ Bắc dòng sông Cổ Chiên đỏ nặng phù sa của tỉnh Vĩnh Long từ lâu đã tồn tại một làng nghề làm gốm độc đáo. Tới đây, người ta như lạc vào "vương quốc gốm đỏ”: đỏ từ những ngôi nhà, những bức tường, những lò nung gốm và các sản phẩm gốm. Màu đỏ đặc trưng ấy khiến gốm Vĩnh Long không bị pha trộn với bất cứ sản phẩm gốm nào của cả nước.

Thứ đất sét quý bên dòng Cổ Chiên là vật liệu cơ bản làm nên những sản phẩm gốm tuyệt vời, vừa đủ độ giòn, lại vừa dai, xốp nhẹ. Từ gần 200 năm trước, người dân Vĩnh Long đã biết khai thác mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên. Từ đó, những làng nghề làm gạch ngói lớn nhất vùng ĐBSCL dần được hình thành. Gốm Vĩnh Long, hay đúng hơn là gốm Cổ Chiên thiên về dân dụng. Nhưng từ hơn 30 năm trước, thay đổi thích ứng với thị trường sản phẩm gốm Cổ Chiên đã phong phú hơn, bao gồm cả gốm mĩ thuật.

Từ cầu Mỹ Thuận, nơi con sông Cổ Chiên tách dòng khỏi sông Tiền kéo dài khoảng 30 cây số, chúng tôi đến vàm sông Mang Thít. Nơi đây, có không dưới 700 lò gốm cao thấp khác nhau, san sát như một thành phố kì lạ với vô số những vòm tròn của lò gốm. Đi đâu cũng thấy sắc đỏ. Nếu không tận mắt chứng kiến sẽ không thể tin rằng đại đa số sản phẩm gốm thô đều không sử dụng men màu nhưng đã tự nó ánh lên sắc đỏ pha mốc trắng rất đặc trưng. Chính điều này đã tạo cho gốm Cổ Chiên một vẻ đẹp riêng rất ấn tượng, không bị pha lẫn.



Sản phẩm gốm đỏ Cổ Chiên hôm nay

Trên dòng Cổ Chiên, ghe thuyền xuôi ngược tấp nập chở những mẻ đất sét và cũng là chở những sản phẩm gốm đã hoàn chỉnh. Để có được một sản phẩm tốt, công đoạn nhào trộn đất sét được coi là  khó khăn nhất. Đất sét pha xong phải nhào nặn nhiều lần cho thật mịn tới mức chạm tay vào không dính thì mới đạt. Nhưng, gốm Cổ Chiên không làm theo phương pháp nặn như cách làm gốm thông thường mà đúc theo khuôn làm sẵn.  Theo đó, bao gồm các công đoạn chủ yếu: Đầu tiên là tạo khuôn bằng thạch cao, sau đó đến công đoạn "in”, tức là cắt từng tảng đất sét có độ dày nhất định rồi đem ép vào khuôn. Mỗi phần của sản phẩm được "in” bằng những khuôn riêng, sau đó mới ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tiếp đến là công đoạn "xu”, tức là chỉnh sửa và làm bóng sản phẩm bằng cách dùng một miếng bọt biển nhúng nước rồi vuốt nhẹ.

Sau đó, chúng được đem nung 7 ngày 7 đêm. 4 ngày đầu nung với nhiệt độ từ 100 – 200độ C. Đến ngày thứ 5m thì tăng lửa, ngày thứ 6 lại "siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 900 độ C. Sau đó, người ta ngừng đốt, bịt kín lò bằng đất sét, bao giờ lò nguội mới mở ra.

Không có ngôi làng nào trên đất nước có những ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gốm. Toàn bộ ngôi nhà từ mái, hàng rào, những bức phù điêu, tường, cho đến cả những vật dụng trong nhà như bàn ghế…cũng được làm bằng gốm đỏ.



Lò gốm được xây dựng như một gian lâu đài

Cùng với những lò gốm kéo dài từ huyện Long Hồ đến huyện Mang Thít, những lò gạch thủ công yên nghỉ đã tạo thành một quần thể du lịch đặc biệt cho mảnh đất này. Ông Ba Sơn (Dương Hoàng Sơn), chủ cơ sở gốm Hải Sơn Hà ở xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) nay đã ngoài 70 tuổi vẫn không sao quên được thời gốm đỏ lên hương. Ông Sơn nói, thời đó, cứ sau 10 ngày dỡ một mẻ gốm, gia đình ông lại kiếm được gần 2 lượng vàng.  Còn nay, nó chỉ là ký ức đẹp mà theo ông rất khó quay trở lại. 

Nếu trung tâm gốm của Vĩnh Long là ở Cổ Chiên thì xã Nhơn Phú và Mỹ An của huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sản xuất gạch. Cái nghề này đã mang đến ấm no cho nhiều người nhưng sau này để bảo vệ môi trường, những lò nung truyền thống dần được thay thế bằng hệ thống lò công nghệ cao. Tới nay, vẫn còn đó những lò nung gạch xưa nằm san sát, rêu phong đã bắt đầu tạo cho chúng một màu thời gian.

Nhưng nói như người dân ở đây thì dù mọi sự đã đổi thay, thì gốm đỏ Vĩnh Long vẫn là điều tự hào. Nhiều lò gốm, lò gạch thủ công đã đóng cửa nhưng vẫn còn đó những con người đau đáu với nghề truyền thống của cha ông.

                                                                                               Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.686
Tổng truy cập: